16/11/2023 07:02
ĐVTN xã An Trường A hướng dẫn người dân cài đặt các phần mềm trên điện thoại.
Xã An Trường A, huyện Càng Long là xã đầu tiên thực hiện ký kết và được Viettel Trà Vinh đẩy mạnh thực hiện các hoạt động triển khai mô hình điểm xã chuyển đổi số - thanh toán số với một số nội dung: chuyển đổi số các hạng mục thuộc khu vực công, bao gồm cổng thông tin điện tử, kênh giao tiếp trực tuyến giữa chính quyền và người dân, địa chỉ số, số hóa di tích lịch sử văn hóa. Bên cạnh, lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh tại những vị trí, địa điểm quan trọng của UBND xã, thiết lập các điểm phát wifi công cộng tại một số địa điểm (UBND xã, nhà văn hóa, trạm y tế, trường học…), 100% cán bộ, công chức thuộc bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả được cấp đầy đủ tài khoản, chữ ký số và sử dụng chữ ký số phục vụ công tác số hóa hồ sơ.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã An Trường A, qua hơn 01 tháng thực hiện ký kết, nhân viên Viettel Trà Vinh (khu vực Càng Long) đã phối hợp với địa phương đến từng hộ dân cài đặt phần mềm Viettel Money và hướng dẫn người dân thực hiện. Tuy còn những khó khăn nhất định, một số người chưa có điện thoại thông minh nhưng cơ bản đều đồng tình thực hiện. Trong đó, hiệu quả thấy rõ nhất là giúp người dân thuận tiện khi đóng tiền điện qua Viettel Money. Bởi từ tháng 7/2023, thực hiện chủ trương không dùng tiền mặt theo yêu cầu của ngành, nhân viên ngành điện không đến thu tiền trực tiếp như trước nữa mà yêu cầu người dân đóng qua hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt. Khi đó, nhiều người không đồng tình do nhiều hộ ở nông thôn không có tài khoản ngân hàng, phải đến điểm thu hộ để đóng. Đến nay, có phần mềm Viettel Money, người dân đã thuận lợi hơn trong thanh toán trực tuyến tiền điện, nước và nhiều dịch vụ khác.
Đặc biệt, thực hiện mục tiêu xây dựng mô hình điểm tuyến phố thông minh đạt tiêu chí xóm thông minh theo Bộ tiêu chí Xóm nông thôn kiểu mẫu tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025, UBND xã chọn tuyến đường trên 700m, từ trạm y tế xã đến chợ, là khu vực đông dân cư có nhiều người buôn bán để thực hiện mô hình. Viettel phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn người dân thanh toán trực tuyến qua Viettel Money. Trong đó, đề nghị các cơ sở kinh doanh tạo mã QR Viettel Money để người mua đến giao dịch, thanh toán qua thẻ, không sử dụng tiền mặt như trước đây.
Tuy bước đầu sẽ gặp một số khó khăn nhất định nhưng chính quyền địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ với nhân viên Viettel hỗ trợ thực hiện, đặt mục tiêu 50% người dân trong độ tuổi trưởng thành của xã dùng tài khoản Viettel Money thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, chú trọng lực lượng trẻ, ĐVTN. Chỉ đạo Xã Đoàn đẩy mạnh tuyên truyền chủ đề “Tuổi trẻ tiên phong chuyển đổi số” cho ĐVTN. Phối hợp tổ chức đào tạo tập huấn và tuyên truyền về các nội dung chuyển đổi số cho các lực lượng trên địa bàn xã.
Đồng chí Nguyễn Văn Minh cho biết thêm: sắp tới, Viettel sẽ bố trí kết nối hệ thống thanh toán và lắp đặt mã QR Viettel Money tại Bộ phận một cửa của UBND xã, thiết lập các điểm cung cấp dịch vụ Viettel Money để người dân có thể nạp, rút, chuyển tiền và sử dụng các dịch vụ tài chính khác… tạo thuận lợi trong thực hiện các giao dịch, thanh toán số.
Ông Lê Tấn Thủ, Trưởng Ban Nhân dân Ấp 9 cho biết: ấp có 277 hộ, 1.431 nhân khẩu, khi triển khai các hoạt động chuyển đổi số, người dân đồng thuận thực hiện cài đặt các phần mềm: VNeID, VssID, sổ sức khỏe điện tử, Viettel Money… Chỉ còn một số người chưa có điện thoại thông minh nên không cài đặt được, còn đa số hộ dân, nhất là lực lượng trẻ đều thực hiện cài đặt các phần mềm, trong đó có ứng dụng Viettel Money, thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Xác định người dân là trung tâm của chuyển đổi số và thiết bị di động thông minh sẽ là công cụ giúp người dân tiếp cận, thực hiện các giao dịch trong thời đại số. Vì vậy, việc thực hiện mô hình xã chuyển đổi số sẽ đem lại những lợi ích thiết thực cho chính quyền địa phương, người dân. Tin rằng, với sự đồng hành của Viettel Trà Vinh, xã An Trường A sẽ đạt nhiều kết quả nổi bật trong quá trình chuyển đổi số và phát triển bền vững, thực hiện có hiệu quả mục tiêu Chuyển đổi số quốc gia.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
Để thực hiện lộ trình xây dựng xã nông thôn mới (NTM) thông minh giai đoạn 2021 - 2025, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần đẩy mạnh tuyên truyền đến từng hộ dân mạnh dạn chuyển đổi số, thực hiện quét mã QR, truy cập internet dễ dàng, cập nhật thông tin, tìm hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đơn giản nhất bằng điện thoại thông minh. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, kéo giảm khoảng cách từ thành thị đến nông thôn, sớm xây dựng thành công xã NTM thông minh.