02/05/2024 10:46
Người dân đến Bộ phận Một cửa xã Hưng Mỹ thực hiện thủ tục hành chính sẽ được công chức xã hướng dẫn đăng ký tài khoản trên cổng dịch vụ công để nộp hồ sơ trực tuyến.
Năm 2023, Hưng Mỹ thực hiện đạt và vượt các nhiệm vụ đề ra về chuyển đổi số, nổi bật là chỉ tiêu về xã hội số như: có 5.586/6.089 dân số trưởng thành có điện thoại thông minh (đạt 91,74%), 1.866/5.679 dân số trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số (đạt 32,86%), 2.147/2.525 hộ có kết nối internet (sử dụng đường truyền internet, mạng dữ liệu di động), đạt 85,03%, 3.431/6.089 dân số trưởng thành được cài đặt dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám, chữa bệnh từ xa (đạt 56,35%), 82% người dân có sổ sức khỏe điện tử, tạo được 2.576 tài khoản dịch vụ công…
Công tác cải cách hành chính được nâng chất lượng, 10/10 CBCC tham gia quy trình giải quyết thủ tục hành chính có chữ ký số để thực hiện nhiệm vụ, xã ban hành 429/521 văn bản điện tử (đạt 82,34%), tỷ lệ số hóa hồ sơ thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa đạt 32,15%. Đẩy mạnh tuyên truyền người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến với nhiều hình thức, chỉ đạo CBCC hướng dẫn, hỗ trợ người dân tạo tài khoản trên Cổng Dịch vụ công và các bước thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Nhờ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động công tác công vụ, nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ CBCC hành chính của xã, đặc biệt là tạo được sự gắn kết của người dân và cơ quan hành chính nhà nước.
Đồng chí Dương Thị Kim Phượng, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Mỹ cho biết: việc áp dụng chuyển đổi số mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng được nhiệm vụ, yêu cầu trong tình hình mới, CBCC nâng cao ý thức tiếp cận công nghệ, góp phần hoàn thiện việc xây dựng chính quyền điện tử. Các nhà mạng triển khai hỗ trợ địa phương thực hiện nhiều hoạt động chuyển đổi số, các doanh nghiệp trên địa bàn xã đều thực hiện chữ ký số. Xã Hưng Mỹ được UBND huyện Châu Thành đánh giá đi đầu trong xử lý các văn bản trên môi trường mạng.
Trong thực hiện xây dựng xã NTM kiểu mẫu, ngay từ đầu năm 2023, xã chọn ấp Ngãi Hiệp để thực hiện mô hình ấp thông minh của xã để tập trung triển khai các mô hình kinh tế như mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… UBND xã triển khai đồng loạt các nghị quyết, chính sách hỗ trợ cho người dân nhằm tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận chính sách và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả giá trị cây trồng vật nuôi. Qua triển khai thực hiện, trên địa bàn ấp Ngãi Hiệp có 107 hộ trồng rau các loại với diện tích 42ha, trong đó có 05 hộ trồng rau an toàn có sử dụng hệ thống tưới tự động từ 80% trở lên các công đoạn giúp người dân tiết kiệm nước và chi phí sản xuất.
Hợp tác xã Nông nghiệp - Thương mại và Sản xuất dịch vụ Châu Hưng có ứng dụng truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm gạo “Hạt ngọc Châu Long” (đạt OCOP 3 SAO) và triển khai sử dụng các nền tảng số trong quản lý và điều hành như áp dụng chữ ký số, khai báo thuế qua môi trường điện tử. Ngoài gạo “Hạt ngọc Châu Long”, sản phẩm “Gạo Lợi Hưng” của xã cũng đạt OCOP 3 sao, có mã QR truy xuất nguồn gốc và được bán qua kênh thương mại điện tử như: Zalo, Facebook, sàn thương mại Trà Vinh.
Đồng chí Dương Thị Kim Phượng cho biết thêm: nhằm thực hiện các tiêu chí xã chuyển đổi số, năm 2023, UBND xã phối hợp với VNPT Trà Vinh lắp đặt wifi miễn phí tại UBND xã, trụ sở ấp, chợ, khu vui chơi, tạo thuận lợi cho người dân truy cập internet và thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Năm 2024, Hưng Mỹ tiếp tục phối hợp với Viettel Trà Vinh triển khai đồng loạt các hoạt động chuyển đổi số, trong đó có triển khai ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, hỗ trợ cài đặt Viettel money trên điện thoại thông minh cho người dân, triển khai đồng bộ hạ tầng thanh toán và thuê bao Viettel Money trên địa bàn xã, tạo nên hệ sinh thái tài chính số toàn diện. Đồng thời, áp dụng công nghệ nhằm chuyển đổi số các hạng mục thuộc khu vực công. Từ đó, góp phần xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xây dựng đồng bộ xã hội số trên địa bàn xã.
Song song đó, xã tiếp tục phối hợp với tổ công nghệ số cộng đồng triển khai, hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt các ứng dụng trên điện thoại thông minh như: giải quyết thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công, thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, cổng thông tin điện tử, các chương trình hỗ trợ điện thoại thông minh giúp người dân sử dụng thiết bị điện tử thông minh và có cài đặt các ứng dụng để tiếp cận được thông tin về chủ trương, chính sách, an ninh trật tự, khoa học kỹ thuật, thủ tục hành chính… Nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, củng cố hoạt động của Bộ phận Một cửa, tổ công nghệ số cộng đồng, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân về sử dụng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.
Bài, ảnh: ANH KHOA
Để thực hiện lộ trình xây dựng xã nông thôn mới (NTM) thông minh giai đoạn 2021 - 2025, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần đẩy mạnh tuyên truyền đến từng hộ dân mạnh dạn chuyển đổi số, thực hiện quét mã QR, truy cập internet dễ dàng, cập nhật thông tin, tìm hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đơn giản nhất bằng điện thoại thông minh. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, kéo giảm khoảng cách từ thành thị đến nông thôn, sớm xây dựng thành công xã NTM thông minh.