24/01/2022 05:34
Lãnh đạo Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Cầu Ngang khảo sát cơ sở sản xuất bánh tét Ba Loan.
Chương trình đã tạo sức lan tỏa, thu hút sự tham gia và phát huy của các chủ thể kinh tế trong việc nâng cấp và hoàn thiện sản phẩm theo nhu cầu thị trường và tái cơ cấu kinh tế theo hướng liên kết. Các sản phẩm có nhiều chuyển biến tích cực rõ nét về chất lượng và bao bì nhãn mác, truy xuất nguồn gốc như các nhóm sản phẩm thực phẩm “bánh tét”. Vào dịp Tết, bánh tét thường xuất hiện trên bàn thờ gia tiên hay bên cạnh khay mứt. Với hương thơm và mềm dẻo mùi nếp mới cùng với một chút vị ngọt bùi của nhân đậu xanh, vị mặn của trứng vịt muối, lạp xưởng, béo béo của mỡ heo và thịt heo… Để phát triển sản phẩm bánh tét hấp dẫn người tiêu dùng, bà Mai Thị Hoàng Loan, ấp Trà Cuôn, xã Kim Hòa đã tiết tấu sản phẩm bánh tét truyền thống từ khâu sơ chế, chế biến nhân cho đến màu sắc của bánh để nâng cao chất lượng sản phẩm và cải tiến mẫu mã bao bì bắt mắt người dùng. Nhờ vậy, cơ sở bánh tét Ba Loan có 02 sản phẩm đạt chuẩn OCOP xếp hạng 3 sao (bánh tét thập cẩm, bánh tét 3 màu).
Bà Trần Thị Kim Chung, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang cho biết: là huyện nông nghiệp, hiện Cầu Ngang đang chú trọng phát triển sản phẩm OCOP nông nghiệp nhằm phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương, tạo sức bật cho khu vực kinh tế nông thôn trong giai đoạn mới. Với trọng tâm phát triển sản phẩm OCOP nông nghiệp, huyện chỉ đạo tổ chức sản xuất và tái cơ cấu ngành nông nghiệp để nâng cao chất lượng sản phẩm chủ lực hướng đến đạt chuẩn sản phẩm OCOP. Đối với cây lúa, huyện bố trí lại cơ cấu mùa vụ, sản xuất 02 vụ/năm: hè - thu và thu đông - mùa; áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới; nhân rộng các mô hình hợp tác, phát triển sản xuất lúa chất lượng cao, lúa giống, lúa sạch, lúa hữu cơ gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm...
Theo bà Trần Thị Kim Chung, để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi tiêu thụ sản phẩm và thu hút đầu tư, hướng đến thị trường xuất khẩu, thời gian tới, huyện tập trung các giải pháp tiếp tục thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về nội dung chương trình OCOP, chu trình OCOP, bộ tiêu chí đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cho cán bộ cấp huyện, xã và sâu rộng trong Nhân dân. Tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ, cơ sở sản xuất chi tiết bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; xây dựng hồ sơ tham gia chương trình OCOP, phương pháp xây dựng phương án kinh doanh, kế hoạch kinh doanh. Trong thực hiện chu trình OCOP đối với các sản phẩm tham gia chương trình OCOP, tùy vào mức độ hoàn thiện của sản phẩm, huyện có giải pháp tư vấn, hỗ trợ cải tiến, nâng cấp sản phẩm phù hợp với chu trình OCOP, bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và điều kiện của cơ sở sản xuất.
Đối với sản phẩm từ ý tưởng mới, các địa phương phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hướng dẫn các cơ sở đăng ký ý tưởng sản phẩm mới tham gia chương trình OCOP và thực hiện đúng theo 06 bước của chu trình OCOP trên cơ sở đề xuất theo nhu cầu và khả năng của cơ sở.
Đối với sản phẩm OCOP đề nghị nâng hạng sao, tiếp tục củng cố nâng cao chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, liên kết chuỗi, phát triển thương hiệu, xúc tiến thương mại… hoàn thiện hồ sơ đề nghị đánh giá nâng hạng sao sản phẩm OCOP theo chu trình.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Chiều ngày 08/5, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại tỉnh (Sở Công thương Trà Vinh) tổ chức nghiệm thu, bàn giao Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất gỗ mỹ nghệ”.