01/05/2022 09:27
May mặc là một trong những ngành nghề góp phần giải quyết việc làm nhiều lao động, tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Ông Phạm Văn Tám, Giám đốc Sở Công thương cho biết: gần 30 năm qua, được sự quan tâm của Bộ Công thương, của tỉnh, cùng với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của cán bộ, công chức, viên chức, lao động trong toàn ngành qua các thời kỳ, đã đưa ngành công nghiệp của tỉnh không ngừng phát triển cả về số và chất lượng, góp phần đáng kể trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Năm 1992, ngành công nghiệp của tỉnh chủ yếu là sản xuất tiểu thủ công nghiệp, với các ngành nghề truyền thống, sử dụng công nghệ lạc hậu, thị trường tiêu thụ nội địa; ngành thương mại chủ yếu mua bán nhỏ lẻ, nơi giao thương tại các chợ truyền thống. So với năm 1992, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 đạt trên 35.469 tỷ đồng, tăng trên 130 lần; tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2020 đạt 33.542 tỷ đồng, tăng trên 47 lần; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 361,48 triệu USD, tăng trên 25 lần.
Giai đoạn 2016 - 2020, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 18,15%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng bình quân 12,41%, kim ngạch xuất khẩu tăng 342,81 triệu USD so với giai đoạn trước. Năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 32.015 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 31.910,47 tỷ đồng. Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 375 doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, 08 hợp tác xã, 10.353 cơ sở và hộ cá thể, hoạt động với nhiều ngành nghề như: sản xuất điện năng, túi xách, dây dẫn điện dùng trong ô - tô, giày da, hóa chất, chế biến thủy, hải sản, lương thực, thực phẩm, các sản phẩm từ dừa, hàng thủ công mỹ nghệ, may mặc...
Cùng với đó, nhiều nhà máy đầu tư công nghệ, trang thiết bị hiện đại, sản xuất hàng hóa đáp ứng được thị trường xuất khẩu, góp phần giải quyết việc làm 56.402 lao động trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, tỉnh được đầu tư Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải, Nhà máy điện gió, điện mặt trời,... hàng năm sản xuất bình quân gần 18 tỷ kilowatt giờ, góp phần đảm bảo nguồn điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt và an ninh năng lượng quốc gia.
Một trong những thành tựu nổi bật của tỉnh là thu hút phát triển các dự án năng lượng. Hiện tỉnh có 05 nhà máy điện gió với tổng công suất 256,8/322MW và nhà máy điện mặt trời Trung Nam công suất 165kWp (140MW) đã đi vào hoạt động và phát điện thương mại, Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải (Nhà máy 1, 2, 3 và nhà máy 3 mở rộng) tổng công suất 4.498MW. Với công suất thực tế, các nhà máy hiện có khả năng cung cấp khoảng 16 - 22 tỷ kWh/năm, là nguồn cung cấp điện lớn nhất đang hoạt động ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, góp phần đảm bảo nguồn điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt và an ninh năng lượng quốc gia.
Thương mại dịch vụ có bước phát triển khá, hệ thống chợ, siêu thị được đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo, qua đó, phát triển mới 37 trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, máy bán hàng tự động; 323 cửa hàng và 15 tổng đại lý, thương nhân phân phối, kho xăng dầu, đại lý LPG; xây mới, nâng cấp, cải tạo và chuyển đổi 52 chợ, đến nay có 116 chợ được phân hạng góp phần cải thiện đáng kể hạ tầng thương mại của tỉnh.
Quy hoạch 14 cụm công nghiệp với 539,12ha; thành lập 04 cụm công nghiệp với 93,18ha, tổng vốn đầu tư khoảng 987,98 tỷ đồng, các cụm công nghiệp đang triển khai, hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý để triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Hạ tầng lưới điện, hiện toàn tỉnh có trên 3.127km đường dây trung thế; trên 5.335km đường dây hạ thế và 6.333 trạm biến thế.
Các công trình lưới điện như: đường dây 500kV Duyên Hải - Mỹ Tho; 03 đường dây 220kV (Duyên Hải - Trà Vinh, Duyên Hải - Mỏ Cày và Vĩnh Long - Trà Vinh); đường dây 110kV, trạm 110kV/22kV, tạo liên kết mạch vòng, phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân và doanh nghiệp. Hệ thống lưới điện phủ rộng khắp cả tỉnh với cấp điện áp từ 0,4kV - 500kV, hộ sử dụng điện hiện nay 99,27%, tăng 92,13% so với năm 1992 (7,14%).
Từ cuối năm 2019 đến nay, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng lớn đến tình hình sản kinh doanh của các doanh nghiệp. Vì thế, Sở Công thương thực hiện các giải pháp bình ổn giá, đảm bảo nguồn hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm... cung ứng cho người dân. Phối hợp các doanh nghiệp xây dựng phương án bảo đảm dự trữ các loại hàng hóa, lương thực thực phẩm. Tăng cường dự trữ các mặt hàng thiết yếu từ 30 - 50% so với thời điểm bình thường với tổng kinh phí 131 tỷ đồng. Phối hợp triển khai cấp tin nhắn SMS cho 898 lực lượng giao hàng (shipper) của 27 doanh nghiệp, cơ sở bằng phương tiện xe mô tô trên địa bàn tỉnh, qua đó nhằm đáp ứng nhu cầu giao hàng hóa thiết yếu đến người dân.
Ngoài ra, Sở Công thương hỗ trợ kết nối tiêu thụ các mặt hàng nông, thủy sản địa phương qua các Sàn Bưu chính Viettel Trà Vinh (Voso.vn), Shopee.vn, Sendo.vn, Tiki với trên 60,18 tấn trái cây các loại. Rà soát các sản phẩm hàng hóa thiết yếu, các sản phẩm nông, thủy sản trên địa bàn tỉnh đang và sắp thu hoạch để lập kế hoạch, phương án triển khai hỗ trợ đầu ra, tránh tồn đọng. Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong điều kiện ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nhằm đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ. Quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử vào quản lý, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm hàng hóa trên môi trường mạng.
Công ty TNHH Trà Vinh Farm (Sokfarm), huyện Tiểu Cần chuyên sản xuất những sản phẩm từ mật hoa dừa, góp phần nâng cao giá trị sản xuất ngành công nghiệp của tỉnh (trong ảnh người lao động đóng gói thành phẩm).
Theo ông Phạm Văn Tám, để thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp trong giai đoạn tới, ngành công thương tập trung, dồn sức thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm:
(1) đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho doanh nghiệp nhận thức sâu về các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, tiếp tục triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành công thương.
(2) Nghiên cứu đề xuất bổ sung, điều chỉnh các chính sách khuyến khích, thu hút nhà đầu tư, ưu tiên phát triển những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, áp dụng công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, tăng cường tiếp cận DN để kịp thời tháo gỡ khó khăn; quan tâm khuyến khích, hỗ trợ đầu tư sản xuất các sản phẩm đủ tiêu chuẩn, chất lượng vào các siêu thị, Trung tâm thương mại và xuất khẩu.
(3) Phối hợp tăng cường tuyên truyền các chính sách của tỉnh và Trung ương đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp cận, để mời gọi đầu tư, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn.
(4) Phối hợp với chủ đầu tư triển khai thi công và sớm đưa vận hành thương mại 04 dự án điện gió được cấp giấy chứng nhận đầu tư và hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai thực hiện 04 dự án điện gió được bổ sung và Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
(5) Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại theo hướng kết hợp giữa văn minh, hiện đại. Tăng cường mời gọi đầu tư xây dựng hệ thống các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, phát triển chợ đầu mối nông thủy sản. Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa các mặt hàng, từng bước chuyển đổi cơ cấu mặt hàng theo hướng tăng tỷ trọng các mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng cao.
(6) Tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Chiều ngày 08/5, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại tỉnh (Sở Công thương Trà Vinh) tổ chức nghiệm thu, bàn giao Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất gỗ mỹ nghệ”.