22/10/2023 06:27
Lao động tham gia công đoạn khoan lổ trong làm bàn ghế tre tại Làng nghề thủ công mỹ nghệ xã Hàm Giang, huyện Trà Cú.
Một thực tế cho thấy, các sản phẩm ngành nghề nông thôn trong tỉnh hiện thiếu tính liên kết theo chuỗi giá trị; từ đó, làm cho thu nhập của các lao động tại các làng nghề và ngành nghề nông thôn chưa cao, chưa thu hút được sự tham gia của người dân tại địa phương...
Bà Trịnh Thị An, ấp Tân Thành Tây, xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần cho biết: ở địa phương có nghề bó chổi, nhà nhà và người người đều tận dụng thời gian rảnh để tham gia làm gia công vào từng công đoạn bó chổi. Riêng bà đã gần 80 tuổi, hàng ngày tham gia công đoạn vót cọng dừa để lấy nang và bán cho các cơ sở bó chổi; cũng kiếm được 15.000 đồng/ngày (khoảng 03kg nang).
Làng nghề bó chổi xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần tập trung ở 04 ấp: Cao Một, Trẹm, Tân Thành Tây và Tân Thành Đông; đây là một trong những làng nghề có số lao động tham gia ở các công đoạn đông nhất, với trên 1.500 lao động; trong đó, có gần 300 lao động tham gia trực tiếp ở giai đoạn cuối của sản phẩm và trên 1.200 lao động tham gia thu mua cọng dừa, vót cọng dừa, bó chổi bán thành phẩm…
Đồng chí Võ Thanh Triều, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hòa cho biết: địa phương có làng nghề bó chổi đã giải quyết việc làm khá lớn cho lao động tại chỗ. Tuy nhiên, do sản phẩm chủ yếu phục vụ hoạt động sinh hoạt gia đình và nguồn tiêu thụ ở các tỉnh ngoài. Hàng năm, làng nghề của địa phương cung cấp khoảng 05 triệu sản phẩm (cây chổi cọng dừa).
Cũng theo đồng chí Võ Thanh Triều, làng nghề cũng tham gia một phần việc tiêu thụ các sản phẩm từ cây dừa của địa phương. Hiện toàn xã có khoảng 1.500ha dừa, trong đó, nguyên liệu (cọng dừa) tại địa phương được người dân tận dụng để làm nguyên liệu bán lại cho các cơ sở bó chổi trong xã chiếm khoảng 20% nguyên liệu (cọng dừa).
Bên cạnh đó, các cơ sở bó chổi của xã còn thu mua nguyên liệu ở các huyện trong tỉnh và ngoài tỉnh như Bến Tre, Sóc Trăng… Trong hỗ trợ đầu tư cho làng nghề, những năm qua, với nguồn vốn của Dự án AMD Trà Vinh đã đầu tư trên 10,5 tỷ đồng để xây dựng 02 công trình giao thông vào làng nghề (đường nhựa ấp Cao Một dài trên 1,6km; đường nhựa ấp Cần Tiêu dài trên 1,8km) và hỗ trợ cho cơ sở xây dựng 01 sân phơi; 04 máy rút dây chì trong bó cán chổi, máy chặt cáng chổi.
Còn tại Làng nghề tiểu thủ công nghiệp ở xã Hàm Giang, huyện Trà Cú tập trung chủ yếu ở ấp Trà Tro A, Trà Tro B, Trà Tro C. Hàng năm, thu hút trên 1.284 lao động tham gia vào các khâu: thu mua, chặt, vận chuyển vật liệu (tre, trúc, tầm vong); sơ chế và xử lý vật liệu thô trước khi đưa vào chế tác, sản xuất các sản phẩm: giường, thang, bàn ghế… từ tre, trúc và tầm vông.
Đồng chí Kim Tha, Chủ tịch UBND xã Hàm Giang, huyện Trà Cú cho biết: đây là làng nghề có đông đồng bào Khmer tham gia (trên 80%). Do sản phẩm của làng nghề chủ yếu là phục vụ trong sinh hoạt gia đình và nguồn tiêu thụ các sản phẩm ở làng nghề chủ yếu do người làm tự đưa sản phẩm đi bán; chưa có đầu mối liên kết để tiêu thụ ở ngoài tỉnh; giá trị mang lại chưa cao… Từ đó, thu nhập của các hộ trong làng nghề thường bấp bênh.
Hiện nay, chỉ có một số làng nghề có giá trị mang lại khá cao từ sản phẩm, như Làng nghề trồng hoa kiểng (xã Long Đức), Làng nghề trồng hoa kiểng Phường 4 (thành phố Trà Vinh); Làng nghề sơ chế biến thủy sản Xóm Đáy (xã Đông Hải, huyện Duyên Hải); Làng nghề bánh tét Trà Cuôn (xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang); Làng nghề rượu Xuân Thạnh (xã Hòa Thuận, huyện Châu Thành)….
Đồng chí Huỳnh Kim Nhân, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết: để xây dựng các giải pháp mang tính đột phá cho phát triển nghề trong thời gian tới; đặc biệt là trong việc xây dựng sản phẩm OCOP gắn với làng nghề và nông thôn mới nhằm hỗ trợ tích cực đối với nghề truyền thống của địa phương để tăng giá trị sản phẩm làng nghề...
Tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới tổ chức, quản lý và thực hiện quy hoạch làng nghề phù hợp tiềm năng; mời gọi đầu tư, cải tiến, đổi mới thiết bị, công nghệ sản xuất hiện đại; đa dạng hóa sản phẩm; tăng cường đào tạo nghề cho lao động; xúc tiến quảng bá thương hiệu gắn với tiêu thụ sản phẩm… Việc khôi phục, phát triển hiệu quả, bền vững ngành nghề, làng nghề góp phần xây dựng nông thôn mới hiệu quả.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Chiều ngày 08/5, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại tỉnh (Sở Công thương Trà Vinh) tổ chức nghiệm thu, bàn giao Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất gỗ mỹ nghệ”.