15/02/2024 05:27
Công nhân Công ty TNHH chế biến dừa sáp Cầu Kè đóng gói sản phẩm kẹo dừa sáp.
Những năm gần đây, ngành công nghiệp của tỉnh phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, góp phần làm tăng trưởng kinh tế của địa phương, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Đặc biệt, nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có vai trò, vị trí chủ lực trong công nghiệp của tỉnh, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội như thu hút nguồn lực trong dân, tạo nguồn sản phẩm đa dạng, phong phú phục vụ nhu cầu xã hội và xuất khẩu, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế; một số cơ sở, làng nghề sản xuất công nghiệp đã đứng vững và phát triển theo cơ chế thị trường.
Ngành công nghiệp chế biến của tỉnh hiện nay tập trung vào lĩnh vực chế biến, chế tạo. Đây là những ngành có lợi thế về vùng nguyên liệu, lao động nên được tỉnh khuyến khích phát triển với nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, nhằm tạo nguồn lực cho các cơ sở sản xuất và tạo động lực để thúc đẩy ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển, nhất là ngành công nghiệp chế biến, nguồn kinh phí khuyến công những năm qua đã tạo động lực cho cơ sở, doanh nghiệp mở rộng sản xuất, thay đổi thiết bị, đặc biệt là thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh phù hợp với yêu cầu công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn.
Điển hình như Công ty TNHH chế biến dừa sáp Cầu Kè là doanh nghiệp chuyên chế biến sản phẩm từ trái dừa sáp thành nhiều dòng sản phẩm xuất khẩu, trong đó sản phẩm chủ lực là “dừa sáp sợi Vicosap”. Đây là động lực quan trọng góp phần mở đường cho những sản phẩm OCOP nói riêng, ngành công nghiệp chế biến của tỉnh nói chung tiến xa thị trường ngoài nước.
Ông Trần Duy Linh, Giám đốc Công ty TNHH chế biến dừa sáp Cầu Kè cho biết: để thực hiện mục tiêu phát triển kinh doanh theo hướng bền vững, ngoài sản phẩm truyền thống “dừa sáp sợi Vicosap” và kẹo dừa sáp, sữa chua dừa sáp,… ngoài kế hoạch sản xuất phục vụ thị trường tết Nguyên đán, Vicosap đã và đang triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh theo hướng đa dạng hóa sản phẩm. Theo đó, Công ty đầu tư cải tiến trang thiết bị dây chuyền sản xuất các sản phẩm bánh, kẹo, nước uống từ dừa sáp với nhiều hương vị trái cây,… khoảng 200 sản phẩm.
Việc chế biến sâu sản phẩm dừa sáp trong tương lai sẽ trở thành sản phẩm chủ lực của Vicosap, từ đó giúp Vicosap mở rộng thị trường, chủ động, tận dụng nguồn nguyên liệu, nhất là đẩy mạnh thương hiệu dừa sáp đặc sản Trà Vinh ra thị trường quốc tế.
Tại cơ sở sản xuất dầu dừa sạch Phương Huỳnh, Phường 6, thành phố Trà Vinh, cơ sở đã tận dụng nguồn nguyên liệu dừa sẵn có tại địa phương thu mua hàng tháng từ 07 - 10 tấn cơm dừa chế biến dầu dừa. Vào dịp Tết, công suất sản xuất của cơ sở tăng lên từ 12 - 15 tấn cơm dừa phục vụ người tiêu dùng.
Ông Giang Kiến Quốc đang li tâm tách dầu dừa tại cơ sở sản xuất dầu dừa sạch Phương Huỳnh.
Bà Lâm Mộng Thúy, chủ cơ sở sản xuất dầu dừa sạch Phương Huỳnh cho biết: dầu dừa của cơ sở sản xuất theo phương pháp Wet-mill fermentation & heated - được khoa học chứng minh chứa hoạt chất chống ô-xy hóa cao nhất, giữ nguyên chất dinh dưỡng, được đánh giá 10/10 (theo coconutoil.com) đã làm cho sản phẩm khác biệt với các sản phẩm dầu dừa trên thị trường hiện nay. Hiện sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao, chứng nhận HACCP, an toàn thực phẩm, chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm.
Để đứng vững trên thị trường, cơ sở luôn hướng đến dòng sản phẩm an toàn, không sử dụng hóa chất hay các chất phụ gia để sản xuất và bảo quản sản phẩm. Vì thế, năm 2023, cơ sở mạnh dạn đầu tư thiết bị máy li tâm, máy dán nhãn tự động, máy in cầm tay B1040H Handheld Inkjet Coder + mực in, hơn 338 triệu đồng, trong đó Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh hỗ trợ 160 triệu đồng.
Đồng chí Phạm Văn Tám, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương cho biết: hiện sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ trên địa bàn tỉnh vẫn còn khó khăn và thách thức, nhưng các cơ sở, doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã chủ động, thích ứng linh hoạt và tập trung nguồn lực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nhờ đó giá trị sản xuất của lĩnh vực này tiếp tục tăng trưởng.
Các chỉ tiêu về công nghiệp và thương mại tăng trưởng tốt so cùng kỳ và đạt trên 86% kế hoạch, riêng chỉ tiêu về tỷ lệ hộ sử dụng điện đến nay đạt 100% kế hoạch. Nhiều sản phẩm công nghiệp, thương mại tăng trưởng cao, trong đó nhiệt điện sản xuất vượt kế hoạch, là sản phẩm chủ lực chi phối giá trị sản xuất công nghiệp. Các hoạt động khuyến công, khyến khích cơ sở tiểu thủ công nghiệp nông thôn được đẩy mạnh và ngày càng có hiệu quả.
Thời gian tới, Sở Công thương phối hợp triển khai hoàn thành các dự án điện năng lượng tái tạo đã cấp giấy chứng nhận đầu tư; các dự án điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới theo định hướng Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mời gọi đầu tư phát triển hạ tầng cụm công nghiệp và đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn đảm bảo tiến độ để thu hút các dự án đầu tư vào sản xuất công nghiệp. Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế đầu tư.
Cùng với đó, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư; tập trung hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn, phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP. Thực hiện hiệu quả đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào trong dây chuyền sản xuất, giúp cơ sở, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng và cạnh tranh thị trường. Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành công thương đến năm 2030 và các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị, chú trọng đến các mặt hàng nông sản và bình ổn thị trường.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Chiều ngày 08/5, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại tỉnh (Sở Công thương Trà Vinh) tổ chức nghiệm thu, bàn giao Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất gỗ mỹ nghệ”.