17/06/2020 05:57
Cuối năm 2016, Trung tâm đã hỗ trợ thiết bị cho Công ty TNHH MTV Tài Dung chế biến tương ớt, đậu hũ.
Ông Dương Giải Phóng, Giám đốc Trung tâm chia sẻ: Công tác khuyến công giai đoạn 2015 - 2020 tạo nhiều kết quả nổi bật, nhất là hỗ trợ ứng dụng thiết bị vào khâu sản xuất. Trong 05 năm, Trung tâm đã tổ chức thực hiện 39 đề án, kinh phí hỗ trợ 3,655 tỷ đồng. Trong đó, vốn quốc gia 0,6 tỷ đồng/03 đề án; nguồn địa phương 3,055 tỷ đồng/36 đề án, với tổng vốn đầu tư đối ứng của DN gần 12,86 tỷ đồng. Đánh giá về vốn đầu tư xã hội, đây là một trong những hoạt động thu hút vốn đầu tư hiệu quả; trung bình 01 đồng vốn được ngân sách cấp sử dụng cho hoạt động hỗ trợ thiết bị sẽ thu hút vốn đầu tư của DN, giải quyết 389 lao động có việc làm, thu nhập từ 5,5-06 triệu đồng/người/tháng/39 đề án. Hoạt động này đã giúp DN từng bước thay đổi dần những phương pháp sản xuất truyền thống, bán thủ công - quy trình sản xuất cũ, chất lượng sản phẩm tạo ra chưa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Mặt tích cực khác là việc ứng dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến vào quá trình sản xuất còn giúp DN nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, kiểm soát tốt hơn chi phí đầu vào, tiết kiệm thời gian lao động, từ đó giúp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp...
Qua 05 năm thực hiện (2015 - 2020), Trung tâm đã tổ chức triển khai các hoạt động đồng bộ, đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực. Nhiều hoạt động hỗ trợ luôn được quan tâm cải thiện theo hướng sâu sát với nhu cầu của DN, đúng ngành nghề, đối tượng thụ hưởng; đa số DN được hỗ trợ phát triển theo hướng ổn định, bền vững, tạo nhiều việc làm mới và gia tăng thu nhập cho lao động nông thôn, nhiều DN được tư vấn mở rộng sản xuất, sản phẩm đầu ra có thị trường tiêu thụ tương đối ổn định.
Tạo kết quả trên, do nhận thức từ DN về vai trò, tầm quan trọng của hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại đối với phát triển công nghiệp nông thôn thay đổi theo hướng tích cực. Nhiều DN sẵn sàng tiếp cận và thụ hưởng các chính sách để mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, thời gian tới, cần nâng cao chất lượng hoạt động, nhằm phục vụ phát triển DN tốt hơn. Bởi DN trên địa bàn tỉnh đa phần nhỏ và siêu nhỏ, nên khả năng hình thành DN đầu mối thu gom và phân phối rất ít, thị trường đầu ra hạn chế, các cơ sở sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ phần lớn gia công cho các DN đầu mối ngoài tỉnh, chưa có thị trường xuất khẩu ổn định, phần lớn tiêu thụ qua khâu trung gian, dẫn đến lợi nhuận thấp, khả năng tích lũy vốn phục vụ tái đầu tư hạn chế,… đã ảnh hưởng đến công tác phối hợp triển khai đề án.
Ông Dương Giải Phóng cho biết thêm: Việc thu hút chưa đồng đều giữa DN tham gia thụ hưởng, vì một số địa bàn được khuyến khích, ưu đãi thì ít DN có nhu cầu. Bên cạnh đó, công tác tổ chức triển khai hoạt động sản xuất sạch hơn còn gặp khó khăn, vướng mắc. Ngoài ra, một số ít DN đã thụ hưởng từ nguồn vốn khuyến công qua thời gian hoạt động, do tình hình khó khăn chung của thị trường nên giải thể, ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, hiệu quả chưa như mong đợi; định mức hỗ trợ cho DN còn thấp so với tổng vốn đầu tư; việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng còn khó khăn, do thiếu tài sản đảm bảo tiền vay, quy mô đầu tư khiêm tốn.
Để nâng cao chất lượng và tạo hiệu quả, đặc biệt thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ Sở Công thương nhiệm kỳ 2020 - 2025, Trung tâm sẽ tăng cường phát huy những mặt làm được, cũng như rút kinh nghiệm những tồn tại, hạn chế của nhiệm kỳ 2015 - 2020. Thời gian tới, Trung tâm hỗ trợ đảm bảo đúng ngành nghề, đúng đối tượng thụ hưởng, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị truyền thông để phổ biến, tuyên truyền chính sách phát triển công nghiệp, thương mại, hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại, tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp để DN nắm bắt thông tin kịp thời, chính xác; hỗ trợ cho DN phát triển thị trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu. Tổ chức và tham gia các cuộc hội chợ, phiên chợ nhằm quảng bá sản phẩm, tìm đầu ra cho sản phẩm của tỉnh.
Về nguồn vốn, ngoài ngân sách tỉnh, Trung ương, Trung tâm sẽ huy động các nguồn kinh phí của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động khuyến công; kết hợp, lồng ghép với các nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học, chương trình phát triển ngành nghề nông thôn và chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác để nâng cao nguồn kinh phí hỗ trợ DN. Đồng thời, khuyến khích và mời gọi các thành phần kinh tế tích cực đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất; hỗ trợ phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và cải tiến, đổi mới công nghệ. Trung tâm thường xuyên khảo sát DN trên địa bàn tỉnh nhằm nắm bắt nhu cầu cần hỗ trợ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để có giải pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời và hiệu quả.
Nắm bắt nhu cầu thị trường của người tiêu dùng, lợi thế vùng nguyên liệu tại chỗ và các yếu tố cần thiết để DN phát triển bền vững, năm 2016, Trung tâm triển khai đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến tương ớt, đậu hũ” tại Công ty TNHH MTV Tài Dung (Phường 1, thành phố Trà Vinh), với công suất 09 tấn/tháng, cà chua 06 tấn/tháng. Qua đó, giúp DN chủ động sản xuất, sản phẩm đạt chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường. |
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Chiều ngày 08/5, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại tỉnh (Sở Công thương Trà Vinh) tổ chức nghiệm thu, bàn giao Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất gỗ mỹ nghệ”.