23/02/2022 11:20
Nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại vào quá trình sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và cạnh tranh với thị trường, năm 2021, Trung tâm KC-XTTM tỉnh Trà Vinh đã hỗ trợ 08 đề án ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến cho các cơ sở sản xuất mở rộng ngành nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, với tổng vốn đầu tư trên 6,8 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công hỗ trợ gần 1,5 tỷ đồng.
Ông Đinh Văn Toại điêu khắc bằng máy móc thiết bị mới.
Cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của hộ kinh doanh Đinh Văn Toại, Khóm 1, Phường 9, thành phố Trà Vinh là một trong những cơ sở được Trung tâm KC-XTTM hỗ trợ đề án ứng dụng máy tiện công nghệ cao trong sản xuất gỗ mỹ nghệ, với tổng kinh phí 180 triệu đồng.
Ông Toại, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ Long Phát cho biết: quê ở tỉnh Nam Định, từ nhỏ ông đã được học nghề làm đồ gỗ từ làng nghề truyền thống La Xuyên (Nam Định), năm 2011, vợ chồng ông vào tỉnh Tiền Giang làm thuê, khi tích lũy được vốn ông có ý tưởng mở cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ. Đến năm 2014, trong một cơ duyên đến tỉnh Trà Vinh du lịch, ông nhận thấy nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tương lai có thể phát triển mạnh, do đó đến tháng 7/2014, ông quyết định lập nghiệp với nghề sản xuất, kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ tại tỉnh Trà Vinh.
Khi có mặt bằng sản xuất, kinh doanh sản phẩm, ông thuê 07 lao động có tay nghề và thợ thủ công cùng sinh sống và học nghề tại quê hương Nam Định vào cơ sở làm việc, thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng/lao động/tháng. Với gần 08 năm kinh doanh các mặt hàng trang trí nội thất chất lượng từ gỗ như: bàn, ghế, giường, tủ áo quần, tủ sách, đồng hồ treo tường,... Các sản phẩm hầu hết được làm từ gỗ tự nhiên như gỗ xoài, hương, gỗ đỏ, thao lao và bên… được chạm, khắc tỉ mỉ kết hợp với sự sáng tạo và tính thẩm mỹ để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, mỗi bộ sản phẩm ông thu lợi nhuận từ 10 - 15%.
Theo ông Toại, với nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, việc sản xuất bằng phương pháp thủ công không thể đáp ứng số lượng đặt hàng. Do đó, năm 2021 được sự hỗ trợ của Trung tâm KC-XTTM, ông đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để hỗ trợ trong việc chạm khắc tạo ra các sản phẩm nhanh hơn nhằm đáp ứng đơn hàng cũng như chi phí nhân công trong sản xuất, giúp cơ sở nâng cao năng suất gấp 02 lần so với làm thủ công, còn đa dạng mẫu mã sản phẩm, góp phần làm tăng giá trị gia tăng của ngành công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Cơ sở sản xuất bánh tráng của ông Thái Thanh Son, Khóm 8, Phường 9, thành phố Trà Vinh xuất phát từ nghề làm truyền thống cha truyền con nối, công đoạn tráng bánh thủ công trung bình khoảng 1.000 cái bánh/ngày. Để đổi mới máy móc thiết bị mới có thể đáp ứng nhu cầu thị trường, cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập, năm 2021, gia đình ông Son được Trung tâm KC-XTTM hỗ trợ 91 triệu đồng đầu tư trang thiết bị tráng bánh, từ đó năng suất và chất lượng tăng lên gấp nhiều lần so với làm nghề thủ công.
Ông Son cho biết: làm nghề sản xuất bánh tráng khá vất vả, đòi hỏi sức lao động cao. Trong quá trình tráng bánh, phơi bánh,… tất cả công đoạn phải liên tục không ngừng nghỉ, nên cơ sở khó kiếm được lao động. Phần lớn lao động ở cơ sở đều làm việc theo thời vụ và thường xuyên biến động, bình quân khoảng 02 - 07 lao động/ngày. Mặc dù lao động thường xuyên biến động nhưng từ khi cơ sở đầu tư thiết bị sản xuất hiện đại nên công đoạn sản xuất nhanh hơn sản xuất thủ công, bình quân 02 vợ chồng ông và 02 người lao động tham gia sản xuất khoảng 7.000 - 8.000 cái bánh/ngày; ngày nào có đông lao động, cơ sở hoạt động hết công suất khoảng 10.000 - 15.000 cái bánh/ngày, tăng gấp 10 lần so với làm thủ công, giá bán từ 38.000 - 40.000 đồng/100 bánh, lợi nhuận từ 500.000 - 700.000 đồng/ngày.
Có thể nói, những năm qua, công tác khuyến công đã tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất nâng cao sản xuất và chất lượng sản phẩm, cạnh tranh thị trường. Trên cơ sở đó, năm 2022, Trung tâm KC-XTTM tiếp tục tranh thủ nguồn kinh phí Khuyến công Quốc gia để hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp trong tỉnh có thêm điều kiện đầu tư nâng cấp trang thiết bị sản xuất chế biến thực phẩm ngày càng hoàn thiện sản phẩm, tự tin hội nhập thị trường trong và ngoài tỉnh, gia tăng hiệu quả kinh tế. Trung tâm tập trung đẩy mạnh hỗ trợ 11 đề án ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến, sản xuất sạch hơn; tổ chức 02 chuyến học tập kinh nghiệm và tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho các cơ sở công nghiệp nông thôn tiêu biểu trên địa bàn tỉnh; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ trong và ngoài tỉnh, phiên chợ hàng Việt về nông thôn và kết nối cung cầu hàng hóa với các tỉnh, thành... từ đó đưa sản phẩm chủ lực, nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu... phát triển mạnh ra thị trường ngoài tỉnh.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Chiều ngày 08/5, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại tỉnh (Sở Công thương Trà Vinh) tổ chức nghiệm thu, bàn giao Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất gỗ mỹ nghệ”.