14/08/2022 14:18
Anh Lê Tấn Triều (giữa) chia sẻ kinh nghiệm nuôi rắn ri voi với ĐVTN địa phương. Ảnh: TẤN PHÁT
Xuất thân từ một gia đình nông dân ở Khóm 10, thị trấn Càng Long, với thu nhập từ 3.000m² vườn tạp gia đình anh Triều chỉ đủ chi tiêu cuộc sống hàng ngày không thể phát triển kinh tế. Anh Triều chia sẻ: tôi muốn lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình với những mô hình mà địa phương chưa ai thực hiện. Qua tìm hiểu trên mạng internet, qua các kênh truyền thông tôi thấy có nhiều thanh niên thành công với những mô hình mới, lạ. Nhiều hộ nông dân không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu nhờ thực hiện mô hình nuôi rắn ri voi. Thế là tôi bắt tay vào thực hiện mô hình từ năm 2021.
Ban đầu, do mới thử nghiệm mô hình nên anh Triều chỉ mua 26 con rắn lứa (120.000 đồng/con) của một nông dân ở xã Đại Phước, huyện Càng Long về nuôi trong bể xi măng, sau một thời gian chăm sóc thấy rắn phát triển tốt, dễ nuôi lại ít rủi ro, nhẹ công chăm sóc so với một số con vật khác mà giá bán lại rất cao. Anh Triều đã mạnh dạn mở rộng mô hình, anh mua thêm 100 con rắn con về nuôi. Kỹ thuật nuôi rắn ri voi khá dễ dàng, chỉ cần xây bể nuôi không cần mái che, vì khi có ánh sáng mặt trời rắn sẽ mau lớn và không bị bệnh. Có thể cho thêm lục bình hoặc một vài tấm ngói vào trong bể. Cách 03 - 04 ngày cho rắn ăn một lần và định kỳ thay nước thường xuyên để môi trường nước không bị ô nhiễm.
Anh Triều cho biết: rắn ri voi là loại dễ nuôi, công chăm sóc không nhiều, chi phí thấp, chỉ bỏ công làm lời, lợi nhuận cao. Đây là mô hình thích hợp cho những ĐVTN mới bắt đầu khởi nghiệp, lập nghiệp. Thức ăn cho rắn chủ yếu là ếch, nhái, cá tạp nhưng anh chỉ chọn cá trê để làm thức ăn cho rắn. Để đảm bảo nguồn thức cho rắn, anh Triều đã mua cá trê giống về nuôi trong vèo và vớt cho rắn ăn dần vừa đảm bảo chất lượng nguồn thức ăn vừa giảm nhẹ chi phí. Trong quá trình nuôi, nếu cho ăn đầy đủ, môi trường nước không bị ô nhiễm, trung bình 01 năm có thể thu hoạch rắn thịt. Tuy nhiên, người nuôi phải nắm vững quy trình kỹ thuật nuôi, biết chọn giống tốt, hồ nuôi được xây dựng chắc chắn, cho ăn đầy đủ… để rắn mau lớn, khỏe mạnh, ít hao hụt và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Sau hơn 01 năm nuôi trong bể xi măng, rắn của anh Triều đạt trọng lượng từ 600 - 700g (đối với rắn đực), khoảng 01 - 1,2 kg (rắn cái) và cho thu hoạch. Trung bình cách 02 tháng anh Triều bán 05kg rắn thịt với giá 550.000 đồng/kg. Khi thu hoạch, anh Triều tuyển lại những con rắn lớn, khỏe mạnh để lại nuôi làm rắn giống sinh sản.
Theo anh Triều, kỹ thuật nuôi rắn sinh sản cũng không khó, rắn tự giao phối và sinh sản, mỗi con rắn cái có thể sinh sản khoảng 10 - 20 rắn con, sau đó vớt rắn con ra bể nuôi riêng, sau thời gian chăm sóc 01 tháng có thể bán với giá từ 80.000 - 120.000 đồng/con. Hiện giá rắn ri voi thương phẩm được thương lái thu mua với giá 550.000 đồng/kg nhưng anh Triều không bán mà để lại nuôi sinh sản. Hiện tại anh có 53 con rắn giống sinh sản. Anh cho biết, sắp tới anh sẽ mở rộng mô hình, xây thêm nhiều bể để nuôi rắn ri voi sinh sản và bán rắn giống cho người dân địa phương.
Anh Nguyễn Tấn Phát, Bí thư Đoàn Thanh niên thị trấn Càng Long cho biết: mô hình nuôi rắn ri voi sinh sản của anh Triều cho hiệu quả kinh tế khá cao, nhưng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm tích lũy được. Để mô hình này phát triển bền vững rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện của các ngành chuyên môn trong việc chuyển giao khoa học - kỹ thuật.
Thời gian tới, Đoàn Thanh niên thị trấn sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ ĐVTN vươn lên lập thân, lập nghiệp, đặc biệt là tư vấn hướng nghiệp, giúp đoàn viên yếu thế, thanh niên khởi nghiệp từ đó thực hiện tốt phong trào đồng hành với ĐVTN trong phát triển kinh tế.
HỒNG NHUNG
Chiều ngày 19/11, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023 - 2027” (Dự án) tổ chức hội thảo báo cáo kết quả khảo sát và đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP có chủ thể là nữ.