28/07/2021 13:09
Bác sĩ Trần Ngọc Phương, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế tỉnh Trà Vinh: “liều vắc-xin đủ mạnh”
Bác sĩ Trần Ngọc Phương (bên phải), Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế tỉnh Trà Vinh.
Ngay từ khi có những ca dịch bệnh đầu tiên, với sự nhạy bén và kinh nghiệm của người trong ngành, Bác sĩ Phương tiên lượng được những khó khăn, vất vã đối với đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên y tế phải đối mặt nên cùng Ban Thường vụ Công đoàn ngành tham mưu với Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở Y tế triển khai nhiều giải pháp quán triệt, động viên, ổn định tâm lý, tinh thần cho đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên y tế để sẳn sàng thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đây phải là “liều vắc-xin đủ mạnh”.
Bác sĩ Phương chia sẻ: trong phòng, chống dịch bệnh (PCDB) cần sự đồng tâm hợp lực của các cấp, các ngành nhưng với đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên y tế phải xác định mình là lực lượng chính, là tuyến đầu thì đương nhiên những khó khăn, vất vả cũng nhiều hơn. Vì là tuyến đầu trong truy vết, khoanh vùng, điều trị… nên ai cũng có thể trở thành F1, F2, thậm chí F0 hoặc vừa kết thúc thời gian cách ly F1, F2 thì khi quay lại làm việc tiếp tục tiếp xúc với F0 và lại trở thành F1, F2… Vì vậy, Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở Y tế, Công đoàn ngành y tế đã quán triệt trong toàn hệ thống phát huy tinh thần, trách nhiệm của người thầy thuốc “lương y phải như từ mẫu”. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành phương châm hành động của các thế hệ thầy thuốc chúng tôi, quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Nhân dân đang rất kỳ vọng.
Lấy bản thân mình để lý giải, Bác sĩ Phương thẳng thắn nhìn nhận: mình là người trong ngành y, là lực lượng nòng cốt, có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ mà tinh thần không tốt, hoang mang, dao động trước đại dịch thì làm sao có thể phục vụ tốt cho bệnh nhân, tham gia công tác phòng, chống dịch cùng địa phương. Bản thân Bác sĩ Phương cũng thường xuyên có mặt trong các hoạt động của ngành, như: thăm, tặng quà, động viên đội ngũ y, bác sĩ ở tuyến đầu; tập trung các nguồn lực và vận động các mạnh thường quân hỗ trợ quà, nhu yếu phẩm nhằm chia sẻ khó khăn với đoàn viên công đoàn, y, bác sĩ nói riêng và lực lượng PCDB nói chung để tiếp thêm nghị lực, niềm tin chiến thắng đại dịch, trả lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Bác sĩ Trần Thanh Duyên, Phó Giám đốc, Chủ tịch CĐCS Trung tâm Y tế huyện Châu Thành: không ngại khó, cán bộ ngành y sẵn sàng nhận nhiệm vụ bất cứ lúc nào
Bác sĩ Trần Thanh Duyên (bên phải) tuyên truyền PCDB Covid-19 cho người bệnh.
Cũng là cán bộ trong ngành y, nhưng lại phụ trách đơn vị tuyến đầu của huyện trong PCDB và điều trị cho bệnh nhân, Bác sĩ Trần Thanh Duyên được nhiều đồng nghiệp đánh giá là người rất có tinh thần trách nhiệm, tận tụy và rất tâm lý.
Chia sẻ với chúng tôi về những kỷ niệm ấn tượng trong thực hiện nhiệm vụ, Bác sĩ Duyên kể: các phương án PCDB của huyện đã được chuẩn bị chu đáo từ trước để sẵn sàng kích hoạt bất cứ khi nào cần, nhưng cũng có những tình huống bất ngờ. Đó là thời điểm trước đêm 30 tết Nguyên đán năm 2020, trong khi mọi người đang sum họp gia đình, chuẩn bị đón giao thừa thì được báo đia phương có ca F1, kế hoạch PCDB của huyện được kích hoạt, cán bộ, nhân viên y tế được điều động thực hiện nhiệm vụ, mọi người gác lại việc gia đình, việc riêng tư, 100% cán bộ được triệu tập có mặt đầy đủ theo yêu cầu. Có người chỉ xin cấp trên chậm ít phút để lấy tư trang, các vật dụng cần thiết rồi cùng với anh em khác lên đường làm nhiệm vụ. Xuất phát từ tinh thần trách nhiệm của cán bộ ngành y trong huyện trước nhiệm vụ mà cấp trên giao phó và Nhân dân kỳ vọng. Đó là kết quả từ quá trình tuyên truyền, vận động của Công đoàn cơ sở, nơi Bác sĩ Duyên với vai trò Chủ tịch Công đoàn.
Bác sĩ Duyên kể: khi vào phục vụ các khu cách ly y tế tập trung, do quy định chặt chẽ của các khu cách ly nên cán bộ y tế không chỉ làm nhiệm vụ theo dõi, điều trị mà hầu hết kiêm luôn nhiệm vụ hậu cần, phục vụ ăn, nghỉ, sinh hoạt của các trường hợp cách ly. Nếu không phải xuất phát từ cái tâm, từ tinh thần, trách nhiệm, sự tận tâm, hy sinh việc riêng thì cán bộ ngành y không thể hoàn thành khối lượng công việc lớn như vậy trong đại dịch.
Cuộc trao đổi giữa Bác sĩ Trần Thanh Duyên với chúng tôi tuy ngắn ngủi nhưng liên tục bị gián đoạn vì thường xuyên phải nhận điện thoại chỉ đạo từ cấp trên và nhân viên vào xin y kiến giải quyết công việc chuyên môn trong bệnh viện và ngoài thực địa. Việc giải quyết, xử lý những công việc như thế này trong điều kiện bình thường thì đơn giản, nhưng trong lúc này không hề dễ dàng, do nguồn nhân lực có hạn, cần có sự phối hợp nhịp nhàng đồng bộ giữa các bộ phận, các khoa, phòng, cấp trên, cấp dưới, chính quyền địa phương… Bác sĩ Duyên tâm sự.
Ông Lê Văn Bài, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Tiểu Cần: cầu nối chia sẻ yêu thương, kết nối nghĩa tình
Ông Lê Văn Bài tham gia nấu ăn hỗ trợ người dân trong các khu cách ly PCDB Covid-19 trên địa bàn huyện Tiểu Cần.
Không phải là cán bộ ngành y, không phải là lực lượng tuyến đầu, nhưng ông Lê Văn Bài có cách làm của mình để góp sức vào công tác PCDB ở đia phương.
Trước những khó khăn, vất vả của lực lượng tuyến đầu, như: y tế, lực lượng canh gác tại các chốt, trạm, khu vực cách ly, phong tỏa, nhất là việc lo ăn, nghỉ cho các trường hợp cách ly, các lực lượng làm nhiệm vụ nơi phong tỏa, ông Bài tham mưu Huyện ủy, Ban chỉ đạo huyện, phối hợp với các ngành, đoàn thể huyện, các địa phương hỗ trợ, tiếp sức công tác PCDB Covid-19.
Ông Lê Văn Bài, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện cho biết: huyện Tiểu Cần hiện có 05 khu cách ly, với trên 300 trường hợp được cách ly y tế theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; 02 khu phong tỏa PCDB Covid-19, với hàng trăm F1, F2. Nhằm hỗ trợ, tiếp sức cho công tác phòng, chống dịch bệnh của các cơ quan chức năng, Liên đoàn Lao động huyện cùng với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, Huyện Đoàn và một số xã, thị trấn chung sức tổ chức các hoạt động thiết thực, hỗ trợ, phục vụ các nhu cầu thiết yếu cho cán bộ, lực lượng chức năng và những trường hợp bị cách ly, các hộ dân trong khu vực phong tỏa.Liên đoàn Lao động huyện kêu gọi các xã, thị trấn, cơ quan, ban, ngành, mạnh thường quân… cũng tích cực trên tinh thần tự nguyện, hỗ trợ trong khả năng, có người ủng hộ 10kg khổ qua, có người ủng hộ 01kg tiêu, 02kg ớt, 03kg cà tím, hỗ trợ công sức… ông Bài kể lại.
Các hoạt được phối hợp nhịp nhàng, có sự chỉ đạo, giám sát của lãnh đạo Ban Dân vận Huyện ủy trên tinh thần phát huy thế mạnh, nhân lực, vật lực của các ngành, đơn vị. Với trên 300 trường hợp cách ly y tế tập trung và đội ngũ cán bộ quản lý, lực lượng chức năng, mỗi ngày, các tổ phục vụ trên 600 suất ăn, quy ra tiền trên 12 triệu đồng, giảm áp lực rất lớn cho người bị cách ly và lực lượng làm nhiệm vụ. Nhờ cách làm này, đến nay, huyện Tiểu Cần hoàn toàn miễn phí ăn, nghỉ, chưa thu phí người cách ly tập trung. Ngoài các hoạt động trên, Liên đoàn Lao động huyện vận động nhà hảo tâm trao tặng 376 phần quà cho hộ nghèo ở 09 xã, 02 thị trấn và công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện.
Những hoạt động thiết thực của Liên đoàn Lao động, ban, ngành huyện, các địa phương trong việc phục vụ các khu cách ly, khu vực phong tỏa trong thời gian qua không những góp phần chia sẻ khó khăn, vất vả cho lực lượng tuyến đầu PCDB và các trường hợp cách ly trong thời gian qua mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm, nghĩa tình, nguồn động viên tinh thần cho công tác PCDB Covid-19 trên địa bàn huyện Tiểu Cần trong thời gian tới.
Bài, ảnh: TRÍ DŨNG
Chiều ngày 19/11, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023 - 2027” (Dự án) tổ chức hội thảo báo cáo kết quả khảo sát và đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP có chủ thể là nữ.