14/08/2023 08:04
Chị Thạch Thị Ngọc Li (trái) với mô hình nuôi bò sinh sản.
Đó là trường hợp của chị Thạch Thị Ngọc Li, sinh năm 1993. Tốt nghiệp THPT năm 2011 tại Trường THPT Long Hiệp, huyện Trà Cú, Ngọc Li tiếp tục con đường học vấn của mình tại Trường Đại học Trà Vinh. Trải qua hơn 04 năm miệt mài học tập ở giảng đường đại học, đến năm 2015, chị tiếp tục tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân chuyên ngành Sư phạm ngữ văn Khmer.
Thay vì tiếp tục với nghề mình đã chọn, chị Ngọc Li trở về gia đình tập trung vào việc phụng dưỡng cha mẹ già cùng người chị và cô em gái. 03 năm sau ngày tốt nghiệp đại học, chị quyết định lập gia đình với chàng cựu sinh viên cùng ngành và trước mình đúng 01 khóa học. Câu chuyện khởi nghiệp bắt đầu sau ngày đôi vợ chồng trẻ này “yên bề gia thất”. Ban đầu được 02 vợ chồng suy nghĩ, phân tích, cuối cùng cả 02 đi đến quyết định dùng số vốn được xem là “của hồi môn” do cha mẹ 02 bên cung cấp đề đầu tư nuôi bò sinh sản.
Khởi nghiệp với 04 con bò mẹ vào năm 2018, đến năm 2021, đàn bò nhà chị Ngọc Li đã tăng lên 15 con. Trong đó, tất cả bê con đều được giữ lại để tái đàn kết hợp số vốn đầu tư từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp chị nâng cao số lượng bò nuôi. Chăm sóc đàn bò với ngần ấy số lượng có thời điểm chiếm gần hết thời gian trong ngày của người con gái nhỏ nhắn. Bởi thời điểm này chồng chị Ngọc Li đã tập trung vào công việc shipper (người giao hàng) cho 01 đơn vị tại thị trấn Trà Cú nhằm tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Để đảm bảo đủ nguồn thức ăn cho đàn bò, chị Ngọc Li dùng 02 công đất ruộng chuyển sang trồng cỏ, kết hợp mua thêm nguồn rơm rạ có sẵn tại địa phương để dự trữ. Vất vả, bởi vừa cắt cỏ, vừa vựa rơm kết hợp chăm sóc đàn bò… nhưng bù lại mỗi năm gia đình chị thu lợi nhuận trên 50 triệu đồng từ đàn bò.
Bên cạnh những thành công bước đầu từ mô hình khởi nghiệp nuôi bò sinh sản, tại địa phương chị Thạch Thị Ngọc Li còn tích cực tham gia công tác đoàn thể. Đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam từ tháng 5/2017 và giữ chức vụ Bí thư Chi đoàn ấp Bến Nố cho đến nay, chị Ngọc Li luôn là tấm gương điển hình trong các phong trào hành động cách mạng tại địa phương để ĐVTN trong ấp noi theo.
Nhận xét về chị Thạch Thị Ngọc Li, chị Lê Thị Ngọc Huyền, Phó Bí thư Xã Đoàn Tân Hiệp cho biết, Chi đoàn ấp Bến Nố do chị Ngọc Li làm Bí thư hiện có 19 đoàn viên. Với vai trò đầu tàu của mình, chị Ngọc Li luôn đi đầu tham gia các phong trào thi đua do địa phương phát động. Riêng công việc làm ăn, phát triển kinh tế của hầu hết đoàn viên trong Chi đoàn ấp Bến Nố đến nay đều ổn định, trong đó điển hình có đoàn viên khá lên nhờ việc mua bán bò. Kiểm tra, đánh giá và xếp loại hàng năm Chi đoàn ấp Bến Nố đều được xếp loại chi đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Được biết, mặc dù kinh tế gia đình hiện nay đã khá ổn định, đứa con trai 04 tuổi của anh chị cũng được nuôi dưỡng rất chu đáo. Thế nhưng chị Thạch Thị Ngọc Li hy vọng sẽ sớm được ngành giáo dục địa phương tuyển để chị có dịp phát huy năng lực với chính nghiệp vụ mình đã học.
Đặc biệt, việc chị Ngọc Li trở thành công chức nhà nước cũng là mong ước của gia đình, bởi hiện nay cả người chị và cô em gái của chị Li đều gắn bó với các đơn vị. Trong đó, người chị hiện là giáo viên của Trường THCS thị trấn Định An (cùng huyện Trà Cú), còn cô em gái là Bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện đa khoa huyện Trà Cú.
Bài, ảnh: LÂM THY
Chiều ngày 19/11, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023 - 2027” (Dự án) tổ chức hội thảo báo cáo kết quả khảo sát và đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP có chủ thể là nữ.