08/02/2021 10:00
Bà Thạch Thị Thu Hà (phải) tặng nhà “Mái ấm công đoàn” cho NLĐ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Ảnh: PHAN TUẤN
Nếu như đầu năm 2020, nhu cầu lao động trên địa bàn tỉnh Trà Vinh rất dồi dào với hàng loạt các DN công bố kế hoạch tuyển dụng hàng chục ngàn lao động mới nhằm đáp ứng các yêu cầu đơn hàng mới như: Công ty TNHH Giày da Mỹ Phong có kế hoạch tuyển mới 10.000 lao động, mở thêm phân xưởng ở xã Tân An, huyện Càng Long, Công ty TNHH Bảo Tiên (huyện Châu Thành) có kế hoạch tuyển mới 7.000 lao động, Công ty TNHH Woongsum Global VINA, các công ty ở Khu Công nghiệp Long Đức cũng có kế hoạch tuyển mới hàng ngàn lao động… tuy nhiên, sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán 2020, do dịch bệnh Covid-19 bùng phát nên tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN gặp nhiều khó khăn, nhất là các DN sản xuất hàng xuất khẩu. Khi dịch bệnh bùng phát ở giai đoạn đầu, DN gặp khó khăn do không nhập được thiết bị, nguyên vật liệu, quản lý, chuyên gia nước ngoài không có mặt để điều hành hoạt động. Sau đó thì DN lại gặp khó do không tiêu thụ được sản phẩm… dẫn đến NLĐ bị mất việc, giảm việc làm, chấm dứt hợp đồng lao động… kéo theo đó là NLĐ bị giảm thu nhập, cuộc sống khó khăn.
Theo báo cáo của các cấp công đoàn trong tỉnh, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đến cuối tháng 12/2020, toàn tỉnh có trên 30.000 NLĐ bị ảnh hưởng như mất việc làm, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên… trong đó có trên 12.200 công nhân Công ty TNHH Giày da Mỹ Phong.
Trước tình hình đó, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Trà Vinh, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở trong các DN làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, ổn định tình hình, tăng cường phòng, chống dịch đến toàn bộ đoàn viên, NLĐ. Nhiều DN thực hiện công tác tuyên truyền các dấu hiệu nhận biết, biện pháp phòng tránh lây nhiễm, cập nhật tin tức về dịch bệnh qua hệ thống loa phát thanh trong nhà xưởng và nhà ăn; treo băng rôn, hình ảnh tuyên truyền tại căn tin, cổng công ty, bảng thông báo... để NLĐ nâng cao ý thức, thực hiện các biện pháp phòng dịch tại nơi làm việc như đeo khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt và xịt cồn rửa tay cho công nhân khi đến làm việc tại công ty, thành lập nhóm hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp...
Đặc biệt, chú trọng công tác tuyên truyền qua trang website của DN, đơn vị, các trang mạng xã hội… giúp NLĐ nâng cao nhận thức được vấn đề để chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân, bảo vệ DN, đảm bảo sản xuất liên tục. Về phía DN, các cấp công đoàn đã chủ động phối hợp thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cũng như ổn định tình hình tư tưởng của NLĐ và ổn định sản xuất.
Đối với những trường hợp NLĐ hoàn cảnh khó khăn, mất việc do dịch bệnh Covid-19, LĐLĐ tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, kêu gọi hỗ trợ của cộng đồng, DN… như: LĐLĐ thành phố Trà Vinh, LĐLĐ huyện Tiểu Cần vận động chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê nhà cho công nhân bị mất việc làm và đã có 22 chủ nhà trọ cam kết thực hiện, Công đoàn ngành y tế tỉnh Trà Vinh hỗ trợ lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch trên 182 triệu đồng; Công đoàn ngành y tế Việt Nam hỗ trợ 100 thùng sữa, 55 triệu đồng hỗ trợ đội ngũ nhân viên y tế tham gia phòng, chống dịch. LĐLĐ tỉnh hỗ trợ cho 571 trường hợp là NLĐ hoàn cảnh khó khăn, mất việc, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, các chốt kiểm dịch, bệnh viện dã chiến trên 800 triệu đồng.
Đối với các DN, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn thường xuyên nắm chắc tình hình, nếu có trường hợp DN tạm dừng hoạt động khiến NLĐ gặp khó khăn, LĐLĐ tỉnh đồng hành hỗ trợ để giải quyết phần nào khó khăn chung; đồng thời kiến nghị với các sở, ban, ngành liên quan chung tay có hướng giải quyết, triển khai các dự án, đề án giải quyết việc làm theo chương trình, mục tiêu của tỉnh, huyện, ngành. Đối với khó khăn của DN, công đoàn vận động NLĐ đồng hành, chia sẻ khó khăn với DN thông qua thương lượng để giữ việc làm, hạn chế thấp nhất việc cắt giảm lao động, chấm dứt hợp đồng lao động… tại một số DN, nhờ thương lượng mà vẫn đảm bảo việc làm và các chế độ tiền lương cho NLĐ.
Song song với hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, LĐLĐ tỉnh còn chỉ đạo các cấp công đoàn thường xuyên giám sát việc thực hiện pháp luật của DN trong trường hợp cắt giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động do ảnh hưởng của dịch bệnh đối với NLĐ theo đúng pháp luật. Đồng thời tham gia xây dựng phương án sử dụng lao động, nếu DN có cắt giảm lao động thì ưu tiên giữ lại lao động có hoàn cảnh khó khăn, mang thai, nuôi con nhỏ, nếu cả hai cùng làm việc trong một DN thì chỉ giảm một trong hai người, ưu tiên sử dụng lại lao động đã cắt giảm khi DN phục hồi sản xuất… nhằm hạn chế khó khăn cho NLĐ.
Có thể nói, với quyết tâm và trách nhiệm của mình, các cấp công đoàn trong tỉnh đã chủ động, tích cực đồng hành cùng DN, các sở, ban, ngành liên quan chung tay thực hiện đạt hiệu quả “nhiệm vụ kép” là vừa tham gia phòng, chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo sản xuất của DN, ổn định việc làm, đời sống cho NLĐ.
THẠCH THỊ THU HÀ
(Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Trà Vinh)
Chiều ngày 19/11, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023 - 2027” (Dự án) tổ chức hội thảo báo cáo kết quả khảo sát và đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP có chủ thể là nữ.