22/07/2022 15:36
Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình, những năm qua, Hội CCB xã Lương Hòa triển khai sâu rộng các phong trào thi đua lao động sản xuất với nhiều hình thức, mô hình phong phú thu hút nhiều hội viên tham gia. Từ đó đã nêu cao tinh thần tự lực, tự cường giúp nhau làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Hội viên CCB Nguyễn Văn Phùng với mô hình kinh tế trang trại đem lại lợi nhuận đạt 300 - 400 triệu đồng/năm.
CCB Nguyễn Văn Phùng, sinh năm 1954, ấp Ô Chích B, xã Lương Hòa là một điển hình. Trong sản xuất, ông đã nỗ lực, tìm tòi, sáng tạo trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, vươn lên làm giàu và chia sẻ khó khăn với hội viên trong phát triển sản xuất trở thành điển hình trong phong trào CCB làm kinh tế giỏi với mô hình kinh tế trang trại đem lại lợi nhuận đạt 300 - 400 triệu đồng/năm.
Ông Phùng cho biết: những năm đầu lập nghiệp gặp nhiều khó khăn, chủ yếu canh tác 01 vụ lúa/năm. Để thay đổi cuộc sống gia đình ông mạnh dạn chuyển đổi 1,2ha đất trồng lúa sang trồng dừa kết hợp với nuôi heo sinh sản, heo thịt với hình thức nhỏ lẻ. Từ khi chuyển sang trồng dừa thu nhập dần ổn định, trong thời gian chăm sóc dừa, ông trồng thêm rau màu các loại và cây có múi áp dụng hình thức “lấy ngắn nuôi dài”. Khi dừa bắt đầu cho trái ông phá bỏ các loại cây ngắn ngày chỉ tập trung chăm sóc dừa đậu trái, thu nhập từ 05 - 30 triệu đồng/tháng (tùy thời điểm). Hiện nay giá dừa giảm mạnh (18.000 đồng/chục - 12 trái), thu nhập 05 triệu đồng/tháng.
Đối với mô hình nuôi heo, tuy bước đầu gặp không ít trở ngại do thiếu kỹ thuật, dịch tả heo châu Phi xảy ra nhưng ông vẫn kiên trì, học hỏi kinh nghiệm, từ đó hàng năm ông duy trì tổng đàn 70 con heo sinh sản và 600 con heo thịt. Phần lớn 70 con heo sinh sản, mỗi heo mẹ sinh từ 08 - 10 con heo con. Sau khi rã đàn, ông chuyển sang nuôi thúc heo thịt, bình quân khoảng 1,5 tháng xuất bán 01 lần từ 100 - 200 con heo thịt.
Theo ông Phùng, 02 năm gần đây, tình hình nuôi heo gặp nhiều khó khăn, nhất là dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá heo hơi giảm mạnh, lợi nhuận giảm đáng kể. Tuy nhiên ông vẫn duy trì cho đến nay. Hiện trang trại heo của ông có khoảng 200 con heo thịt đang chờ xuất bán.
Cùng là hội viên CCB tiêu biểu trong mô hình phát triển nuôi heo, bò sinh sản kết hợp với trồng dừa. Với kinh nghiệm nuôi heo hơn 10 năm, hiện chuồng nuôi của hộ ông Nguyễn Văn Chanh, sinh năm 1950, ngụ ấp Ô Chích B luôn duy trì từ 70 con heo thịt trở lên và xuất bán bình quân 02 đợt/năm.
Ông Chanh nhớ lại: hơn 10 năm trước, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào nghề trồng lúa và được Hội CCB xã tạo điều kiện tiếp cận vốn vay Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để nuôi bò sinh sản. Song song đó, ông mạnh dạn chuyển 0,6ha đất trồng lúa lên liếp trồng dừa và xây dựng chuồng trại tập trung phát triển nghề chăn nuôi ban đầu chỉ vài con heo sinh sản, heo thịt. Do thiếu kinh nghiệm cũng như kỹ thuật chăn nuôi, nghề nuôi heo sinh sản không thuận lợi nên những năm gần đây ông tập trung nuôi heo thịt và bò sinh sản. Bình quân 4,5 - 05 tháng ông xuất bán từ 30 - 35 con heo thịt, lợi nhuận bình quân từ 0,8 - 01 triệu đồng/con. Có thời điểm giá heo hơi tăng cao, lợi nhuận đạt từ 1,5 triệu đồng trở lên/con.
Ông Chanh cho biết thêm: so với những hộ nuôi khác, gia đình ông nhờ chủ động mua thức ăn chăn nuôi với giá gốc của công ty và bán lại cho các hộ nuôi khác trên địa bàn nên mỗi đợt heo nuôi của gia đình luôn đạt thuận lợi và lợi nhuận cao. Hiện 70 con heo thịt đang nuôi, sắp tới ông xuất bán 35 con. Bên cạnh, ông còn có thêm nguồn thu nhập từ việc kinh doanh thức ăn chăn nuôi, dừa, bò sinh sản...
Với điều kiện xã nông nghiệp, cư dân sống tập trung, có tuyến Quốc lộ 60 đi qua địa bàn, đó là tiềm năng, lợi thế để hội viên CCB tận dụng phát triển các mô hình trồng cây lâu năm (dừa) và một số loại cây có múi như bưởi da xanh, quýt, chăn nuôi tổng hợp, kinh doanh thương mại, dịch vụ… từ đó xuất hiện những mô hình kinh tế vườn, nông nghiệp, gia trại, trang trại phát triển hiệu quả với lợi nhuận đạt từ 60 - 500 triệu đồng/năm.
Ông Dương Tấn Quốc, Chủ tịch Hội CCB xã Lương Hòa cho biết: Hội CCB xã hiện có 191 hội viên, trong đó có 03 hội viên cận nghèo, 42 hội viên Khmer. Ngoài các loại hình kinh tế hoạt động đều được hỗ trợ vốn, trao đổi kinh nghiệm, sản xuất, Hội còn phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức các lớp tập huấn ứng dụng khoa học - kỹ thuật, giống cây trồng, vật nuôi và duy trì các câu lạc bộ bảo vệ môi trường. Bên cạnh, Hội còn chú trọng thực hiện công tác thăm hỏi, động viên hội viên lúc khó khăn…
Thời gian tới, Hội tiếp tục khuyến khích cán bộ, hội viên tích cực tham gia lao động sản xuất, phát triển những mô hình kinh tế mới phù hợp với điều kiện của gia đình. Đẩy mạnh phong trào vận động hội viên khá chia sẻ, trao đổi, giúp đỡ hội viên khó khăn cùng vươn lên làm giàu. Đồng thời, tranh thủ hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình, dự án; bám sát chương trình trọng điểm phát triển kinh tế theo nghị quyết của Huyện ủy đề ra và đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế tổng hợp, góp phần đẩy mạnh phong trào làm kinh tế giỏi trong hội viên CCB ngày càng đi vào chiều sâu.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Chiều ngày 19/11, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023 - 2027” (Dự án) tổ chức hội thảo báo cáo kết quả khảo sát và đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP có chủ thể là nữ.