26/07/2020 08:32
Ông Võ Thành Nha, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần cho biết: xác định phong trào CCB giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác Hội. Thời gian qua, Hội CCB xã Phú Cần đã xây dựng nhiều mô hình hiệu quả giúp hội viên phát triển kinh tế. Nổi bật là mô hình “Hội viên CCB góp vốn mua bò sinh sản cho hội viên mượn không tính lãi giúp nhau phát triển kinh tế bền vững” của Chi hội CCB ấp Cây Hẹ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của CCB.
CCB Thạch Thân là hội viên được Chi hội hỗ trợ con bò giống đầu tiên vào năm 2016.
Chi hội CCB ấp Cây Hẹ có 28 hội viên, 02 hộ hội viên thuộc diện cận nghèo, không có hội viên nghèo. Năm 2016, Chi hội thành lập mô hình “Hội viên CCB góp vốn mua bò sinh sản cho hội viên mượn không tính lãi giúp nhau phát triển kinh tế bền vững” với 25 hội viên tham gia. Mỗi hội viên góp 500.000 đồng/quý và giao cho Chi hội trưởng, Chi hội phó quản lý nguồn vốn khi góp đủ tiền mua bò giống thì xét điều kiện cho hội viên mượn, đồng thời chi hội trưởng và chi hội phó giám sát bò sinh sản khi giao cho hội viên nuôi.
Ông Thạch Thân là hội viên được chi hội hỗ trợ con bò giống đầu tiên vào năm 2016. Gia đình ông Thạch Thân thuộc hộ cận nghèo, không đất sản xuất, trước khi được chi hội hỗ trợ bò nuôi, gia đình ông Thạch Thân đã mua được 03 con bò từ nhiều nguồn vốn vay ưu đãi. Đến nay, gia đình ông Thân có 06 con bò (03 bò sinh sản và 03 bò nghé) và thoát cận nghèo vào năm 2019. Ông Thân chia sẻ: nhờ tham gia mô hình, tôi được Chi hội cho mượn bò giống đầu tiên. Đến nay, con bò đã sinh sản được 01 bò nghé. Để phát triển mô hình tôi không bán bò nghé mà tiếp tục nuôi làm bò giống.
Nói về hiệu quả của mô hình, ông Võ Thành Nha cho biết: khi thành lập mô hình, từ nguồn vốn góp của hội viên, Chi hội CCB ấp Cây Hẹ đã lần lượt mua 02 con bò mẹ hỗ trợ 02 hội viên có hoàn cảnh khó khăn, qua đó giúp 01 hội viên thoát cận nghèo. Nhận thấy mô hình có hiệu quả nên Chi hội mạnh dạn mua thêm 02 con bò giống để giúp cho hội viên phát triển kinh tế. Hiện mô hình đã góp vốn trên 125 triệu đồng hỗ trợ 04 bò mẹ cho 04 hội viên.
Khi hội viên nhận bò về nuôi đều cam kết với Chi hội sẽ chăm sóc và không bán bò giống (tùy theo điều kiện kinh tế của hội viên có thể hoàn bò giống lại cho mô hình). Mô hình không những mang lại thu nhập cho hội viên mà còn làm tăng nguồn vốn cho Chi hội. Theo ước tính của các hội viên, từ 04 con bò sinh sản sẽ cho thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng/năm. Từ đó, góp phần tăng thu nhập cho hội viên để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo làm giàu chính đáng.
Song song với nguồn vốn vận động trong nội bộ, Chi hội CCB ấp Cây Hẹ còn tranh thủ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho hội viên có điều kiện phát triển kinh tế. Đến nay đã giải ngân cho hội viên vay vốn trên 387 triệu đồng. Bên cạnh đó, vận động các hội viên hùn vốn nội bộ 68,5 triệu đồng, cho hội viên mượn sản xuất, kinh doanh.
Hiệu quả của mô hình “Hội viên CCB góp vốn mua bò sinh sản cho hội viên mượn không tính lãi giúp nhau phát triển kinh tế bền vững” của Chi hội CCB ấp Cây Hẹ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của CCB. Thời gian tới, Hội CCB xã tiếp tục nhân rộng đến 07 chi hội còn lại nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao cho hội viên CCB và không để hội viên CCB tái nghèo, cận nghèo. Mô hình đã được UBND huyện Tiểu Cần khen thưởng về “Dân vận khéo” vào năm 2018.
Ông Võ Thành Nha cho biết thêm, xã Phú Cần có 147 hội viên tham gia sinh hoạt ở 08 chi hội, từ đầu năm 2020 đến nay, bên cạnh việc chăm lo phát triển kinh tế, hội viên CCB trong xã còn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào tình nguyện, an sinh xã hội, XDNTM… duy trì hoạt động 08/08 câu lạc bộ môi trường có 114 thành viên tham gia. Tiêu biểu có câu lạc bộ môi trường ấp Cây Hẹ thực hiện vệ sinh môi trường tuyến đường ấp Ô Trao - Quốc lộ 60 dài 3,5km, thu gom 115kg rác; câu lạc bộ môi trường các ấp Ô Ét, Bà Ép, Sóc Tre thực hiện tuyến đường sáng- xanh- sạch- đẹp dài 3,2km có 225 lượt cán bộ, hội viên, người dân tham gia chăm sóc…
Bài, ảnh: HỒNG NHUNG
Chiều ngày 19/11, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023 - 2027” (Dự án) tổ chức hội thảo báo cáo kết quả khảo sát và đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP có chủ thể là nữ.