13/07/2020 08:15
Anh Nguyễn Văn Tiễn với mô hình nuôi bò sinh sản.
Sinh ra và lớn lên ở vùng căn cứ cách mạng, đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Gia đình anh Tiễn cũng là một trong những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn. Năm 2013, sau khi tốt nghiệp ngành Đại học Thủy sản, Trường Đại học Trà Vinh, anh Tiễn về phụ giúp gia đình mở rộng mô hình nuôi bò sinh sản. Anh Tiễn chia sẻ: nuôi bò sinh sản là mô hình tôi đam mê từ nhỏ, năm 2002 khi tôi mới học lớp 6, gia đình đã bắt đầu nuôi bò sinh sản. Cũng chính mô hình này mà tôi có chi phí theo học và tốt nghiệp.
Ban đầu do chưa có nhiều vốn đầu tư nên gia đình anh Tiễn chọn hình thức lấy ngắn nuôi dài, vừa chăm sóc bò vừa mở rộng quy mô. Bên cạnh đó, gia đình anh Tiễn còn nấu rượu, nuôi heo; riêng bò sinh sản, nếu sinh bê cái thì nuôi để làm giống, bê đực thì nuôi bò thịt. Cứ như vậy, từ 01 con bò giống (Pháp kem) ban đầu đến nay đàn bò của gia đình anh Tiễn có 10 bò nái sinh sản, 05 bê con. Hàng năm, gia đình anh Tiễn bán 05-06 con bò thịt, thu nhập từ 80 triệu đồng trở lên.
Ngoài ra, để đảm bảo nguồn thức ăn cho bò, anh Tiễn chuyển đổi 0,2ha đất trồng lúa sang trồng cỏ, đồng thời mua thêm rơm dự trữ. Anh Tiễn cho biết, anh thường xuyên truy cập thông tin, tìm đọc thông tin về kỹ thuật nuôi bò, ngoài việc đảm bảo nguồn thức ăn, thì việc vệ sinh chuồng trại là rất quan trọng, vệ sinh chuồng trại ngày 02 lần; phân được trữ ở khu vực xa nhà, xa chuồng trại.
Bên cạnh đó, bò sinh sản có sức đề kháng yếu nên dễ bị mắc bệnh nếu không tiêm phòng đầy đủ, hàng năm nên tiêm vắc-xin định kỳ một số bệnh truyền nhiễm, như dịch tả, tụ huyết trùng, lở mồm long móng… đặc biệt, làm mùng cho bò để tránh muỗi.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh Tiễn luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội do địa phương phát động. Là cán bộ Đoàn năng nỗ, nhiệt huyết anh luôn giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm cho ĐVTN về các mô hình phát triển kinh tế; đồng thời, vận động các ĐVTN chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; mạnh dạn vay vốn đầu tư, tăng gia sản xuất để thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Anh Lương Hữu Lộc, Phó Bí thư Xã Đoàn Đại Phúc cho biết: mô hình phát triển kinh tế của anh Nguyễn Văn Tiễn là một trong những mô hình thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu của địa phương. Mô hình đã phát huy thế mạnh của địa phương về con vật nuôi; đồng thời thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ.
Để đồng hành cùng thanh niên trong phong trào lập thân, lập nghiệp, hỗ trợ ĐVTN địa phương phát triển kinh tế, thời gian tới Xã Đoàn Đại Phúc tiếp tục tranh thủ các nguồn lực, các chính sách hỗ trợ để giúp ĐVTN vươn lên làm giàu chính đáng; kịp thời biểu dương, khen thưởng những mô hình điển hình tiên tiến; tạo điều kiện để ĐVTN có việc làm. Vận động ĐVTN chủ động tự tạo việc làm, tự giúp nhau lập nghiệp, góp vốn và liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tạo phong trào thi đua sôi nổi, xứng đáng với vai trò là lực lượng xung kích, tiên phong tại địa phương.
Bài, ảnh: HỒNG NHUNG
Chiều ngày 19/11, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023 - 2027” (Dự án) tổ chức hội thảo báo cáo kết quả khảo sát và đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP có chủ thể là nữ.