28/07/2020 09:54
Thông qua 02 phong trào hành động cách mạng lớn của Đoàn “Xung kích phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, trong những năm qua đã có những tác động tích cực vào phát triển chung của phong trào ĐVTN trên địa bàn huyện Cầu Kè. Đặc biệt, trong phát triển kinh tế, XDNTM… với tinh thần chủ động học tập, nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học- kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh; qua đó nhiều ĐVTN trong huyện đã xây dựng và phát triển nhiều mô hình kinh tế hiệu quả trong sản xuất, góp phần xóa nghèo, nâng cao kinh tế nông hộ.
Bí thư Chi đoàn Ban Chỉ huy Quân sự Võ Văn Đém đảm nhận cắt tỉa cỏ trên tuyến đường lộ giữa ấp Chông Nô III.
Trong tham gia phát triển kinh tế cũng như XDNTM, nhiều ĐVTN ở Cầu Kè đã hình thành và nhân rộng các mô hình hiệu quả trong sản xuất, như Tổ hợp tác nuôi ếch của Chi đoàn ấp Ô Tưng B; mô hình cuộn rơm của Chi đoàn ấp Châu Hưng (xã Châu Điền); mô hình Tổ hợp tác nuôi bò của Chi đoàn ấp Dinh An (xã An Phú Tân)... hay mô hình tự quản chăm sóc tuyến đường hoa của Chi đoàn Ban Chỉ huy Quân sự xã Hòa Tân…
Anh Nguyễn Anh Khoa, Phó Bí thư Xã Đoàn An Phú Tân cho biết: vừa qua, xã được Tỉnh Đoàn hỗ trợ nguồn vốn phát triển kinh tế nuôi bò vỗ béo cho 04 đoàn viên ở ấp Dinh An, với tổng số tiền 200 triệu đồng và chu kỳ vay vốn 05 năm. Từ mô hình nuôi bò đã có tác động tích cực trong phát triển kinh tế hộ của ĐVTN trong ấp nói riêng và trên địa bàn xã An Phú Tân nói chung; hiệu quả kinh tế mang lại cho các thành viên trong tổ vay vốn nuôi bò từ 40-50 triệu đồng/thời gian 15-18 tháng. Qua đó, việc tập hợp và huy động các bạn ĐVTN trong tham gia các công trình XDNTM cũng rất thuận lợi, khi điều kiện sản xuất của ĐVTN được địa phương và tổ chức Đoàn quan tâm.
Đoàn viên Nguyễn Chí Thuần, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi bò ấp Dinh An, xã An Phú Tân chia sẻ: anh em trong tổ rất phấn khởi khi được hỗ trợ vốn của Tỉnh Đoàn để nuôi bò (50 triệu đồng/đoàn viên); từ nguồn vốn trên, 100% anh em trong tổ sử dụng vốn có hiệu quả và lợi nhuận mang lại sau 01 chu kỳ nuôi (sau khu trừ các chi phí) trên 40 triệu đồng. Riêng bản thân tôi, khi nhận được số vốn 50 triệu đồng đã đối ứng thêm vốn khoảng 15 triệu đồng; trong này, đầu tư mua 03 con bò (trị giá 55 triệu đồng) và tu sửa chuồng nuôi khoảng 10 triệu đồng. Sau 18 tháng nuôi vỗ béo, tổng số tiền bán 03 con bò được 126 triệu đồng, trừ các chi phí và tiền mua bò, thu vào trên 50 triệu đồng. Hiện gia đình tiếp tục nuôi đợt II, với 02 con bò trị giá gần 45 triệu đồng.
Không chỉ phát huy hiệu quả trong sản xuất, nhiều ĐVTN còn tích cực tham gia và đảm nhận phần việc của mình cùng với địa phương để góp phần XDNTM với các công trình như chăm sóc đường hoa; phát quang bụi rậm; chăm lo, giúp đỡ các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn. Thông qua các hoạt động tình nguyện bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TU, ngày 28/12/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh về tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và vệ sinh môi trường tại các đô thị, khu dân cư trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh; với các hoạt động thiết thực như: ra quân “Ngày Chủ nhật xanh”, tổ chức trồng mới cây xanh trên địa bàn nông thôn, đô thị, triển khai các hoạt động truyền thông bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với sự kiện về môi trường như: Giờ Trái đất, chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn. Ban Thường vụ Huyện Đoàn thành lập đội “Thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích phòng, chống thiên tai” với 50 thành viên…
Ghi nhận tại xã Hòa Tân, hiện trên địa bàn xã có 03 tuyến đường hoa (Tỉnh lộ 915, Hương lộ 50 và lộ giữa ấp Chông Nô III), dài trên 20km được Chi đoàn Ban Chỉ huy Quân sự xã Hòa Tân đảm nhận phần việc cắt tỉa, phát quang…
Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Chi đoàn Ban Chỉ huy Quân sự Võ Văn Đém cho biết: Chi đoàn có 14 đoàn viên và được trang bị 02 máy cắt cỏ; hàng tuần, Chi đoàn phân công 02 đoàn viên đảm nhận cắt tỉa cỏ 02 bên tuyến đường và phát quang những bụi rậm. Bên cạnh đó, lực lượng trong Chi đoàn Quân sự sẽ tham gia hỗ trợ và được Ban chỉ đạo xã điều động trong phối hợp để thực hiện các hoạt động về XDNTM.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Chiều ngày 19/11, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023 - 2027” (Dự án) tổ chức hội thảo báo cáo kết quả khảo sát và đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP có chủ thể là nữ.