15/08/2023 05:05
Anh Phạm Thanh Nam đang cho lươn ăn. Ảnh: CHÍ TÂN
Trong đó, chương trình “Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” mang lại hiệu quả thiết thực, có sức lan tỏa mạnh mẽ. Qua đó, khẳng định vai trò của tuổi trẻ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần cổ vũ, định hướng và hỗ trợ ĐVTN vươn lên trong học tập, lao động, lập thân, lập nghiệp.
Trong 06 tháng đầu năm 2023, hoạt động hỗ trợ thanh niên vay vốn phát triển kinh tế, tạo việc làm ổn định cho thanh niên địa phương tiếp tục được quan tâm. Xã Đoàn phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Càng Long hỗ trợ nguồn vốn 250 triệu đồng giúp 05 ĐVTN địa phương vay thực hiện các mô hình kinh tế như: nuôi lươn, nuôi bò sinh sản. Ngoài ra, từ nguồn vốn hỗ trợ các mô hình kinh tế của UBND xã Đại Phước, Xã Đoàn đã hỗ trợ 15 triệu đồng giúp anh Phạm Thanh Nam, ấp Trà Gút thực hiện mô hình nuôi lươn thương phẩm.
Anh Phạm Thanh Nam chia sẻ: sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nông, cuộc sống hàng ngày nhờ thu nhập từ mấy công đất vườn trồng dừa, nhưng giá dừa cũng lên xuống thất thường nên cuộc sống của gia đình đôi lúc gặp nhiều khó khăn.
Nhận thấy cần phải thay đổi mô hình sản xuất để phát triển kinh tế gia đình, thông qua các kênh truyền thông và học hỏi kinh nghiệm từ những nông dân địa phương, anh Nam chọn nghề nuôi lươn làm hướng đi mới cho gia đình. Nhưng cái khó của gia đình là nguồn vốn để thực hiện mô hình.
Năm 2023, thông qua Xã Đoàn Đại Phước anh Nam được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 50 triệu đồng và nhận được nguồn vốn hỗ trợ 15 triệu đồng từ Xã Đoàn, với số vốn này anh Nam đầu tư xây dựng 04 bể xi măng (diện tích 8m²/bể) và mua 12.000 con lươn giống về thả nuôi. Bể nuôi lươn được anh Nam thiết kế có hệ thống đường ống cấp và thoát nước để thuận tiện trong việc thay nước. Đều đặn mỗi ngày anh và gia đình thay nước 03 lần/ngày để đảm bảo môi trường sống cho lươn. Lươn ngoài tự nhiên có đặc tính ưa tối, lại thích trú ẩn và chui rúc trong bùn, nên khi nuôi lươn không bùn anh Nam đã làm các giá thể bằng dây ni-lông màu xanh để tạo môi trường sống thích hợp cho lươn. Do lươn còn nhỏ nên nguồn thức ăn chủ yếu là trùng quế đã qua xử lý.
Hiện tại, lươn của anh Nam đã được 70 ngày, trọng lượng đạt 1.000 con/kg. Để mô hình đạt hiệu quả, ngoài học hỏi kinh nghiệm từ những người có thâm niên với nghề nuôi lươn, anh Nam còn tìm kiếm thông tin trên mạng internet để nâng cao kiến thức về kỹ thuật nuôi lươn. Nhờ vậy, mô hình nuôi lươn của anh Nam đang tiến triển tốt. Bên cạnh đó, anh Nam còn xây bể nuôi thử nghiệm hơn 1.000 con ếch thịt.
Anh Phùng Chí Tân, Bí thư Xã Đoàn Đại Phước cho biết: công tác hướng dẫn và hỗ trợ thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay khởi nghiệp, giải quyết việc làm được triển khai khá hiệu quả, song song với việc rà soát hoạt động của các tổ tiết kiệm vay vốn, Xã Đoàn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tư vấn, giới thiệu việc làm cho 28 lao động làm việc trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, Xã Đoàn họp xét, kiểm tra những hộ có nhu cầu vay vốn để lập danh sách gửi về Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đề nghị hỗ trợ vốn vay. Hiện Đoàn thanh niên xã Đại Phước quản lý 05 tổ vay vốn với số vốn trên 5,3 tỷ đồng. Đồng thời, duy trì các tổ góp vốn xoay vòng cho thanh niên mượn vốn sản xuất, kinh doanh; qua đó góp phần giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
KIM NGÂN
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 06b/NQ-TLĐ, ngày 03/8/2015 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam khóa XI (Nghị quyết số 06b/NQ-TLĐ) và 05 năm thực hiện Kết luận số 01/KL-BCH, ngày 15/3/2021 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ khóa XII về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Ủy ban Kiểm tra (UBKT) công đoàn, Công đoàn Viên chức (CĐVC) tỉnh và UBKT các công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc đã có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức kiểm tra, giám sát, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn.