03/05/2021 08:32
Trồng xoài Đài Loan da xanh - mô hình kinh tế của gia đình anh Dương Chí Thanh.
Năm 2015, anh Dương Chí Thanh tham gia công tác Đoàn ở địa phương đến năm 2016 anh được bầu giữ chức vụ Bí thư Chi đoàn ấp cho đến nay. Vốn xuất thân trong gia đình nhà vườn nên khi là cán bộ Đoàn, anh Thanh luôn trăn trở làm thế nào, thực hiện mô hình gì để có thu nhập cao cho gia đình, đồng thời tìm hướng đi mới giúp ĐVTN phát triển kinh tế.
Gia đình anh Thanh có 1,2ha đất vườn trồng dừa xen xoài Châu Nghệ nhưng do già cỗi, nhiều bệnh, cây kiệt sức, mất mùa dẫn đến thu nhập thấp. Qua tìm hiểu và nghiên cứu anh nhận thấy xoài Đài Loan da xanh thích hợp với điều kiện đất đai của gia đình nên cách đây hơn 03 năm anh đã bàn bạc với gia đình “hạ” xoài Châu Nghệ để trồng xoài Đài Loan da xanh.
Anh Thanh cho biết: trồng xoài Đài Loan da xanh nhẹ chi phí, công chăm sóc, sau 02 năm chăm sóc cây bắt đầu cho trái. Từ khi ra bông đến thu hoạch khoảng 3,5 - 04 tháng. Cây 03 - 04 năm tuổi cho khoảng 20 trái và sẽ tăng dần theo từng năm. Mỗi trái nặng từ 0,55 - 01kg. Bình quân 01ha thu hoạch khoảng 8 - 10 tấn trái. Thời điểm chính vụ, xoài bán 7.000 - 10.000 đồng/kg, nhà vườn thu khoảng 50 - 70 triệu đồng. Sau mùa thu hoạch chính vụ, nhà vườn phải dọn vệ sinh, cắt tỉa những cành sâu, cành không có trái, xử lý sạch mầm bệnh, đồng thời tăng cường chăm bón giúp cây mau phục hồi để tiếp tục xử lý ra trái nghịch vụ. Vụ xoài tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, gia đình anh Thanh thu hoạch trên 06 tấn trái, với giá 7.000 đồng/kg, gia đình thu nhập trên 40 triệu đồng.
Xoài thường mắc một số bệnh phổ biến, như sâu đục thân vào thời điểm cây ra đọt non, bệnh thán thư, rệp sáp thường xuất hiện lúc cây trổ bông và đậu trái. Loại sâu bệnh này không khó xử lý vì thị trường có nhiều thuốc bảo vệ thực vật đặc trị. Tuy nhiên, vườn xoài của gia đình anh Thanh rất ít bị các loại bệnh do anh thực hiện việc phòng ngừa trước để tránh ảnh hưởng tới năng suất cây trồng. Bên cạnh đó, khi xoài ra trái khoảng nửa cổ tay người lớn thì anh bọc từng trái bằng túi chuyên dùng để phòng, chống ong vàng chích gây xì mủ, thối trái. Theo anh Thanh, thời điểm cây ra bông, cần đầu tư thúc phân, tưới nước; khi đậu trái thì tăng cường hơn nữa việc tưới nước bón phân như vậy cây mới có sức và cho trái lớn.
Để tăng giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, ngoài trồng xoài, dừa, anh Thanh còn trồng thêm một số loại cây khác như: chanh, tắc. Tận dụng nguồn cỏ trong vườn anh nuôi thêm bò sinh sản. Tổng hợp từ các mô hình gia đình anh Thanh thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Thanh còn là cán bộ Đoàn tiêu biểu, năng nổ, nhiệt tình, luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua, sẵn sàng giúp đỡ ĐVTN nhất là những người hoàn cảnh khó khăn cùng làm kinh tế. Đặc biệt, anh luôn gương mẫu đi đầu trong công tác Đoàn, tích cực tham gia các công trình phần việc thanh niên, các phong trào tại địa phương. Với những thành tích đã đạt được, năm 2017 anh Dương Chí Thanh được nhận bằng khen của Tỉnh Đoàn Trà Vinh “Tuyên dương ĐVTN tiêu biểu trong xây dựng mô hình kinh tế tại địa phương; nhận bằng khen của Ủy ban Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh vì đã có thành tích tiêu biểu trong công tác Hội và phong trào thanh niên tỉnh Trà Vinh năm 2019; được Chủ tịch UBND huyện Càng Long tặng giấy khen có thành tích trong Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2020. Vừa qua, anh được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tuyên dương Bí thư Chi đoàn tiêu biểu toàn quốc năm 2021.
Bài, ảnh: KIM NGÂN
Chiều ngày 19/11, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023 - 2027” (Dự án) tổ chức hội thảo báo cáo kết quả khảo sát và đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP có chủ thể là nữ.