18/07/2020 14:23
Bà Trần Thị Bích Phượng, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trà Vinh cho biết: thực hiện chỉ đạo của Hội cấp trên, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng kế hoạch và triển khai chủ đề đến từng cấp Hội với nội dung, cách làm phù hợp tình hình thực tế như: tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề, đối thoại, hội thi, tọa đàm, diễn đàn… thông qua đó, cung cấp kiến, thức kỹ năng cơ bản cho cán bộ, hội viên để giải quyết cơ bản các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em (đặc biệt là trẻ em gái).
Trẻ em là đối tượng cần được chăm sóc và bảo vệ. Ảnh KN
Các cơ sở Hội đã xây dựng trên 50 mô hình, loại hình gắn với chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, hầu hết các cơ sở Hội lựa chọn thực hiện từ 02-03 nội dung liên quan đến chủ đề từng năm như: an toàn vệ sinh thực phẩm, trong gia đình, đối với sức khỏe, ở trường học, nơi làm việc, trong môi trường mạng; an toàn về môi trường, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu; phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhà trường giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em (tập trung hướng dẫn cho trẻ kỹ năng tự nhận biết và tự phòng tránh để bảo vệ bản thân mình trước các hành vi xâm hại, phòng, chống bạo lực học đường…) nhằm tạo chuyển biến tích cực về nhận thức tạo ý thức phòng ngừa cho phụ nữ, trẻ em và cộng đồng.
Tuy nhiên, hiện nay phụ nữ và trẻ em vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ mất an toàn như: nạn nhân của bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại tình dục, tai nạn thương tích, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… đó là những vấn nạn làm ảnh hưởng đến tâm trạng, đời sống và phát triển của phụ nữ và trẻ em. Việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Một số mô hình về “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” được các cấp Hội triển khai thực hiện như: mô hình “Ngôi nhà không bạo lực” của Hội LHPN huyện Càng Long, mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” của Hội LHPN huyện Cầu Kè… Hội LHPN huyện Tiểu Cần đã xây dựng mô hình “Vì sự an toàn cho trẻ em gái”, mô hình đi vào hoạt động vào tháng 3/2019. Phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em là vấn đề cấp thiết nhưng không phải chuyện ngày một, ngày hai mà cần sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, đòi hỏi cộng đồng và xã hội vào cuộc mạnh mẽ, tham gia với thái độ tích cực, chủ động trách nhiệm trong việc phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại tình dục trẻ em.
Từ năm 2019 đến nay, Hội LHPN huyện Tiểu Cần thường xuyên phối hợp với ngành tư pháp, công an, giáo dục và đào tạo tổ chức các cuộc nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền giáo dục pháp luật về “phòng, chống bạo lực gia đình”, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Trẻ em, Luật Bình đẳng giới… đến hội viên và trường học.
Bên cạnh đó, các cấp Hội trong huyện còn phối hợp với Ban Nhân dân ấp-khóm cùng Nhân dân ký cam kết thực hiện nghiêm “Quyền trẻ em” không để con em bỏ học kiếm sống; khi phát hiện người có hành vi khác thường, dụ dỗ lôi kéo trẻ em cần báo ngay cho người có trách nhiệm, không chủ quan giao trẻ em gái cho người khác, người lạ. Phối hợp với các trường tuyên truyền phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em thể hiện bằng hình thức sân khấu hóa để học sinh dễ tiếp thu, biết nhìn nhận và giải quyết vấn đề khi gặp tình huống xảy ra.
Phối hợp với phụ huynh, học sinh cùng giáo viên hướng dẫn cho trẻ biết được những nơi trên cơ thể cần được bảo vệ, không để người khác tiếp xúc gần, cách bảo vệ bản thân: giải thích cho trẻ hiểu về xâm hại trẻ em; động viên trẻ không giữ kín bí mật, nên hỏi han con về những việc làm trong ngày, những người con đã gặp (chú ý nét mặt, cảm xúc, biểu hiện của trẻ) để nhận biết những dấu hiệu lạ của trẻ; dạy trẻ ranh giới cơ thể không cho ai chạm vào, nên cho trẻ biết rằng không ai được chạm vào vùng kín của mình và không được chạm vào vùng kín trên cơ thể người khác, cung cấp cho trẻ quy tắc “5 ngón tay” khi giao tiếp.
Hiện nay, chúng ta đang đối mặt với sự suy đồi đạo đức của một số người trong xã hội, các vấn đề sinh lý thầm kín đang được phổ biến rộng khắp trên các kênh truyền thông, mạng xã hội là một phần nguồn gốc của vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em. Vì vậy, cần nhân rộng mô hình “Vì sự an toàn cho trẻ em gái” rộng khắp cộng đồng. Đồng thời, sáng tạo hơn nữa nhiều mô hình khác nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời những nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tội phạm này xảy ra cũng như hậu quả, tác hại của nó gây ra cho xã hội.
KIM NGÂN (lược ghi)
Chiều ngày 19/11, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023 - 2027” (Dự án) tổ chức hội thảo báo cáo kết quả khảo sát và đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP có chủ thể là nữ.