01/07/2024 07:31
Đồng chí Đỗ Thị Lệ Trinh.
Đồng chí Đỗ Thị Lệ Trinh, Trưởng Ban Nữ công quần chúng Công đoàn Viên chức tỉnh cho biết: trước hết, cần xác định hoạt động nữ công công đoàn có vai trò quan trọng đối với hoạt động Công đoàn nói chung. Từ đó đưa vào kế hoạch, chương trình hoạt động của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành hàng năm và cả nhiệm kỳ. Kinh nghiệm cho thấy, việc chủ động tham mưu, đề xuất Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Công đoàn đưa nội dung hoạt động vào kế hoạch, chương trình giúp chủ động về mọi mặt trong tổ chức thực hiện.
Thứ hai, căn cứ chỉ đạo, hướng dẫn của Công đoàn cấp trên, nghiên cứu kinh nghiệm, mô hình, một số phong trào có tính mới, sáng tạo của các ngành, các huyện, thị xã, thành phố, tỉnh bạn xem có thể vận dụng, triển khai tại Công đoàn Viên chức tỉnh được hay không. Việc học tập kinh nghiệm của đơn vị bạn không có gì phải ngại, vấn đề là chúng ta biết vận dụng, sáng tạo cho phù hợp với đơn vị mình.
Thứ ba, các hoạt động, phong trào dù có sáng tạo đến đâu nhưng cốt lõi vẫn phải đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), có như thế thì các hoạt động, phong trào đó mới thật sự lôi cuốn, hấp dẫn. Đơn cử như, trước khi tổ chức hội nghị sinh hoạt Chuyên đề “Phát triển trí tuệ cho trẻ”, Ban Nữ công quần chúng Công đoàn Viên chức tỉnh tổ chức thăm dò, lấy ý kiến của phụ huynh về nhu cầu, sự cần thiết của nội dung này, sau đó mới liên hệ, “đặt hàng” với các chuyên gia… nhờ đó, hội nghị đã thành công tốt đẹp, thu hút sự quan tâm không chỉ phụ huynh mà còn cả với học sinh.
Thứ tư, khi đã có chủ trương, xác định nội dung rồi thì cần phát huy vai trò, tránh nhiệm của các thành viên Ban Nữ công quần chúng trong khâu tổ chức thực hiện. Chúng ta biết rằng, cán bộ công đoàn ít, song, có nhiều đồng chí rất tích cực, tránh nhiệm, nhiệt huyết. Vì vậy, việc tổ chức một sự kiện, một phong trào nếu biết phát huy sức mạnh của tập thể, rõ ràng trong phân công giao việc, thì chắc chắn sẽ thành công.
Đồng chí Phạm Quốc Khánh.
Đồng chí Phạm Quốc Khánh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo - Nữ công Công đoàn cơ sở (CĐCS) Trường Đại học Trà Vinh chia sẻ: những năm qua Ban Nữ công quần chúng Trường Đại học Trà Vinh luôn quan tâm đổi mới về nội dung, bám sát yêu cầu, chỉ tiêu nghị quyết Đại hội công đoàn các cấp để tham mưu cho Ban Chấp hành Công đoàn Trường phát vai trò đại diện của mình trong việc chủ động tham gia có hiệu quả với nhà trường thực hiện các chính sách, pháp luật, đảm bảo thực chất quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ trong các lĩnh vực: học tập, lao động, nghiên cứu khoa học, bảo hiểm xã hội, bình đẳng giới, chính sách về nhà ở, tư vấn sức khỏe, góp phần hỗ trợ cho lao động nữ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, yên tâm công tác.
Phát huy vai trò của Ban Nữ công quần chúng trong tổ chức các hoạt động nữ công, từ đầu nhiệm kỳ đến nay Ban Nữ công CĐCS Trường Đại học Trà Vinh tổ chức rất nhiều hoạt động mang ý nghĩa thiết thực.
Đơn cử như: tổ chức Hội thi tiếng hát karaoke nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 và chào mừng thành công Đại hội XI Công đoàn tỉnh Trà Vinh nhiệm kỳ 2023 - 2028; họp mặt ngày Quốc tế Thiếu nhi và tết Trung thu cho gần 2.000 lượt cháu thiếu nhi là con của viên chức, người lao động đang công tác tại Trường; thăm và tặng quà cho các cháu thiếu nhi và các cụ già neo đơn tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Trà Vinh. Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, CĐCS Trường tổ chức họp mặt và hội thi nấu ăn “Cùng nhau vào bếp”. Tổ chức cuộc thi cờ vua, giải rubil; họp mặt các cháu thiếu nhi là con của viên chức, đoàn viên và người lao động đang công tác tại Trường nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 01/6; thành lập Câu lạc bộ bóng bàn, Câu lạc bộ bóng chuyền hơi nữ thuộc CĐCS Trường Đại học Trà Vinh; tổ chức hội thi gói bánh tét và tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp mừng Đảng, mừng Xuân.
Các hoạt động khác như phong trào “Lao động sáng tạo”, “xanh - sạch - đẹp, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, công tác xã hội từ thiện... được cán bộ, CNVCLĐ nói chung, nữ CNVCLĐ nói riêng hưởng ứng tích cực.
Theo đồng chí Phạm Quốc Khánh, giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Nữ công quần chúng trong thời gian tới, các tổ chức CĐCS căn cứ hướng dẫn của cấp trên tổ chức các phong trào thi đua trong nữ công nhân, viên chức, lao động, đặc biệt là phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; duy trì phát hiện các mô hình hiệu quả nhằm giúp lao động nữ có điều kiện phát triển, chăm lo tốt hơn cho con CNVCLĐ, hỗ trợ lao động nữ xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.
Để góp phần thiết thực nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nữ đoàn viên công đoàn trong tổ chức CĐCS hiện nay, các tổ chức CĐCS cần chỉ đạo, định hướng cho Ban Nữ công và những người trực tiếp làm công tác nữ công thực hiện tốt các nhiệm vụ như: quan tâm củng cố, kiện toàn thường xuyên về tổ chức để làm tốt vai trò đại diện của mình đối với lao động nữ. Cán bộ nữ công phải luôn gần gũi, nắm bắt kịp thời hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của chị em để có biện pháp giúp đỡ; vận động chị em đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn trong cuộc sống. Thường xuyên giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với lao động nữ, phát hiện những điểm chưa phù hợp để đóng góp ý kiến bổ sung, sửa đổi chính sách nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho chị em.
Đồng chí Phan Thị Phụng.
Đồng chí Phan Thị Phụng, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Càng Long thông tin, trao đổi bằng một hoạt động cụ thể, đó là tổ chức Chương trình “Tết sum vầy, Xuân chia sẻ” năm 2024 trên địa bàn huyện.
Đồng chí Phan Thị Phụng cho biết: “Khi nghiên cứu kế hoạch của LĐLĐ tỉnh, tôi cùng đồng chí Chủ tịch LĐLĐ huyện Càng Long bàn bạc, trao đổi, lựa chọn hoạt động vừa đảm bảo tinh thần chỉ đạo của cấp trên, vừa phù hợp với điều kiện thực tế của huyện (phù hợp về kinh phí, con người, sự hưởng ứng, đồng thuận của cơ sở…). Đặc biệt, cả tôi và đồng chí Chủ tịch LĐLĐ huyện đều quan tâm, đề cao tính mới, tính sáng tạo, độc đáo, có sự khác biệt. Sau nhiều lần trao đổi, chúng tôi đi đến quyết định tổ chức Chương trình “Tết sum vầy, Xuân chia sẻ” năm 2024 với chuỗi các hoạt động: trưng bày bánh dân gian, trò chơi dân gian, trang trí khu check-in, văn nghệ mừng Đảng - mừng Xuân, mà trọng tâm, điểm nhấn là phần trình diễn áo dài của 1.000 nữ CNVCLĐ.
Điều mà chúng tôi lo lắng, đây là sự kiện lớn của huyện chứ không riêng gì của LĐLĐ, với nhiều hoạt động cùng lúc, với sự tham gia của trên 1.500 CNVCLĐ của các cơ quan, trường học, xã, thị trấn, doanh nghiệp trong khi tôi và đồng chí Chủ tịch LĐLĐ huyện đều chưa có kinh nghiệm. Song, nhờ đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo và Nữ công LĐLĐ tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ, tư vấn nội dung chương trình và lãnh đạo Ban Dân vận Huyện ủy động viên, chương trình cũng dần hình thành và hoàn thiện. Từ đó, chúng tôi bắt tay vào phân công giao việc, huy động Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Nữ công quần chúng cùng hỗ trợ, tham gia…
Trong quá trình thực hiện, các đồng chí Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Nữ công quần chúng rất nhiệt tình, năng nỗ, nhờ vậy mà Chương trình “Tết sum vầy, Xuân chia sẻ” năm 2024 huyện Càng Long thành công ngoài mong đợi, được CNVCLĐ và lãnh đạo huyện, tỉnh khen… chúng tôi thấy rất phấn khởi.
Ở đây, tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm ở khâu tổ chức: bộ máy của LĐLĐ huyện ít, thì cần phải huy động Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Nữ công quần chúng, kể cả những đoàn viên nhiệt tình, tâm huyết cùng hỗ trợ, tham gia, đồng thời phân công giao việc rõ ràng, cụ thể thì công việc sẽ được triển khai tổ chức thực hiện đạt kết quả tốt”.
KIM LOAN (lược ghi)
Chiều ngày 19/11, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023 - 2027” (Dự án) tổ chức hội thảo báo cáo kết quả khảo sát và đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP có chủ thể là nữ.