31/08/2023 05:31
ĐVTN ấp Long Hanh, xã Long Sơn ra quân sửa chữa cầu nông thôn.
Anh Võ Hoàng Nam, Bí thư Huyện Đoàn Cầu Ngang cho biết: phát huy sức trẻ, nhiệt huyết, không ngại khó, tuổi trẻ Cầu Ngang đóng góp tích cực thực hiện hiệu quả các công trình, phần việc cụ thể, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn ở địa phương.
Đặc biệt trong Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm nay, Huyện Đoàn đã triển khai phổ biến các chỉ tiêu đến từng địa bàn, ĐVTN bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động và thực hiện đạt 16 chỉ tiêu đã đề ra. Trong đó, Huyện Đoàn chú trọng vận động xây dựng và sửa chữa kết cấu hạ tầng, vệ sinh cảnh quan, bảo vệ môi trường, thực hiện công tác an sinh xã hội.
Thông qua các hoạt động Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè, các Đoàn xã, thị trấn sửa chữa 6,5km, xây dựng mới 1,220km đường nông thôn; trồng mới 2.720 cây xanh, hoa kiểng các loại; khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí 520 suất cho người dân; xây dựng và bàn giao 02 căn nhà nhân ái, nhà khăn quàng đỏ; hỗ trợ triển khai thực hiện hóa 20 ý tưởng, sáng kiến của ĐVTN; tư vấn, hướng nghiệp cho 235 lượt ĐVTN, giới thiệu việc làm cho 61 thanh niên; hỗ trợ 02 dự án khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên;...
Anh Thạch Dane, Bí thư Chi đoàn ấp Long Hanh, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang cho biết: thực hiện Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm nay, Chi đoàn ấp nhiệt tình hưởng ứng, coi trọng và phát huy hiệu quả. Trong Chiến dịch, Chi đoàn phối hợp với Ban Nhân dân ấp vận động người dân đóng góp tiền, vật tư sửa chữa và nâng cấp 02 tuyến đường và 04 cây cầu nông thôn. Đối với phát triển kinh tế, tuổi trẻ ấp Long Hanh phần đông ĐVTN trong ấp là dân tộc Khmer, chiếm 100%, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên còn sống phụ thuộc vào gia đình, một số ĐVTN ra riêng lập gia đình riêng, vừa ít đất, vừa thiếu vốn sản xuất.
Hiện Chi đoàn có 15 đoàn viên, trong đó có hơn 50% ĐVTN nghèo và 10 ĐVTN có nhu cầu được tiếp cận vốn vay. Vì thế, Chi đoàn mong địa phương, các cấp bộ Đoàn tạo điều kiện hỗ trợ vốn vay, giúp ĐVTN trong ấp nói riêng, trong xã nói chung có vốn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Thanh niên Thạch Vane Hiền, ấp Long Hanh, xã Long Sơn một trong những ĐVTN có nhu cầu tiếp cận vốn vay để phát triển trồng trọt và chăn nuôi. Anh Hiền cho biết: kinh tế gia đình dựa vào sản xuất 03 vụ màu/năm trên diện tích 0,3ha đất. Mỗi vụ hoa màu chủ yếu xuống giống cà chua, mướp, ớt chỉ thiên, trong đó cây ớt là cây trồng chính vụ của gia đình, thời điểm được mùa được giá, lợi nhuận từ 10 - 20 triệu đồng/0,1ha. Vụ ớt vừa qua của gia đình đang thời điểm thu hoạch gặp mưa bão liên tục nhiều ngày, một số cây ớt bệnh chết, một số cho trái ít, nên năng suất đạt thấp, nhưng được giá cao 22.000 - 28.000 đồng/kg, lợi nhuận đạt 10 triệu đồng/0,1ha.
Đối với cây màu, giá nông sản luôn bấp bênh, thời gian gần đây người trồng rẫy chịu áp lực về giá chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công lao động tăng cao, thời tiết. Thời gian tới, anh mong được tiếp cận vốn vay đầu tư thêm nuôi bò. Hiện nay, giá bò giảm nên việc đầu tư con giống không cao. Cùng với đó, anh lấy công làm lời và tận dụng phụ phẩm cây màu và diện tích xung quanh nhà trồng cỏ nuôi bò, góp phần giảm chi phí, tăng thu nhập, thúc đẩy kinh tế gia đình.
Anh Huỳnh Văn Lâm, Bí thư Chi đoàn ấp Huyền Đức, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang cho biết: thời gian qua, chi đoàn duy trì hiệu quả mô hình mượn đất cho ĐVTN sản xuất mang lại hiệu quả cao, góp phần giảm nghèo tại địa phương. Từ mô hình này, Chi đoàn tiếp tục vận động người dân trên địa bàn cho mượn đất giúp ĐVTN phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho ĐVTN có vốn phát triển kinh tế, Chi đoàn tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân vốn gần 1,5 tỷ đồng.
Theo anh Võ Hoàng Nam, phát huy tinh thần xung kích, lao động sáng tạo của ĐVTN trong phát triển các mô hình kinh tế, Huyện Đoàn vận động ĐVTN áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất trồng trọt và chăn nuôi,… đồng thời, chỉ đạo đoàn xã, thị trấn phối hợp với ngành chuyên môn để định hướng cho thanh niên phát triển các mô hình kinh tế phù hợp với tình hình thực tế và rà soát nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế gia đình trong ĐVTN.
Từ đầu năm 2023 đến nay, có 41 ĐVTN nhu cầu vay vốn, nâng đến nay tổng số dư nợ do Huyện Đoàn quản lý trên 72 tỷ đồng giúp 2.588 hộ vay. Song song đó, Huyện Đoàn chỉ đạo các cơ sở Đoàn hàng tháng duy trì và thực hiện hiệu quả mô hình góp vốn xoay vòng với số tiền 97 triệu đồng, giúp 47 đoàn viên mượn phát triển kinh tế gia đình.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Chiều ngày 19/11, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023 - 2027” (Dự án) tổ chức hội thảo báo cáo kết quả khảo sát và đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP có chủ thể là nữ.