04/02/2022 05:54
Anh Lâm Thành Cảnh chăm sóc ớt. |
Sinh ra và lớn lên nơi có thế mạnh sản xuất nông nghiệp, với mơ ước phát triển kinh tế từ các loại cây màu, anh Lâm Thành Cảnh, ấp Rọ Say, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải quyết tâm lập nghiệp trên chính mảnh đất của mình. Với niềm đam mê trồng trọt, năm 2006, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Cảnh trở về địa phương và bắt đầu thực hiện mô hình trồng màu (các loại rau, cải, rau om, cà tím, hành lá...) với diện tích 0,5ha đất ruộng của gia đình. Ban đầu do trồng trọt theo phương pháp truyền thống, nên mô hình trồng màu của anh đã không ít lần thất bại. Nhưng được sự động viên của gia đình, bạn bè, hỗ trợ vốn thông qua tổ chức Đoàn, cộng với bản tính cần cù chịu khó, ham học hỏi, mô hình của anh đã dần thành công.
Anh Cảnh cho biết: là thành viên cũng là người đứng đầu Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ Ngũ Lạc nên trong quá trình trồng trọt, tôi áp dụng theo quy trình khoa học do đó nông sản khi thu hoạch không có dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật và đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay, mô hình ngày càng hiệu quả về kinh tế và môi trường, đầu ra được bao tiêu ổn định từ các đối tác và khách hàng. Bên cạnh nghề trồng trọt, anh Cảnh còn thu gom nông sản của các thành viên HTX và người dân địa phương để cung cấp thị trường Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, để tận dụng nguồn phế phẩm nông nghiệp, anh Cảnh còn thực hiện mô hình chăn nuôi (02 con bò sinh sản và 10 con heo; trong đó, duy trì 05 heo sinh sản). Dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, song tổng hợp từ các mô hình gia đình anh Cảnh thu nhập gần 01 tỷ đồng/năm. Cùng với đó, anh Cảnh đã góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương với mức thu nhập ổn định.
Nói về vụ màu Tết năm nay, anh Cảnh cho biết, năm nay anh không trồng các loại rau như mọi năm mà chuyển sang trồng ớt chỉ thiên. Hiện tại, 0,5ha ớt chỉ thiên trong nhà màng của anh phát triển tốt và sẽ cho thu hoạch phục vụ thị trường tết Nguyên đán năm 2022. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Cảnh còn tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, Hội tại địa phương.
Lập nghiệp tại nhà là mong ước cũng là quyết tâm của anh Võ Thanh Tính, Bí thư Chi đoàn ấp Thượng, xã Đại Phước, huyện Càng Long với nghề đóng đàn guitar.
Anh Võ Thanh Tính lập nghiệp từ nghề đóng đàn guitar.
Anh Tính chia sẻ: nghề đóng đàn guitar của anh từ cha truyền con nối, năm 2015 sau khi học hết lớp 9 anh bắt đầu theo nghề đóng đàn cho đến nay. Đến thăm cơ sở đóng đàn Tín Qui Nam của gia đình anh Tính, chúng tôi được chứng kiến đầy đủ các công đoạn trước khi tạo ra một cây đàn hoàn chỉnh. Quá trình sản xuất đàn gồm nhiều công đoạn: đóng hông, vào mặt trước và sau, ráp cần, dán chỉ viền...
Theo anh Tính, khâu cuối cùng của cây đàn là vào dây đàn. Sau khi dán xong một bộ phận, phải dùng dây buộc lại, phơi nắng chờ keo khô rồi mới tiếp tục công đoạn khác. Khó nhất và quan trọng nhất là đóng thùng đàn. Đàn tốt hay xấu, giá cao hay thấp phụ thuộc vào âm thanh; âm thanh tốt là do thùng đàn. Vì vậy, thợ đóng thùng đàn phải là người giỏi nhất, khéo tay nhất của cơ sở, tất cả các công đoạn đều làm bằng tay và cần độ chính xác rất cao.
Nguyên liệu làm đàn gồm nhiều loại gỗ, mỗi loại gỗ sử dụng cho một bộ phận khác nhau của cây đàn. Những cây đàn đắt tiền có khi phải nhập gỗ từ nước ngoài. Giá mỗi cây đàn chênh lệch tùy vào chất liệu gỗ, có thể từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng.
Từ một cơ sở đóng đàn nhỏ lẻ qua quá trình phấn đấu và phát triển, hiện nay cơ sở ngày càng mở rộng. Với khoảng 13 lao động làm việc thường xuyên, cơ sở gia công chế tác từ 100-150 sản phẩm/tháng, trừ chi phí thuê mướn nhân công và mua nguyên vật liệu, cơ sở có lợi nhuận từ 10-20 triệu đồng/tháng. Trong năm 2021, cơ sở đóng đàn Tín Qui Nam được đánh giá đạt chuẩn OCOP (3 sao).
Anh Võ Minh Nhựt, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Trà Vinh cho biết: để nâng cao hiệu quả phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp thì công tác tuyên truyền có ý nghĩa và vai trò vô cùng quan trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã ban hành Kế hoạch số 340-KH/TĐTN-PT, ngày 25/01/2021 “về thực hiện Đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2018 - 2022” triển khai đến các Huyện, Thị, Thành Đoàn và Đoàn trực thuộc nhằm nâng cao nhận thức của ĐVTN về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, lập nghiệp. Chỉ đạo các cấp bộ Đoàn, Hội vận động ĐVTN, hội viên tham gia “Mỗi thanh niên một ý tưởng sáng tạo” do Trung ương Đoàn phát động, tham gia đăng tải ý tưởng sáng tạo vào “Ngân hàng ý tưởng sáng tạo Việt Nam”. Trong năm 2021, đã vận động đăng ký 3.739 ý tưởng, sáng kiến qua Cổng thông tin ý tưởng sáng tạo thanh niên Việt Nam.
Xác định đồng hành cùng thanh niên về nghề nghiệp, việc làm là một trong những nhiệm vụ cơ bản của các tổ chức Đoàn, nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong thanh niên, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn đã triển khai các chương trình tuyên truyền, định hướng, hỗ trợ ĐVTN khởi nghiệp, lập nghiệp, đổi mới sáng tạo với nhiều nội dung, hình thức phong phú và đa dạng như: giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức, tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp; định hướng, khuyến khích tìm kiếm các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp; cung cấp kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp, lập nghiệp và đổi mới sáng tạo cho ĐVTN…
Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập và duy trì hiệu quả nhiều loại hình câu lạc bộ, tổ hợp tác, HTX thanh niên phát triển kinh tế được thành lập và đi vào hoạt động có hiệu quả; những mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi với thu nhập vài trăm triệu đồng/năm đã ra đời; các chương trình giao lưu, toạ đàm, trao đổi, các khóa tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất được tổ chức ở nhiều cấp bộ Đoàn trong tỉnh.
Tỉnh Đoàn đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành và các địa phương, doanh nghiệp tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi cho ĐVTN có nhu cầu khởi nghiệp, lập nghiệp. Đến nay, tổng nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội qua Đoàn thanh niên quản lý là 334 tổ tiết kiệm và vay vốn, dư nợ trên 294,5 tỷ đồng. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho ĐVTN có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Đồng thời, các tổ chức Đoàn cũng tổ chức tìm kiếm, phát triển ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong thanh niên, hỗ trợ hiện thực hóa các mô hình khởi nghiệp khả thi của thanh niên; tư vấn, hỗ trợ thông tin, thủ tục pháp lý, cơ chế chính sách và những kiến thức, kỹ năng cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Cùng với đó, Tỉnh Đoàn và các tổ chức đoàn địa phương trong toàn tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình gặp gỡ, vinh danh các doanh nhân trẻ và ĐVTN có mô hình kinh tế tiêu biểu, đổi mới sáng tạo...
Phong trào “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp” là một trong những hoạt động vô cùng hữu ích, thiết thực đối với thanh niên tại địa phương, thời gian tới Tỉnh Đoàn sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, nhằm nâng cao chất lượng công tác Đoàn trong đó chú trọng giúp ĐVTN về vốn, khoa học - kỹ thuật, tiếp tục xây dựng và nhân rộng những mô hình hay cách làm hiệu quả về phát triển kinh tế đến đông đảo ĐVTN tại địa phương. Qua đó, khẳng định vai trò của tổ chức Đoàn trong đồng hành với thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bài, ảnh: HỒNG NHUNG
Chiều ngày 19/11, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023 - 2027” (Dự án) tổ chức hội thảo báo cáo kết quả khảo sát và đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP có chủ thể là nữ.