10/01/2021 07:20
Một buổi sinh hoạt lồng ghép về mô hình TKTDLX của phụ nữ xã Tập Ngãi, huyện Tiểu Cần.Một buổi sinh hoạt lồng ghép về mô hình TKTDLX của phụ nữ xã Tập Ngãi, huyện Tiểu Cần.
Bà Nguyễn Thị Kim Phương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Tiểu Cần cho biết: nhằm tạo điều kiện để hội viên, phụ nữ giúp đỡ lẫn nhau phát triển kinh tế góp phần thực hiện công tác giảm nghèo, các cấp Hội LHPN huyện Tiểu Cần đã xây dựng nhiều mô hình hiệu quả thiết thực như: tổ góp vốn xoay vòng, tổ tiết kiệm tín dụng, tổ tiết kiệm nuôi heo đất… trong đó, mô hình “Tiết kiệm tín dụng làng xã” là một trong những mô hình tiêu biểu góp phần giúp chị em tương trợ nhau cùng phát triển.
Mô hình tiết kiệm tín dụng làng xã là mô hình thực hiện dự án phòng ngừa và thích ứng với biến đổi khí hậu huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2018 - 2022 (Dự án do tổ chức Liên minh Nauy tài trợ). Mô hình bắt đầu thực hiện năm 2017 ở 04 xã (Tập Ngãi, Ngãi Hùng, Tân Hòa, Tân Hùng), năm 2018 mở rộng thêm 03 xã (Hùng Hòa, Long Thới, Hiếu Trung), năm 2019 mô hình được nhân rộng ở 100% xã, thị trấn và đến nay toàn huyện có 45/80 ấp, khóm có mô hình.
Nhằm tạo điều kiện cho các hội viên, phụ nữ nắm vững về mô hình, các cấp Hội đã tuyên truyền vận động chị em tham gia vào nhóm tiết kiệm tín dụng làng xã, qua đó phối hợp với cán bộ Dự án Nauy và cán bộ Liên minh Hợp tác xã tỉnh Trà Vinh tổ chức 12 lớp tập huấn kỹ năng quản lý kinh tế hộ cho 393 học viên tại 11 xã, thị trấn; hướng dẫn cho các thành viên Ban quản lý nhóm về cách điều hành sinh hoạt nhóm và cách ghi chép sổ, sách về nhóm đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, được Dự án Liên minh Nauy triển khai mô hình sinh kế tại các xã vùng dự án, nhằm hỗ trợ, giúp vốn cho các thành viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn trong nhóm tiết kiệm tín dụng làng xã vay để chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. Có 242 thành viên tham gia, có 81 hộ đăng ký mô hình chăn nuôi bò, heo, gà, vịt (có 36 hộ chăn nuôi heo kết hợp hầm biogas, 12 hộ chăn nuôi bò, 33 hộ nuôi gà kết hợp đệm lót sinh học và nuôi vịt kết hợp nuôi cá)...
Bà Nguyễn Thị Kim Phương cho biết thêm, năm 2020, toàn huyện đã thành lập mới 25 nhóm tiết kiệm tín dụng làng xã với 455 thành viên, mua phần tiền được 247,5 triệu đồng (mỗi chu kỳ hoạt động là 12 tháng), giải quyết cho 186 chị vay. Tính đến nay, Tiểu Cần có 75 nhóm với 1.446 thành viên mua phần tiền 961,9 triệu đồng giải quyết cho 512 lượt thành viên vay. Bên cạnh đó, các thành viên đóng góp quỹ tương trợ trên 47,2 triệu đồng, số tiền này dùng để thăm viếng các thành viên trong nhóm khi ốm đau hay gia đình có hữu sự... sau khi kết thúc chu kỳ, các thành viên được hoàn lại vốn và nhận tiền lãi từ việc cho vay trong nhóm. Từ khi mô hình được triển khai thực hiện, đa số chị em biết tích lũy tiết kiệm từ không đến có, từ ít đến nhiều, đến nay thì thành viên của các nhóm đã tích lũy được số vốn khá để chăn nuôi, mua bán, mua bảo hiểm y tế cũng như đóng học phí, mua tập, sách, vở, quần áo cho con cháu trong gia đình…
Nhìn chung, các chị vay sử dụng vốn đúng mục đích và làm ăn có hiệu quả cụ thể như: chị Đặng Thị Loan, chị Thạch Thị Mỹ Lan ở xã Tập Ngãi vay vốn buôn bán và chăn nuôi vịt; chị Dương Thị Ngấn, chị Phan Thị Cẩm Nhung, xã Ngãi Hùng vay vốn mua bán nhỏ, mua bảo hiểm y tế; chị Nguyễn Thị Bảy, xã Tân Hùng vay vốn để phát triển mô hình nuôi heo; chị Nguyễn Thị Thu Hồng, xã Tân Hòa mua cọng dừa để bó chổi...
Để tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, Chi hội phụ nữ ấp Ngô Văn Kiệt, xã Tập Ngãi đã thành lập 02 nhóm tiết kiệm tín dụng làng xã với 40 thành viên, hàng tháng mỗi thành viên mua từ 02 đến 04 phần tiền, mỗi phần 50.000 đồng (mỗi thành viên được mua không quá 10 phần/tháng). Chu kỳ hoạt động của nhóm là 12 tháng. Đây cũng là hình thức tiết kiệm tín dụng nhưng có điểm khác biệt là mỗi thành viên tùy theo khả năng và tình hình kinh tế của gia đình có thể mua phần tiền nhiều hay ít. Với hình thức mua cổ phần tiền nên mỗi tháng thành viên nào có điều kiện thì mua nhiều, thành viên nào gặp khó khăn về kinh tế thì mua ít cổ phần. Nhóm cũng quy định mỗi thành viên mỗi lần vay chỉ được vay không quá 05 lần so với số phần tiền mà thành viên đó gởi vào và không vượt quá 06 triệu đồng, 04 tháng trả lại vốn cho nhóm để cho thành viên khác vay.
Tính đến nay, 02 nhóm hoạt động hiệu quả, gửi trên 175 triệu đồng, giải quyết cho 43 lượt chị vay để nuôi gà, vịt, mua bán nhỏ, chi phí học hành cho con em, mua BHYT... mỗi tháng các nhóm tổ chức sinh họat một lần. Bên cạnh việc triển khai những mô hình kinh tế hiệu quả để thành viên trong nhóm tham khảo, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm… không cần nhắc nhở, các chị em mang theo tiền để mua cổ phần tiền trong tháng và họp xét cho những thành viên có nhu cầu vay vốn (xét theo 03 mục đích cấp thiết: mua bảo hiểm y tế; mua sắm dụng cụ, đồ dùng học tập cho con em trong gia đình và cần vốn để thực hiện mô hình chăn nuôi phát triển kinh tế). Đối với những thành viên đã được vay vốn vào những tháng trước đó thì có nhiệm vụ trả vốn hoặc đóng lãi cho nhóm nếu có nhu cầu vay tiếp. Bên cạnh việc mua cổ phần để góp vốn cho chị em vay, các thành viên còn tự nguyện góp vốn tương trợ nhau (mỗi thành viên góp 5.000 đồng/tháng) như thăm hỏi, tặng quà các chị em khi ốm đau, bệnh tật…
Chị Đặng Thị Loan, thành viên nhóm tiết kiệm tín dụng làng xã ấp Ngô Văn Kiệt, xã Tập Ngãi cho biết: “Tôi thấy mô hình này rất hiệu quả, các thành viên có thể vay vốn nhiều lần trong một chu kỳ. Hàng tháng, họp sinh hoạt nhóm trưởng thông báo công khai về vốn tiết kiệm của chị em cũng như quỹ tương trợ. Khi kết thúc chu kỳ, nhóm tổ chức tổng kết và trả lại vốn (có trả lãi suất) cho các thành viên. Các thành viên khi vay vốn cũng không cần làm thủ tục như vay ở các ngân hàng, tổ chức tín dụng”.
Bài, ảnh: KIM NGÂN
Chiều ngày 19/11, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023 - 2027” (Dự án) tổ chức hội thảo báo cáo kết quả khảo sát và đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP có chủ thể là nữ.