08/06/2020 16:41
Nhờ vốn vay, anh Nguyễn Thanh Hoàng có điều kiện thuê đất trồng cỏ nuôi bò.
Anh Thạch Ngụy Trang là một trong những thanh niên được Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cầu Ngang, lãnh đạo xã Kim Hòa tạo điều kiện hỗ trợ vốn vay tín chấp 40 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để thực hiện phong trào khởi nghiệp nuôi bò sinh sản và gà thả vườn cải thiện kinh tế gia đình. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Trang về quê hương ấp Kim Câu, xã Kim Hòa phụ giúp cha mẹ chăm lo phát triển sản xuất lúa và tham gia công tác ở địa phương với nhiệm vụ vừa là Bí thư Chi đoàn ấp Trà Cuôn, xã Kim Hòa, vừa là lực lượng dự bị động viên của xã.
Theo anh Trang, do đặc thù xã thuần nông, nên đời sống kinh tế của gia đình dựa vào nghề trồng lúa. Cuối năm 2019, tình hình mặn xâm nhập, việc sản xuất lúa vụ đông - xuân gặp nhiều khó khăn, trong thời gian này, anh được địa phương tạo điều kiện vay vốn thực hiện phong trào khởi nghiệp với nghề chăn nuôi. Ban đầu anh đầu tư 29 triệu đồng mua 01 con bò cái, số vốn còn lại anh đầu tư mua 300 con gà giống về nuôi.
Tuy bước đầu khởi nghiệp gặp không ít khó khăn, thiếu kinh nghiệm, khoa học - kỹ thuật nhưng kết quả đạt khả quan, 300 con gà nuôi sau 04 tháng anh xuất bán chia thành từng đợt vài chục con, giá bán 80.000 đồng/kg, lợi nhuận khoảng trên 20 triệu đồng. Từ nguồn lợi nhuận này, anh Trang tiếp tục đầu tư tái đàn gà nuôi 300 con. Song song đó, con bò nuôi phát triển tốt và đang có chửa. Ngoài việc tập trung phát triển đàn vật nuôi, anh Trang còn cải tạo đất lúa kém hiệu quả sang trồng thử nghiệm 500 gốc cây bông lài trên diện tích gần 1.000m².
Cũng cuối năm 2019, anh Nguyễn Thanh Hoàng, ấp Trà Cuôn, xã Kim Hòa được địa phương tạo điều kiện giúp vốn vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 50 triệu đồng thực hiện mô hình khởi nghiệp nuôi bò sinh sản và bò vỗ béo. Được biết, anh Hoàng xuất thân trong gia đình khó khăn, không đất sản xuất, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào nghề làm thuê. Sau khi lập gia đình, anh Hoàng đi lái xe tải thuê, thu nhập 05 triệu đồng/tháng, còn vợ anh làm công nhân. Tuy nguồn thu nhập không nhiều nhưng đủ trang trải chi phí cả gia đình 04 người. Năm 2019, do gia cảnh khó khăn, cha bệnh mất, anh Hoàng bỏ nghề lái xe tải thuê về phụ giúp gia đình. Trăn trở với cái khó của gia đình, anh Hoàng mạnh dạn đề xuất vay vốn để phát triển sản xuất. Giờ được nguồn vốn hỗ trợ 50 triệu đồng, phần nào giúp gia đình anh khắc phục khó khăn. Thời gian đầu anh mua 01 con bò cái, 01 con bò con về nuôi.
Để chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ nuôi, anh thuê 0,2ha đất để trồng cỏ nuôi bò. Song song đó, để có đồng vốn xoay trở cuộc sống hàng ngày, anh mua bò con về vỗ béo khoảng hơn 01 tháng xuất bán, đến nay anh đã xuất bán 04 con bò vỗ béo. Theo anh Hoàng, do ít vốn đầu tư nên anh mua bò về vỗ béo khoảng 01 - 1,5 tháng xuất bán để có vốn tái đầu tư con nuôi mới và trang trải cuộc sống gia đình, lợi nhuận bình quân 01 triệu đồng/tháng/con bò vỗ béo.
Anh Hoàng chia sẻ: Nhờ có nguồn vốn hỗ trợ vay anh có điều kiện tham gia khởi nghiệp phát triển kinh tế gia đình. Tuy không phải là mô hình mới nhưng nghề nuôi bò hiệu quả bền vững, chỉ đầu tư vốn ban đầu, còn lại chủ yếu lấy công làm lời. Thời gian tới, mong địa phương tạo điều kiện tăng vốn vay để anh tăng đàn bò nuôi vỗ béo, thúc đẩy kinh tế gia đình.
Theo lãnh đạo Huyện Đoàn Cầu Ngang, hàng năm, huyện có nguồn ủy thác từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện ưu tiên hỗ trợ vốn vay giúp đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp với nhiều dự án chăn nuôi, trồng trọt, mua bán nhỏ... từ đầu năm 2020 đến nay, thông qua nguồn vốn ủy thác của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Huyện Đoàn đã giải ngân 200 triệu đồng giúp thanh niên trên địa bàn phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, trong quá trình lập thân, lập nghiệp, một số thanh niên vẫn còn tâm lý an phận, e ngại mở rộng dự án. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa có môi trường thật sự thuận lợi để thanh niên tiếp cận, học hỏi, trải nghiệm và cơ chế thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; các dự án khởi nghiệp của thanh niên,… thời gian tới, huyện tập trung đào tạo, nâng cao năng lực về khởi nghiệp, hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là đẩy mạnh công tác truyền thông góp phần đưa hoạt động lập thân, lập nghiệp đi vào thực chất, hun đúc tinh thần khởi nghiệp của mọi tầng lớp Nhân dân, lôi cuốn sự tham gia của cả hệ thống chính trị...
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Chiều ngày 19/11, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023 - 2027” (Dự án) tổ chức hội thảo báo cáo kết quả khảo sát và đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP có chủ thể là nữ.