28/11/2020 11:22
Hội viên Nguyễn Văn Pháp (trái) giới thiệu dàn máy dệt chiếu tại cơ sở.
Ông Lê Hoàng Ái, Chủ tịch Hội CCB huyện Cầu Kè cho biết: nhằm tạo nguồn lực cho các hộ hội viên CCB nghèo phát triển kinh tế, trong 05 năm (2016-2020) các cấp hội trong huyện đã phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thực hiện cho vay ủy thác với 956 hội viên, số tiền vay 28,7 tỷ đồng; ngoài ra, Hội còn huy động các nguồn vốn trong hội viên để giúp nhau cho vay không tính lãi 3,2 tỷ đồng và trên 3.500 ngày công… qua đó, đã giảm 127 hộ CCB nghèo và xóa 203 nhà tạm cho cho hội viên. Song song đó, Hội còn phối hợp các ngành có liên quan tổ chức hướng nghiệp và đào tạo nghề cho hội viên, hỗ trợ tìm việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo từng bước giải quyết lao động nhàn rỗi ở nông thôn. Tích cực vận động hội viên khá giàu, các mạnh thường quân đóng góp tiền của để giúp hội viên nghèo, khó khăn trong cuộc sống...
Dự án thích ứng biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long (Dự án AMD Trà Vinh) hỗ trợ 05 tổ hợp tác nuôi dê sinh sản và gà thả vườn cho 41 thành viên, số tiền 246 triệu đồng; trong đó, có 13 hội viên Hội CCB, với số tiền 8 triệu đồng; qua đó đã giảm 13 hộ hội viên nghèo. Hay mô hình “hội viên khá giàu giúp hội viên thoát nghèo bền vững” đã tác động tích cực trong công tác xóa nghèo của địa phương…
Ghi nhận tại xã Thông Hòa, trường hợp của hộ hội viên Lý Thanh Hùng (Chi hội ấp Trà Mẹt), gia đình có 0,4ha đất chuyên canh màu, khi được các hội viên giúp cho mượn 5,5 triệu đồng để làm vốn trồng màu; qua đó, đã giúp gia đình thu nhập từ màu lợi nhuận trên 70 triệu đồng/năm; năm 2017, hội viên Lý Thanh Hùng đã thoát nghèo.
Hay gia đình hội viên Nguyễn Văn Pháp (ấp Ô Chích), từ cơ sở dệt chiếu nhỏ của gia đình, năm 2017 được Hội CCB hỗ trợ 15 triệu đồng, anh đã đầu tư mua 03 máy dệt và giải quyết việc làm cho 11 lao động ở địa phương. Năm 2018, gia đình anh xin thoát nghèo và hiện gia đình có thu nhập từ 70-100 triệu đồng/năm. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Pháp cho biết: năm 2020, gia đình quyết định chuyển lên doanh nghiệp và mở rộng quy mô sản xuất, mua sắm thêm máy dệt.
Ngoài hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế nông nghiệp, các ngành nghề dịch vụ cũng được Hội CCB quan tâm, chia sẻ giúp nhau để góp phần giải quyết lao động cho hội viên tại địa phương. Điển hình như hộ hội viên Nguyễn Văn Cọp (Ấp 3, xã Thạnh Phú) do không có đất canh tác, anh được Hội CCB hỗ trợ 06 triệu đồng để mua vật liệu về làm chậu kiểng. Anh Cọp cho biết: hiện nay, nhu cầu trồng hoa kiểng rất phát triển, nên chậu kiểng được tiêu thụ rất mạnh. Từ khi đầu tư làm chậu kiểng, cuộc sống gia đình đã ổn định và vươn lên thoát nghèo vào năm 2017. Hiện thu nhập từ làm Chậu kiểng khoảng 100 triệu đồng/năm và giải quyết việc làm cho 05 lao động tại địa phương.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Chiều ngày 19/11, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023 - 2027” (Dự án) tổ chức hội thảo báo cáo kết quả khảo sát và đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP có chủ thể là nữ.