12/04/2022 09:10
Thông qua hỗ trợ, giúp nhau trong phát triển sản xuất, làm kinh tế giỏi vừa là mục tiêu, vừa là động lực để đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Hải, Chủ tịch Hội CCB xã Hòa Tân cho biết: để hội viên CCB có điều kiện tham gia vào các hoạt động, công tác hội và ngày càng gắn bó hơn với tổ chức hội... khi đó, hội viên sẽ có cuộc sống ổn định và điều kiện tốt để tham gia vào các hoạt động của hội, địa phương.
Hội viên CCB Võ Văn Dư (giữa) bên căn nhà mới vừa được sửa chữa từ số tiền hỗ trợ của Nhà nước cho đối tượng là thương binh.
Nhận thức rõ điều đó, thời gian qua, Hội CCB xã Hòa Tân luôn tích cực vận động cán bộ, hội viên không ngừng rèn luyện, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm và huy động mọi nguồn lực cũng như tranh thủ các nguồn hỗ trợ đối với CCB để giúp nhau giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng. Đồng thời, thông qua các nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn “Quỹ Nội bộ giúp nhau phát triển kinh tế” nhằm tạo điều kiện cho các hội viên CCB tiếp cận các nguồn để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh…
Trong nhiệm kỳ 2017-2022, giải ngân vốn cho 225 hộ hội viên vay, dư nợ đạt trên 4,78 tỷ đồng; tại 07/07 chi hội đều xây dựng được nguồn vốn giúp nhau trong hội viên, có 201 hội viên tham gia với số tiền 228 triệu đồng, qua đó có 160 lượt hội viên được nhận vốn…
Những năm qua, phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi ở Hòa Tần đã đạt được những kết quả rõ rệt, nhiều hội viên còn thành công trong sản xuất, kinh doanh. Thông qua đó, nhiều hội viên đã vươn lên ổn định cuộc sống và khấm khá hơn; đến cuối năm 2020, trên địa bàn xã Hòa Tân không còn hộ hội viên CCB nghèo.
Điển hình như hội viên Trần Văn Đạt (ấp An Lộc) từ cuộc sống khó khăn trước đây sau khi xuất ngũ trở về sinh hoạt với địa phương; hiện nay, với mô hình trồng cây ăn trái (0,2ha) kết hợp mua bán trái cây đã có cuộc sống ổn định. Hay hội viên Nguyễn Quang Trực (ấp An Bình) với mô hình kinh tế về chuyên canh trồng cây ăn trái…
Hội viên CCB Nguyễn Quang Trực, chia sẻ: gia đình trước đây chuyên trồng nhãn da bò, với diện tích hơn 0,8ha, do ảnh hưởng bệnh chổi rồng, năm 2017 được tiếp cận nguồn vốn của Hội và vốn của gia đình, nên đầu tư chuyển sang trồng 200 cây nhãn xuồng cơm vàng. Thời gian đầu, gia đình còn trồng xen giống dừa xiêm lục để tăng thêm nguồn thu nhập. Hiện nay, giá nhãn xuồng cơm vàng từ 25.000 - 45.000 đồng/kg; chi phí đầu tư chỉ bằng 30 - 40% so với nhãn da bò và công chăm sóc giảm, do cây ít sâu bệnh, dễ đậu trái… thu nhập khoảng 150 triệu đồng/ha.
Kinh tế ổn định, từ đó hoạt động tình nghĩa, chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho hội viên có nhiều tiến bộ. Hội CCB xã Hòa Tân đã khẳng định được vai trò, trách nhiệm của mình và trở thành chỗ dựa tin cậy để chia sẻ, động viên, giúp đỡ nhau những lúc khó khăn, xứng đáng là ngôi nhà chung cho đông đảo cán bộ, hội viên CCB trên địa bàn.
Hội viên CCB, thương binh 3/4 Võ Văn Dư ngụ ấp Hội An, xã Hòa Tân chia sẻ: những năm qua, Hội luôn quan tâm cho anh em CCB cũng như các cựu quân nhân, thông qua việc tạo điều kiện cho anh em tiếp cận vốn sản xuất; làm kinh tế gia đình; hỗ trợ xây dựng nhà cho các hội viên gặp khó khăn về nhà ở.
Trong tháng 4/2022, gia đình cũng vừa được Nhà nước hỗ trợ số tiền 25 triệu đồng để sửa chữa lại căn nhà; gia đình đối ứng thêm để cải tạo làm mới lại. Bản thân nhận thấy địa phương có sự đổi thay rất lớn, hệ thống giao thông, thủy lợi được đầu tư hoàn chỉnh, phục vụ cho sản xuất, đi lại của người dân.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Chiều ngày 19/11, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023 - 2027” (Dự án) tổ chức hội thảo báo cáo kết quả khảo sát và đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP có chủ thể là nữ.