25/04/2022 07:29
Ông Ngô Văn Thạch (phải) trao đổi với anh em hội viên về hiệu quả kinh tế của mô hình vườn cam sành 07 năm tuổi theo hướng hữu cơ.
Ông Ngô Văn Thạch, Chi hội trưởng Chi hội CCB Ấp IV cho biết: nhiệm kỳ 2017 - 2022, vai trò của Hội CCB luôn gương mẫu trong các hoạt động hành động cách mạng ở địa phương; ý thức của hội viên rất cao trong thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm của mình cùng với địa phương như tham gia bảo vệ môi trường; xây dựng phong trào bảo vệ an ninh trật tự địa phương… Trong phát triển kinh tế, các hội viên đã chuyển đổi mô hình trồng cam trên đất lúa rất hiệu quả, góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập kinh tế hộ.
Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, những năm qua, hội viên Hội CCB xã Thạnh Phú đã hăng hái thi đua phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu cho gia đình và giúp đỡ các hội viên khó khăn cùng vươn lên làm giàu chính đáng.
Ông Lê Văn Tâm, Chủ tịch Hội CCB xã Thạnh Phú cho biết: Hội CCB xã luôn duy trì thực hiện tốt các mô hình làm kinh tế, giúp nhau trong sản xuất; thành lập 01 Tổ hợp tác trồng cam sành, có 71 thành viên tham gia; qua tác động của mô hình, đã giúp 08/08 hộ hội viên Hội CCB thoát nghèo. Đến cuối năm 2019, trên địa bàn xã Thạnh Phú không có hộ hội viên nghèo và cận nghèo... trong nhiệm kỳ 2017 - 2022, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân vốn cho 102 hội viên CCB với số tiền 1,229 tỷ đồng; tổng số dư nợ đến nay có 2,229 tỷ đồng. “Quỹ Nội bộ giúp nhau phát triển kinh tế” có 180 hội viên (04/04 chi hội ấp) tham gia, với số tiền 490 triệu đồng, qua đó, đã giúp cho 32 hội viên mượn làm vốn sản xuất, kinh doanh.
Với đặc thù là xã thuần nông, từ năm 2017 phong trào chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cam sành; đến cuối năm 2021 toàn xã Thạnh Phú đã chuyển đổi 800/850 lúa sang trồng cam sành. Trong này, vai trò của Hội CCB tiên phong trong vận động hội viên tham gia; với 229 hội viên Hội CCB, trong đó có 80% hội viên thực hiện chuyển đổi trồng cam sành, nhiều hội viên thu nhập từ 300-350 triệu đồng/ha, điển hình như hội viên Lê Văn Bảy (Ấp II), Trần Văn Sinh (Ấp IV)…
Cũng theo ông Ngô Văn Thạch, từ khi gia đình chuyển đất lúa sang trồng cam sành (năm 2016), đến nay cuộc sống đã khấm khá hơn trước rất nhiều. Với diện tích 0,6ha chuyển đổi trồng cam sành đến nay đã sang năm thứ 07. Trong giai đoạn từ năm thứ 03 đến năm thứ 06, bình quân mỗi vụ bán được 350 - 400 triệu đồng/0,6ha.
Từ năm 2021, vườn cam 0,6ha được gia đình chuyển sang khai thác tự nhiên theo hướng hữu cơ, không xử lý nghịch vụ, mỗi năm thu hoạch 04 đợt (khoảng 20 triệu đồng/đợt) và chi phí đầu tư phân bón, thuốc khoảng 10 triệu đồng/0,6ha/năm. Tiếp tục phát huy hiệu quả trong chuyển đổi trồng cam sành, năm 2020 gia đình chuyển thêm 1,2ha đất lúa sang trồng cam sành và cuối năm 2022 bắt đầu cho trái chiếng.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Chiều ngày 19/11, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023 - 2027” (Dự án) tổ chức hội thảo báo cáo kết quả khảo sát và đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP có chủ thể là nữ.