11/10/2021 06:26
Trong ngành giáo dục và y tế, toàn huyện Cầu Ngang có 771/1.573 giáo viên nữ (trong đó có 50 chị giữ chức vụ lãnh đạo quản lý); 125/222 nữ công tác ngành y (chiếm 55,5% của ngành). Tỷ lệ nữ tham gia vào hệ thống chính trị, huyện Cầu Ngang có 15% nữ được bố trí lãnh đạo các ngành chủ chốt. Với những kết quả trên đã khẳng định chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ nữ ngày càng nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
|
Với lực lượng lao động nữ chiếm trên 60% trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản và dịch vụ, nhiệm kỳ qua, xác định vai trò của phụ nữ trong lao động phát triển sản xuất là quan trọng, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Cầu Ngang tập trung hỗ trợ phụ nữ về mọi mặt, giúp phụ nữ tiếp cận các nguồn lực, phát huy tính chủ động sáng tạo, mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống, cùng địa phương thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo.
Bà Võ Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cầu Ngang cho biết: trong phát triển kinh tế, nâng cao cuộc sống gia đình, phụ nữ đóng vai trò quan trọng. Qua đó, hình thành nhiều mô hình phát triển kinh tế khởi sự, khởi nghiệp hoạt động hiệu quả. Tiêu biểu như cơ sở sản xuất bánh tét của chị Mai Thị Hoàng Loan, xã Kim Hòa; cơ sở sản xuất cá khô của chị Phạm Mỹ Phụng, ở thị trấn Mỹ Long, tạo việc làm cho 05 lao động; cơ sở đan đát của chị Trần Thị Liền, xã Hiệp Mỹ Đông, tạo việc làm cho 25 lao động...
Với sự chỉ đạo, định hướng của Hội LHPN huyện cùng những giải pháp cụ thể, thiết thực và chủ động vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2021, đã tác động tích cực đến chất lượng đời sống hội viên, góp phần giảm hộ nghèo của huyện từ 8,82% năm 2016, còn 3,18% vào cuối năm 2020.
Chị Loan cho biết: hàng ngày, cơ sở sản xuất từ 200 - 300 đòn bánh, giá bán từ 50.000 - 80.000 đồng/đòn, giải quyết việc làm 07 lao động nữ tham gia gói bánh, cột bánh, làm nhân bánh và nấu bánh, thu nhập bình quân 200.000 đồng/ngày/lao động. Với vai trò là chủ nhiệm câu lạc bộ khởi nghiệp, thời gian tới, các cấp, các ngành tiếp tục hỗ trợ câu lạc bộ thành lập gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc thù của hội viên phụ nữ trong huyện nhằm liên kết nâng cao chất lượng sản phẩm, giải quyết đầu ra hướng đến thị trường ngoài tỉnh.
Chị Hà Thị Thanh Liên từng là hộ nghèo của ấp Lạc Hòa, xã Thạnh Hòa Sơn đã vươn lên thoát nghèo trở thành hộ khá, nhờ chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu kết hợp với nuôi bò sinh sản và nuôi tôm bán thâm canh.
Chị Liên cho biết: hiện nay, với 01ha đất canh tác 02 vụ màu-01 vụ lúa/năm, vụ màu năm nay, chị trồng 4.000m² ớt chỉ thiên, năng suất đạt 02 tấn/1.000m², giá bán từ 12.000 - 40.000 đồng/kg, lợi nhuận 10 triệu đồng/1.000m². Kết thúc vụ ớt chị trồng 2.500m² khổ qua, 1.000m² cà chua, gần 02 tháng thu hoạch, giá khổ qua 5.000 đồng/kg, cà chua từ 1.500 - 4.000 đồng/kg. Nhờ thu hoạch khổ qua trước thời gian giãn cách xã hội nên đầu ra ổn định, lợi nhuận từ 05 - 10 triệu đồng/1.000m². Ngoài nguồn thu nhập từ cây lúa, màu, chị Liên có nguồn thu nhập gần 100 triệu đồng/năm từ chăn nuôi 06 con bò sinh sản, nuôi tôm bán thâm canh, bình quân bán 02 con bò/năm.
Chị Nguyễn Ngọc Xương, ngụ ấp Mỹ Thập, xã Mỹ Long Bắc là một trong những nữ khởi nghiệp với nghề đan đát giỏ lục bình và giải quyết việc làm nhàn rỗi cho nhiều lao động nữ nông thôn. Chị Xương cho biết: ban đầu có 30 chị tham gia học nghề đan đát, sau đó còn 15 chị gắn bó với nghề đan đát, thu nhập từ 1,8 - 2,1 triệu đồng/tháng/lao động. Tuy nghề đan đát thu nhập không nhiều, nhưng góp phần giải quyết việc làm nhàn rỗi cho các chị em, còn có thêm thu nhập trang trải tiền điện, tiền học cho các con.
Ngoài khởi xướng phong trào khởi nghiệp từ nghề đan đát, giải quyết lao động nhàn rỗi, chị Xương tích cực sản xuất gần 0,7ha đất trồng 02 vụ màu - 01 vụ lúa kết hợp với nuôi 08 con bò sinh sản, tổng thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Đối với 02 vụ màu xoay vòng các chủng loại như dưa hấu và bí đỏ hoặc ớt chỉ thiên, mỗi vụ lợi nhuận từ 30 - 80 triệu đồng/ha tùy thời điểm giá.
Cầu Ngang hiện có 16 cơ sở Hội LHPN trực thuộc, có 08 xã có đông đồng bào Khmer, 98 chi hội với 524 tổ Hội, có 60.757 phụ nữ chung, phụ nữ từ 18 tuổi trở lên là 31.863 người. Nhiệm kỳ 2016 - 2021, Hội phát triển 5.963 hội viên, nâng tổng số đến nay 17.144 hội viên, đạt 54% so với phụ nữ từ 18 tuổi trở lên tham gia vào tổ chức Hội (vượt 0,4% so với chỉ tiêu). Hộ có hội viên 13.797/26.869 hộ, có 15/15 xã, thị trấn tập hợp đạt 50% trở lên có phụ nữ từ 18 tuổi trở lên tham gia vào hội đạt 100% so chỉ tiêu nghị quyết. Nhiệm kỳ 2021 - 2026, Hội tập trung 10 chỉ tiêu trọng tâm và phát động phụ nữ thực hiện 02 phong trào thi đua: “Phụ nữ vun đắp giá trị tốt đẹp gia đình Việt Nam” và “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”; cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn XDNTM, đô thị văn minh và 02 khâu đột phá: ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội; đồng hành xây dựng chi, tổ Hội vững mạnh.
|
Bà Võ Thị Thúy Hằng cho biết thêm: nhiệm kỳ qua, Hội huy động 112 tỷ đồng giúp 5.813 lượt chị vay, so với nhiệm kỳ trước tăng 62 tỷ đồng. Nâng tổng số Hội đang quản lý 192,467 tỷ đồng, giúp 10.256 hộ còn dư nợ; tổ chức 64 lớp tập huấn kỹ thuật trồng màu, chăn nuôi thú y, nuôi gà, trồng nấm rơm, đan đát... có 1.874 hội viên phụ nữ tham dự; giới thiệu 87 lao động nữ lao động có thời hạn ở các nước Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc...; vận động thành lập mới 11 tổ hùn vốn giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, tổ phụ nữ hùn vốn sửa chữa nhà với 168 thành viên, qua đó sửa chữa 37 căn với số tiền 750 triệu đồng; hỗ trợ 120 chị khởi nghiệp bằng các loại hình sản xuất, kinh doanh nhỏ và vừa: mua bán, chăn nuôi, sản xuất các mặt hàng truyền thống… với số tiền 03 tỷ đồng; hỗ trợ 06 chị vay để mở rộng sản xuất kinh doanh, tổng số tiền 318 triệu đồng.
Từ các phong trào này, góp phần cùng địa phương giảm 970 hội hội viên phụ nữ nghèo. Thực hiện chương trình XDNTM, nhất là tiêu chí môi trường và y tế, các cơ sở Hội triển khai xây dựng nhiều mô hình như: xây dựng gia đình 5 không 3 sạch, nuôi heo đất tiết kiệm, góp vốn xoay vòng để tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện,… đến nay, huyện có 12.678 hộ đạt 8 tiêu chí gia đình 5 không 3 sạch; 29 tổ “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni-lông”; 16 mô hình với 142 tổ nhóm/câu lạc bộ với 2.137 thành viên như: tổ phụ nữ nuôi heo đất, hũ gạo tình thương, phụ nữ treo ảnh Bác, câu lạc bộ sửa đổi lối làm việc,…
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Chiều ngày 19/11, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023 - 2027” (Dự án) tổ chức hội thảo báo cáo kết quả khảo sát và đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP có chủ thể là nữ.