21/12/2021 08:10
Tổ trưởng Tổ đan sản phẩm bằng dây nhựa ấp Cây Xoài.
Tình trạng thiếu việc làm, một số lao động nữ cùng chồng đi làm ăn xa để cha, mẹ và gởi lại con cho cha mẹ già chăm sóc. Trước tình cảnh trên, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Ngũ Lạc đặc biệt quan tâm đến việc làm cho phụ nữ và có giải pháp sát hợp với tình hình thực tế, giải quyết việc làm ổn định cho một bộ phận lao động nữ tại địa phương.
Xã Ngũ Lạc có 4.538 hộ, với 18.496 nhân khẩu, đồng bào Khmer chiếm 63,88% so tổng số hộ; nữ giới có 9.138 nhân khẩu, trong đó, 2.831 hội viên phụ nữ. Toàn xã có 175 hộ nghèo, chiếm 3,86% và 344 hộ cận nghèo, chiếm 7,58%; trong đó, có 445 hộ hội viên nghèo, có 97 hộ phụ nữ nghèo và 114 hộ phụ nữ cận nghèo làm chủ hộ. Hội LHPN xã Ngũ Lạc luôn quan tâm các vấn đề liên quan đến đời sống hội viên, phụ nữ và trẻ em; các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công với cách mạng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số… Những năm gần đây, Hội đặc biệt quan tâm các hoạt động khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp.
Năm 2021, Hội LHPN xã Ngũ Lạc thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn chung của diễn biến dịch bệnh Covid-19, bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò và dịch tả heo châu Phi; giá nông sản giảm, lao động mất việc làm tăng, giá một số mặt hàng thiết yếu tăng… với sự nỗ lực, của tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội, toàn thể cán bộ, hội viên đoàn kết, quyết tâm phát huy những kết quả đạt được, vượt qua khó khăn, hoạt động công tác Hội và phong trào phụ nữ xã đạt được những kết quả quan trọng. Hội tiếp tục thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, xây dựng kế hoạch thực hiện đề án và phát động đến cán bộ, hội viên phụ nữ.
Quan tâm, tạo việc làm cho lao động nữ tại địa phương, đầu năm 2020, Hội LHPN xã đưa 02 hội viên đi học nghề đan sản phẩm dây nhựa tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu - Thương mại Vinh Kim (tỉnh Bình Dương, văn phòng đặt tại Khóm 7, Phường 9, thành phố Trà Vinh). Sau 17 ngày tham gia học nghề, hội viên Thạch Thị Thay, Chi hội Phụ nữ ấp Cây Xoài, xã Ngũ Lạc phối hợp với công ty mở lớp đào tạo nghề đan sản phẩm bằng dây nhựa cho 30 hội viên, phụ nữ tại địa phương. Đồng thời, thành lập, ra mắt Tổ đan sản phẩm bằng dây nhựa ấp Cây Xoài, có 12 thành viên tham gia hoạt động. Tổ nhận hàng gia công của công ty hoạt động cho đến nay. Trong năm 2021, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ tư, lao động nữ mất việc làm từ tỉnh Bình Dương trở về địa phương không có việc làm ổn định, bà Thạch Thị Thay, Tổ trưởng Tổ đan sản phẩm bằng dây nhựa ấp Cây Xoài nhận thêm 05 lao động nữ vào làm việc và nhận thêm đơn đặt hàng gia công nhằm đáp ứng nhu cầu việc làm cho lao động.
Bà Trần Thị Quí Mến, ấp Cây Xoài, nói “trước đây, vợ chồng đi lao động ở tỉnh Bình Dương, cha mẹ già ở lại nhà chăm sóc 02 đứa cháu ngoại, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, vợ chồng trở về địa phương với công việc làm thuê không ổn định. Nay, tôi được vào làm việc tại Tổ đan sản phẩm bằng dây nhựa ấp Cây Xoài có thu nhập ổn định, tôi mừng lắm”.
Hoàn cảnh vợ chồng bà Kim Thị Minh Tâm, ấp Cây Xoài cùng đi làm thuê ở tỉnh Bình Dương gởi lại đứa con nhờ mẹ chồng chăm sóc, nay trở về nhà thiếu việc làm, hơn 03 tháng qua, được bà Thạch Thị Thay nhận vào tổ làm việc và đào tạo lao động kỹ thuật cho tổ.
Lao động làm việc tại Tổ đan sản phẩm bằng dây nhựa ấp Cây Xoài có thu nhập hàng tháng từ 03 - 04 triệu đồng/tháng; tổ có 03 lao động kỹ thuật thu nhập từ 05 - 06 triệu đồng/tháng. Mặc dù có ít hơn khoảng 50% thu nhập so với lao động ở tỉnh Bình Dương, nhưng cuộc sống gia đình có phần ổn định hơn. Bởi, cuộc sống tại quê nhà chi phí ít, cuộc sống thoải mái, gia đình sum vầy, vui tươi, đầm ấm hơn so cảnh sống xa quê, xa gia đình và phải tốn kém nhiều chi phí hơn.
Được biết, thu nhập chính của gia đình bà Thạch Thị Thay là nuôi trồng thủy sản, nhận thấy lao động nữ của địa phương thiếu việc làm phải đi làm ăn xa bà không khỏi chạnh lòng và quyết tâm thành lập Tổ đan sản phẩm bằng dây nhựa nhằm giải quyết phần nào việc làm ổn định cho lao động nữ tại địa phương. Bà Thay mong muốn, Tổ có nhiều đơn hợp đồng gia công để mở rộng, thu hút được nhiều lao động nữ của địa phương để có việc làm, thu nhập ổn định, giảm nghèo bền vững.
Trong năm, Hội LHPN xã còn phối hợp với Công ty Tư vấn việc làm Thông Thuận tư vấn cho hơn 50 hội viên phụ nữ, giới thiệu giải quyết việc làm cho 293 lao động trong và ngoài tỉnh; xuất khẩu 02 lao động. Đồng thời, tổ chức các hoạt động hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế gia đình vươn lên thoát nghèo với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Ngay từ đầu năm, Hội đã tranh thủ từ nhiều nguồn lực, hỗ trợ 100% cho viên hội nghèo, khó khăn được tiếp cận vốn; nhận đỡ đầu 02 hộ hội viên phụ nữ nghèo thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều, bằng hình thức hỗ trợ vốn vay và hỗ trợ 02 “Mái ấm tình thương”, trị giá 80 triệu đồng; giúp 10 hội viên nghèo, cận nghèo thoát nghèo bằng nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, tổng số tiền 380 triệu đồng, đến nay, cơ bản có 12 hộ kinh tế phát triển ổn định. Đẩy mạnh hỗ trợ cho hội viên nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm, tăng thu nhập. Đến nay, tổng dư nợ hơn 18,366 tỷ đồng, với 748 hộ vay. Tuyên truyền, hướng dẫn hội viên phụ nữ thực hiện ít nhất một hình thức tiết kiệm, thu hút 2.831 hội viên tham gia. Duy trì 04 tổ tiết kiệm góp vốn xoay vòng, với 47 thành viên, đã góp được 35,4 triệu đồng, giúp cho 47 lượt chị mượn phát triển kinh tế.
Bà Nguyễn Nữ Lâm Ức Mi, Chủ tịch Hội LHPN xã Ngũ Lạc đánh giá, trong năm 2021 thực hiện nhiệm vụ với nhiều khó khăn, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, xâm nhập mặn, dịch bệnh trên đàn gia súc làm thiệt hại kinh tế nhưng với sự quyết tâm của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội LHPN xã, toàn thể cán bộ, hội viên phụ nữ đã nỗ lực triển khai, thực hiện đạt chỉ tiêu đã đề ra. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giới thiệu việc làm. Tiếp tục duy trì có hiệu quả hoạt động ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội cho hội viên nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn phát triển kinh tế. Tranh thủ các nguồn lực để tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của Hội, mang lại lợi ích thiết thực cho cán bộ, hội viên, phụ nữ, góp phần cùng địa phương thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Bài, ảnh: HUỲNH NỔI
Chiều ngày 19/11, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023 - 2027” (Dự án) tổ chức hội thảo báo cáo kết quả khảo sát và đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP có chủ thể là nữ.