23/03/2023 15:22
Chị Huỳnh Thị Linh (bên phải), thợ truyền nghề của Cơ sở đan đát Hạnh Phúc hướng dẫn, truyền nghề đan đát cho chị Huỳnh Thị Nâu, ấp Ngã Tư, xã Ngài Hùng, huyện Tiểu Cần.
Hội LHPN xã Thanh Mỹ có 07 chi hội, với 1.933 hội viên, các cấp hội chú trọng công tác tuyên truyền đến cán bộ, hội viên, phụ nữ về các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phát động phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; phong trào thi đua “Dân vận khéo” và các cuộc vận động, các phong trào hành động cách mạng gắn với thực hiện Kế hoạch số 24/KH-BTV, ngày 07/02/2022 của Hội LHPN huyện Châu Thành “về xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng và nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021 - 2025”.
Qua đó, Hội LHPN xã Thanh Mỹ chỉ đạo các chi, tổ hội tiếp tục duy trì 14 mô hình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, Chi hội Phụ nữ ấp Phú Thọ có 04 tổ “Hũ gạo tình thương”; 01 tổ “Tiết kiệm chi tiêu trong gia đình tiếp bước con đến trường; 01 tổ “Tiết kiệm hùn vốn xoay vòng”. Chi hội Phụ nữ ấp An Chay có 01 tổ “Tình thương” và 01 tổ “Tiết kiệm hùn vốn xoay vòng giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”... Bên cạnh, phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo trong hội viên, phụ nữ tại địa phương luôn được các cấp hội quan tâm, xây dựng, triển khai nhiều mô hình hiệu quả nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hội viên, phụ nữ.
Năm 2022, Hội LHPN xã Thanh Mỹ hỗ trợ 02 phụ nữ nghèo làm chủ hộ thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều và chỉ đạo các chi hội nhận đỡ đầu từ 01 - 02 hội viên nghèo thoát nghèo, thoát cận nghèo. Hỗ trợ bằng nhiều hình thức, như vận động kinh phí xây dựng nhà “Mái ấm tình thương”, tặng quà; hỗ trợ tiếp cận vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển... Đảm bảo 100% phụ nữ nghèo có nhu cầu chăn nuôi, trồng trọt, mua bán nhỏ... tiếp cận vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình góp phần giảm nghèo cho hội viên, phụ nữ nói riêng và tại địa phương nó chung.
Hội tập trung vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, tham gia xây dựng mô hình kinh tế tập thể. Nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017 - 2025 (Đề án 939). Giúp đỡ 06 chị khởi nghiệp bằng cách hỗ trợ vốn vay, trưng bày sản phẩm, tập huấn kiến thức... Trong đó, có 02 chị khởi nghiệp mới được hỗ trợ vốn vay, gồm: chị Nguyễn Thị Yến Nhi (khởi nghiệp buôn bán đồ gia dụng) và chị Lữ Thị Tính (khởi nghiệp với nghề nuôi cá lóc), cùng ấp Ô Tre Lớn,.
Đồng chí Lữ Thị Ngọc Xem, Chỉ tịch Hội LHPN xã Thanh Mỹ cho biết, xã có 6/7 chi hội có mô hình hoạt động hiệu quả, gồm các ngành nghề: đan đát ở ấp Nhà Dựa và ấp Phú Thọ; trồng màu ở ấp Phú Thọ, ấp Ô Tre Nhỏ và Ô Trẻ Lớn; nuôi bò sinh sản, ấp Kinh Xuôi và ấp Cây Dương; góp vốn xoay vòng ở ấp Phú Thọ.
Đồng chí Võ Thị Mới, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Mỹ đưa chúng tôi đến thăm cơ sở đan đát Hạnh Phúc của chị Phạm Thị Lệ Thu, ấp Nhà Dựa. Chị Thu cho biết, năm 2017, chị bắt đầu học nghề đan đát các mặt hàng vật dụng trong gia đình bằng dây nhựa và nhận làm gia công tại nhà theo mẫu đặt hàng của công ty ở tỉnh Đồng Nai. Qua đó, chị Thu vận động chị em trong xã đến để truyền nghề và tham gia đan gia công các mặt hàng do chị nhận về từ các công ty ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương. Việc làm được duy trì ổn định, các đơn đặt hàng ngày càng nhiều, thu hút lao động các huyện trong tỉnh.
Tiếng lành đồn xa, vài năm gần đây, mặt hàng đan đát đồ gia dụng bằng dây nhừa của chị Thu được lao động huyện Cù Lao Dung và Đại Ngãi, tỉnh Sóc Trăng đến học nghề và nhận mẫu hàng về đan gia công cho cơ sở. Chị Thu cho biết, hiện cơ sở thu hút trên 500 lao động tham gia học nghề và đan đát gia công. Lao động tham gia đan đát mặt hàng nhựa của cơ sở vừa làm vừa chăm sóc việc nhà có thu nhập khoảng 3,5 triệu đồng/lao động/tháng; lao động đan chuyên nghiệp thu nhập khoảng 07 triệu đồng/lao động/tháng.
Chị Huỳnh Thị Nâu, ấp Ngã Tư, xã Ngãi Hùng, huyện Tiểu Cần học nghề tại Cơ sở đan đát Hạnh Phúc, nói: “lao động nữ ở địa phương thiếu việc làm còn nhiều, tôi đến đây học nghề để về truyền lại cho chị em và nhận mẫu hàng của cơ sở về để chị em làm gia công có thêm thu nhập”.
Chị Huỳnh Thị Linh, thợ truyền nghề của Cơ sở đan đát Hạnh Phúc cho biết: “lao động ở các địa phương đến học nghề đơn lẻ thì tôi hướng dẫn làm tại cơ sở. Địa phương nào vận động, tập hợp chị em được nhiều thì tôi đến tận nơi để hướng dẫn nghề cho chị em”.
Có được tay nghề và việc làm ổn định là điều kiện tốt để lao động có thu nhập thường xuyên. Những mô hình kinh tế hiệu quả, thu hút lao động, nhất là có việc làm lúc nông nhàn giúp cho lao động nông thôn có thêm thu nhập, phát triển kinh tế hộ, ổn định cuộc sống gia đình. Tạo việc làm cho hội viên, phụ nữ nông thôn có việc làm ổn định tại địa phương, tăng thu nhập, tăng thêm sự đoàn kết, gắn bó tình làng nghĩa xóm, tích cực tham gia xây dựng nâng cao các tiêu chí NTM, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương.
Bài, ảnh: HUỲNH NỔ
Chiều ngày 19/11, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023 - 2027” (Dự án) tổ chức hội thảo báo cáo kết quả khảo sát và đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP có chủ thể là nữ.