05/04/2021 05:23
Bà Nguyễn Thị Hà (bên trái) nấu ăn bên góc bếp sáng, sạch.
Bà Nguyễn Thị Như Thúy, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Càng Long cho biết: Hội LHPN thị trấn hiện có 10 chi hội, 06 tổ phụ nữ cơ quan, trường học với 2.231 hội viên. Nhiệm kỳ qua, các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chị em tham gia các phong trào, hoạt động Hội. Đồng thời, khảo sát, nắm bắt tình hình, hoàn cảnh của chị em, đối với hộ nghèo, cận nghèo, Ban Chấp hành Hội hỗ trợ tín chấp vay vốn phát triển kinh tế. Đối với các hộ khó khăn, không tiếp cận được các nguồn vốn ngân hàng, các cấp Hội tiếp tục duy trì và thực hiện nhiều mô hình tổ, nhóm phụ nữ tiết kiệm, như tổ hùn vốn cho mượn xoay vòng, tổ tiết kiệm tín dụng; tổ kinh tế có các mô hình như đan đát, nuôi heo đất, may gia công…qua đó phát huy, khơi gợi tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong hội viên, đồng thời tạo thêm nguồn lực để chị em vươn lên cải thiện đời sống, góp phần thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
Cách đây 04 năm, gia đình bà Nguyễn Thị Hà, hội viên Chi hội Phụ nữ Khóm 3, thị trấn Càng Long là hộ nghèo, không đất sản xuất, hàng ngày bà Hà đi mò ốc bán kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình. Sau đó, nhờ sự động viên, chia sẻ của chị em hội viên mỗi khi tham gia họp tổ, nhóm, sinh hoạt câu lạc bộ, bà Hà mạnh dạn tham gia mô hình tổ phụ nữ tiết kiệm tín dụng. Theo đó, hàng tháng, bà Hà góp 100.000 đồng và bốc thăm mượn được số vốn 6,4 triệu đồng để chăn nuôi và sửa lại mái hiên nhà đã xuống cấp. Cùng với đó, Hội LHPN thị trấn bình xét cho gia đình bà vay vốn 30 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Càng Long, bà chăn nuôi gà, vịt. Dần dần, cuộc sống gia đình bà đỡ chật vật hơn, đến năm 2019, bà vươn lên thoát khỏi hộ nghèo.
Bà Hà nhớ lại: đầu tiên khi nhận được vốn từ tổ tiết kiệm, tôi xúc động lắm, biết là mình sẽ góp trả dần trong vòng 01 năm nhưng được sự động viên, chia sẻ cách sử dụng nguồn vốn hiệu quả, tôi cũng làm theo là sửa lại mái hiên mới và mua được cái tủ lạnh. Hiện nay, tôi tiếp tục tham gia tổ phụ nữ tiết kiệm tín dụng để mua sắm vận dụng gia đình, dụng cụ góc bếp sáng, sạch. Hàng ngày, tôi còn nhận hạt điều về tách vỏ để có thêm thu nhập.
Vốn là cán bộ Hội gương mẫu, điển hình trong phong trào phụ nữ vươn lên thoát nghèo bền vững cùng với lòng nhiệt tình, tận tâm, trách nhiệm với công tác Hội, bà Võ Thị Bé Tư, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ Khóm 3 đã tiên phong khởi xướng mô hình tổ phụ nữ tiết kiệm tín dụng. Bà Bé Tư chia sẻ: Năm 2019, tôi nhận thấy trong tổ còn nhiều chị em nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn, ngoài được vay vốn ngân hàng, chị em tham gia góp vốn xoay vòng để có thêm nguồn vốn phát triển kinh tế, chăn nuôi, mua bán nhỏ. Lúc đó, mô hình góp vốn xoay vòng được 04 tổ, 113 thành viên, các chị em bốc thăm nhận vốn hàng tháng. Tuy nhiên, một số chị chưa mặn mà với mô hình vì kéo dài thời gian và số vốn nhận về chưa đủ để chăn nuôi hay mua bán, một vài chị còn e ngại, chưa tin tưởng tham gia góp vốn. Do đó, tôi đề xuất Hội LHPN thị trấn thành lập mô hình tổ phụ nữ tiết kiệm tín dụng để tập hợp chị em tham gia và mượn vốn gây dựng kinh tế, cải thiện cuộc sống. Đề xuất của tôi được Hội LHPN thị trấn đồng ý và bắt đầu triển khai thực hiện trong khóm.
Lúc đầu thực hiện, bà Bé Tư vận động thành lập được 04 tổ phụ nữ tiết kiệm tín dụng, mỗi tổ từ 10-15 thành viên, mỗi thành viên đóng góp từ 100.000-500.000 đồng, tùy vào khả năng mỗi người. Sau đó, các chị em sẽ bốc thăm mượn lại vốn và sẽ đóng góp hàng tháng, sao cho cuối năm sẽ hoàn trả lại đúng số tiền mà chị em đã mượn. Trung bình, mỗi chị mượn từ 3,7 triệu đồng đến 10,5 triệu đồng, tùy vào sự đóng góp hàng tháng và hình thức sử dụng nguồn vốn hiệu quả. Nhờ vậy, qua 05 năm, mô hình góp phần giảm 05 hộ nghèo trong khóm, 08 hộ vươn lên khá. Hiện nay, mô hình duy trì ở 06 tổ với 165 thành viên, các chị gửi tiết kiệm với số tiền trên 300 triệu đồng, cho 87 lượt chị em mượn vốn. Các chị sử dụng nguồn vốn để mua bảo hiểm y tế; mua bán nhỏ; mua dụng cụ góc bếp sáng, sạch…
Bà Nguyễn Thị Như Thúy cho biết thêm: ngoài thực hiện hiệu quả mô hình tổ phụ nữ tiết kiệm tín dụng ở các khóm, 05 năm qua, các cấp Hội đã vận động xây dựng 12 căn nhà mái ấm tình thương, vận động trao 450 phần quà cho trẻ em, phụ nữ nghèo, giúp 168 lượt phụ nữ nghèo, nhận đỡ đầu 20 hội viên nghèo, tạo điều kiện cho 627 lượt hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Trong nhiệm kỳ, có 70 hộ thoát cận nghèo. Ngoài ra, Hội LHPN thị trấn tuyên truyền, vận động hội viên hưởng ứng phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.
Với sự lan tỏa từ các mô hình tổ, nhóm phụ nữ tiết kiệm cùng với sự đồng hành của các cấp Hội phụ nữ không chỉ tạo niềm tin, thu hút chị em tham gia tổ chức Hội mà còn góp phần cùng Đảng bộ và Nhân dân thị trấn Càng Long quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết đại hội Đảng các cấp đã đề ra.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN
Chiều ngày 19/11, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023 - 2027” (Dự án) tổ chức hội thảo báo cáo kết quả khảo sát và đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP có chủ thể là nữ.