09/04/2021 08:22
Nhờ đồng vốn tổ tiết kiệm tín dụng và vay vốn, bà Thạch Thị Kha có điều kiện phát triển chăn nuôi.
Căn Nom là ấp có đông đồng bào Khmer, phụ nữ chung của ấp 1.479 chị. Ấp có 728 hộ, với 3.077 nhân khẩu, hiện ấp còn 63 hộ nghèo. Nhiệm kỳ qua, ấp được Hội LHPN xã chọn làm điểm chỉ đạo và nhân rộng mô hình phụ nữ tiết kiệm tín dụng, tạo cơ hội giúp phụ nữ từng bước thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.
Theo bà Thạch Thị Huynh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Căn Nom, thời gian đầu triển khai thực hiện mô hình tổ tiết kiệm tín dụng và vay vốn, nhiều chị đồng tình hưởng ứng, nhưng cũng có chị băn khoăn, do dự vì việc tích lũy phải có thời gian và cần sự kiên trì. Trong khi đó, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất lúa nên đời sống của phụ nữ trong ấp còn khó khăn. Tranh thủ sự hỗ trợ của trên, Chi hội tích cực tuyên truyền, vận động chị em tham gia thành lập 01 tổ tiết kiệm tín dụng và vay vốn với 25 thành viên tham gia gửi 100.000 đồng/tháng/ hội viên vào ngày sinh hoạt định kỳ của tổ.
Từ mô hình này, đã giúp không ít chị em có điều kiện đầu tư vào sản xuất, cải thiện kinh tế gia đình và thu hút đông đảo chị em tham gia. Đến nay, ấp duy trì và phát triển 05 tổ với 119 thành viên tham gia gửi 775 triệu đồng, giúp 320 lượt chị mượn đầu tư vào sản xuất, bình quân mỗi chị được hỗ trợ mượn từ 03 - 04 triệu đồng, thời hạn 06 tháng hoàn vốn. Tuy số vốn không nhiều, nhưng kịp thời giải quyết nhu cầu trước mắt cho chị em, giúp hạn chế chi phí đầu tư mua phân bón khi đến vụ sản xuất lúa, góp phần giúp chị em nâng cao ý thức tiết kiệm, chi tiêu hợp lý và tạo niềm tin để Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ sản xuất. Hiện Chi hội quản lý 05 tổ vay vốn với số tiền trên 08 tỷ đồng, 100% chị em sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả cao trong sản xuất, góp phần giảm 14 hộ nghèo, 25 hộ vươn lên khá.
Điển hình chị Thạch Thị Kha, ấp Căn Nom là một trong những phụ nữ vươn lên khá nhờ tham gia mô hình này. Chị Kha cho biết: nhờ vốn tiết kiệm tín dụng và vay vốn, gia đình tôi có điều kiện đầu tư vào sản xuất nông nghiệp kết hợp với nuôi bò sinh sản cho thu nhập cao. Với 01ha đất sản xuất lúa 03 vụ/năm, khoảng 05 năm trước, thông qua các tổ chức Hội phụ nữ các cấp, chị được tiếp cận vốn vay từ tổ tiết kiệm tín dụng và vay vốn 24 triệu đồng đầu tư vào sản xuất lúa và nuôi bò sinh sản, lợi nhuận trên 60 triệu đồng/năm.
Theo chị Kha, 05 năm đầu tư nuôi bò từ 01 con nay đã phát triển lên 08 con, vừa qua chị đã bán 03 con, 05 con bò còn lại đang phát triển tốt thì đã có 04 con bò đang có chửa. Nhờ đồng vốn tiết kiệm tín dụng và vay vốn, không riêng gia đình chị Kha vươn lên trở thành hộ khá, mà còn nhiều gia đình phụ nữ trong ấp đạt hiệu quả kinh tế cao, như Thạch Thị Út, Tô Thị Sa Thia, Kiên Thị Quý, Thạch Thị Hoa,…
Bà Thạch Thị Lệ Thu, Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Thọ cho biết: mô hình tiết kiệm tín dụng và vay vốn không chỉ tạo cho chị em có ý thức, thói quen tiết kiệm, còn biết lập kế hoạch chi tiêu trong gia đình. Không chỉ vậy, các thành viên trong tổ đã phát huy tình đoàn kết gắn bó, sẵn sàng tương trợ giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ, đem lại quyền, lợi ích chính đáng cho phụ nữ, khích lệ chị em tích cực tham gia lao động sản xuất, góp phần giảm nghèo bền vững. 05 năm qua, Hội huy động vốn mới 7,789 tỷ đồng giúp 207 hội viên phụ nữ được tiếp cận vốn, vận động 663 chị tham gia gửi tiết kiệm vào Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền trên 612,197 triệu đồng.
Ngoài ra, Hội quản lý nguồn vốn của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, trên 21,735 tỷ đồng giúp 812 hộ vay để phát triển sản xuất, qua đó góp phần giúp 128 hộ nghèo, cận nghèo do phụ nữ làm chủ hộ đã thoát nghèo. Đồng thời, Hội vận động kết nạp mới 650 hội viên, nâng tổng số đến nay 1.671 hội viên.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Chiều ngày 19/11, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023 - 2027” (Dự án) tổ chức hội thảo báo cáo kết quả khảo sát và đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP có chủ thể là nữ.