Nông dân huyện Tiểu Cần tham quan mô hình sản xuất lúa chất lượng cao.
Những năm qua, Hội Nông dân huyện Tiểu Cần đã phối hợp với các ngành chuyên môn của tỉnh, huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, xây dựng những điểm trình diễn về giống lúa mới, cây trồng, vật nuôi; tổ chức nhiều cuộc hội thảo về chương trình sản xuất lúa, chăn nuôi bò sinh sản, nuôi heo trên đệm lót sinh học, nuôi gà thả vườn, trồng bưởi da xanh… qua đó, vận động hội viên, nông dân xây dựng được nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thông tin từ Hội Nông dân huyện Tiểu Cần, từ năm 2015 đến nay Hội đã phối hợp tổ chức 1.492 cuộc tập huấn, có 64.156 lượt hội viên, nông dân dự. Hội còn phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện tổ chức 18 lớp dạy nghề, có 936 lao động tham gia. Qua các lớp tập huấn, hội thảo và các lớp dạy nghề đã giúp cho hội viên, nông dân có thêm kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt để áp dụng vào mô hình phát triển kinh tế của gia đình đạt hiệu quả cao hơn.
Trong 05 năm qua, Hội đã vận động được 35.959 lượt hộ nông dân sản xuất giỏi các cấp trên địa bàn đăng ký thực hiện các mô hình sản xuất lúa theo hướng chọn giống tốt, giống kháng sâu bệnh, chất lượng cao. Từ đó, đã góp phần tăng năng suất lúa bình quân của huyện đạt từ 7,5 - 08 tấn/ha. Một số hộ đạt hiệu quả trong mô hình này có thể kế đến như hộ ông Lâm Văn Trúng, ấp Lò Ngò; ông Tăng Xiếu, ấp Ô Đùng, xã Hiếu Tử; ông Thạch Đa Ra, ấp Sóc Dừa, xã Tân Hòa; mô hình tổ hợp tác sản xuất lúa chất lượng cao ở ấp Nhứt, xã Tân Hùng, cùng nhiều hộ nông dân và các tổ hợp tác khác trên địa bàn huyện. Các mô hình này, nông dân có lợi nhuận từ 60 - 70 triệu đồng/ha/năm.
Bên cạnh cây lúa, những năm qua Hội Nông dân huyện còn chú trọng vận động hội viên, nông dân chuyển đổi một số diện tích đất kém hiệu quả để thực hiện các mô hình trồng màu và cây công nghiệp ngắn ngày, góp phần tăng thu nhập trên cùng diện tích đất canh tác.
Điển hình như mô hình trồng thanh long ruột đỏ của hội viên, nông dân ở ấp Trinh Phụ, xã Long Thới; Khóm IV, thị trấn Cầu Quan và ấp Tân Trung Giồng A, xã Hiếu Trung; các mô hình tổ hợp tác trồng màu dưới chân ruộng ở xã Ngãi Hùng, Tập Ngãi, trồng rau sạch kết hợp nuôi gà thả vườn ở ấp Tân Đại, xã Hiếu Tử, thực hiện các mô hình này có mức thu nhập bình quân từ 50 triệu đồng trở lên.
Những năm qua, từ các nguồn vốn vay, hội viên, nông dân các xã, thị trấn đã cải tạo diện tích vườn cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao, với diện tích hơn 850ha. Điển hình như mô hình trồng bưởi da xanh trên diện tích 0,7ha kết hợp nuôi gà thả vườn của ông Thạch Ngọc Em, Khóm IV, thị trấn Cầu Quan, bình quân mỗi vụ sau khi trừ chi phí ông còn lãi khoảng 150 triệu đồng.
Hay như mô hình trồng bưởi da xanh với diện tích 0,6ha của hộ ông Thạch Kọne ấp Tân Trung Giồng A, xã Hiếu Trung, bình quân mỗi vụ còn lãi trên 100 triệu đồng. Hội Nông dân huyện kết hợp các ngành chuyên môn thông qua các dự án để đầu tư cho hội viên nông dân thực hiện các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, như mô hình nuôi gà thả vườn, nuôi heo sinh sản, heo thịt ở xã Hùng Hòa, nuôi heo trên đệm lót sinh học, nuôi heo thịt ở ấp Nhứt, xã Tân Hùng và ấp Cầu Tre, xã Long Thới.
Để xây dựng thành công các mô hình, Hội đã kết hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiểu Cần, các công ty giống cây trồng, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đầu tư vốn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, triển khai các mô hình VAC, VACR khép kín để khai thác tối đa lợi thế từ các mô hình phát triển chăn nuôi, trồng trọt, từ đó mang lại hiệu quả cao hơn so với sản xuất thuần một chủng loại cây, con.
Trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện Tiểu Cần tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn và các ngành chuyên môn củng cố, nhân rộng những mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao và đầu tư xây dựng một số mô hình sản xuất mới gắn với tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho hội viên, nông dân. Vận động hội viên, nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể với các loại hình tổ hợp tác, hợp tác xã… Đồng thời, tranh thủ các nguồn vốn, nhất là vốn từ các dự án, vốn tự có, vốn quỹ hỗ trợ nông dân 03 cấp giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập kinh tế gia đình.
Bài, ảnh: KHẮC PHÚ