31/05/2023 11:15
Cửa hàng nông sản an toàn thực phẩm góp phần tiêu thụ và quảng bá nông sản sạch của nông dân TPTV.
Tạo điều kiện cho hội viên, nông dân phát triển, làm giàu chính đáng
TPTV hiện có 3.070 hội viên nông dân; trừ Phường 2 và Phường 3 không có tổ chức Hội, vì hầu hết cư dân trên địa bàn sống bằng nghề kinh doanh, mua bán; còn lại, 08 phường, xã đều có tổ chức Hội Nông dân.
05 năm qua, Hội Nông dân TPTV rất quan tâm chỉ đạo, củng cố, đổi mới và nâng chất lượng các phong trào nông dân, nhất là việc xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và làm giàu chính đáng.
Cụ thể, Hội Nông dân TPTV đã đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, đào tạo nghề... giúp nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ năm 2018 đến nay, đã phối hợp mở 38 lớp dạy nghề ngắn hạn cho gần 1.000 lao động nông thôn trên địa bàn thành phố, giải quyết việc làm cho 902 lao động, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, công nghệ… phục vụ sản xuất nông nghiệp và việc làm; tích cực hỗ trợ vốn sản xuất, kinh doanh thông qua nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân; ký kết với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện ủy thác cho vay đối với hộ nghèo; phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật; tập huấn về trồng rau an toàn; quản lý dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; an toàn vệ sinh thực phẩm... với 234 lớp, gần 7.500 lượt hội viên nông dân tham dự.
Hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ theo chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn chất lượng OCOP, Hội Nông dân TPTV được đầu tư thực hiện 04 mô hình: ghép hoa giấy nhiều màu; trồng nho xanh, nho đỏ gắn với khu du lịch tại khu du lịch Huỳnh Kha; trồng thanh long áp dụng biện pháp tưới nước nhỏ giọt; nuôi cá bống tượng. Hỗ trợ hội viên, nông dân quảng bá và tiêu thụ sản phẩm thông qua các cửa hàng nông sản an toàn, đăng ký sản phẩm nông nghiệp lên sàn giao dịch điện tử của Bưu điện tỉnh (đã có 05 hộ dăng ký với 12 sản phẩm)…
Tạo điều kiện cho hội viên, nông dân phát triển còn phải kể đến hoạt động cung ứng vật tư, thiết bị nông nghiệp; tổ chức các hoạt động dịch vụ hỗ trợ phát triển sản xuất, phục vụ nâng cao đời sống cho hội viên nông dân.
Trong nhiệm kỳ, các cấp Hội Nông dân TPTV đã chủ động phối hợp hỗ trợ cho nông dân địa phương các mô hình: Nuôi ếch, nuôi lươn (15 hộ với 10.000 con giống); Trồng nấm bào ngư xám (02 hộ, 4.000 bịt meo); Nuôi ốc bươu đen thương phẩm (90.000 con giống); Nuôi cá chạch lấu (10.000 con giống); Trồng táo hồng trong nhà lưới (01 hộ, diện tích 2.000m2), Nhà nước hỗ trợ 50%, nông dân đối ứng 50%. Hỗ trợ kỹ thuật mô hình trồng thanh long áp dụng tưới nhỏ giọt tự động (diện tích 0,4ha), kinh phí trên 50 triệu đồng; Trồng táo hồng áp dụng công nghệ cao do Trung tâm Khuyến nông đầu tư 120 triệu đồng, hộ dân đối ứng 50% (tương đương 120 triệu đồng); Trồng chanh dây (cung ứng vật tư cho 02 hội viên nông dân ấp Kinh Lớn, Vĩnh Hưng với diện tích 0,2ha)… |
Góp phần phát triển kinh tế - xã hội và XDNTM
Từ các phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; vận động, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể... TPTV đã thu hút được đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia. Qua đó, đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn vùng ven thành phố, tạo thêm công ăn việc làm và cải thiện đời sống cho hội viên, nông dân, góp phần XDNTM, đô thị văn minh.
Các cấp Hội Nông dân TPTV đã phối hợp tuyên truyền vận động hội viên, nông dân tham gia vào các thành phần kinh tế, tập trung vào các tổ kinh tế hợp tác sản xuất nhằm giúp đỡ, hướng dẫn, trợ giúp xã viên, thành viên về vốn, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ; cung cấp các dịch vụ đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh. Qua công tác vận động, tuyên truyền, Hội Nông dân các phường xã đã đăng ký 22 mô hình kinh tế tập thể, trong đó có 18 mô hình đạt hiệu quả, đang tiếp tục nhân rộng.
Điển hình như mô hình nuôi dê sinh sản và thương phẩm; sản xuất rượu khổ qua; trồng hoa kiểng giống mới (lai F1); nuôi lươn; nuôi ếch; trồng sen kết hợp trồng màu; nuôi bò sinh sản... Cùng với đó, xây dựng và phát triển các loại hình kinh tế tập thể phù hợp với từng địa bàn, từng ngành nghề; đã thành lập mới 08 hợp tác xã, 198 xã viên, nâng tổng số đến nay, có 11 hợp tác xã, 279 tổ viên; phát triển mới 07 tổ hợp tác (theo Nghị định số 77/2019/NĐ-CP, ngày 10/10/2019 của Chính phủ về “tổ hợp tác”), có 131 tổ viên, nâng tổng số đến nay, TPTV có 44 tổ hợp tác theo Nghị định số 77 với 674 tổ viên.
Tuyên truyền sâu rộng về Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, đô thị văn minh và hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay XDNTM”, các cấp Hội Nông dân TPTV tham gia thực hiện 05 tiêu chí, hầu hết hội viên, nông dân đều tích cực tham gia. Củng cố nâng chất lượng hoạt động 07 câu lạc bộ “Nông dân tham gia bảo vệ môi trường”, tuyên truyền vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường nông thôn, sử dụng nước sạch, vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, vận động thực hiện kế hoạch hóa gia đình, bảo đảm an toàn vệ sinh trong lao động; chuyển dịch cơ cấu sản xuất; ứng dụng, tiếp cận và thụ hưởng các chính sách phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện môi trường sinh thái…
Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Đức, TPTV, đồng chí Trần Thanh Khoa phấn khởi: góp phần cùng Ban chỉ đạo xã xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu, Hội Nông dân xã đăng ký đảm nhận thực hiện nâng chất lượng 05/19 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao và phụ trách 01 tiêu chí về sản xuất đối với xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo đó, Hội chỉ đạo các chi hội phân công hội viên thực hiện, tự chỉnh trang nhà ở của mình, đồng thời nhận giúp đỡ từ 01 - 03 hộ dân lân cận xây dựng đạt chuẩn hộ văn hóa, nông thôn mới. Phát động 100% hội viên đăng ký thực hiện 05 tiêu chí do Hội đảm nhận. Kết quả đến cuối năm 2022 có 1.110/1.110 hội viên nông dân đạt chuẩn hộ gia đình văn hóa, nông thôn mới, đạt 100%. Nông thôn của xã từng bước phát triển đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày một nâng cao. Việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất của người dân địa phương nói chung, hội viên nông dân nói riêng từng bước được hiện đại hóa, như mô hình: trồng hoa lan sử dụng hệ thống tưới tự động; trồng thanh long ứng dụng công nghệ cao áp dụng phân vi sinh tưới nhỏ giọt (điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh); việc tiếp cận được thông tin về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thủ tục hành chính... đều được thực hiện thông qua các ứng dụng mạng xã hội trên điện thoại thông minh…
TPTV hiện chỉ còn 01 hộ nghèo, 23 hộ cận nghèo. Đồng chí Mai Văn Bảnh cho biết thêm: thông qua các phong trào thi đua, các cuộc vận động, các cấp Hội Nông dân TPTV còn đã góp phần giúp cho hội viên, nông dân vững tin trong cuộc sống, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tin tưởng vào các chủ trương đổi mới của Đảng và Nhà nước, sự quản lý điều hành của chính quyền địa phương, yên tâm lao động, sản xuất, giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.
Bài, ảnh: HÀ THANH
Chiều ngày 19/11, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023 - 2027” (Dự án) tổ chức hội thảo báo cáo kết quả khảo sát và đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP có chủ thể là nữ.