15/03/2023 07:45
Toàn xã có 2.443 hội viên nông dân, trong đó hội viên dân tộc Khmer chiếm trên 70%. Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, thực hiện mô hình giúp nhau trong hội viên xóa nhà tre lá để hoàn thành tiêu chí XDNTM, Hội Nông dân xã Châu Điền, huyện Cầu Kè đã triển khai phong trào xây dựng vốn giúp nhau xoay vòng trong hội viên để góp phần chia sẻ những khó khăn cho các hộ đang thiếu nguồn vốn để xây dựng nhà… Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ XDNTM vào năm 2018 và xã Châu Điền xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2022.
Vợ chồng hội viên Nguyễn Thanh Phong (trái) bên căn nhà mới được xây dựng từ tích lũy qua các nguồn vốn tiết kiệm, vốn hỗ trợ của ngân hàng và Hội Nông dân.
Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Tô Hoàng Anh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Điền cho biết: mô hình góp vốn xoay vòng để sửa chữa nhà hoặc phát triển kinh tế cho hội viên đã khơi dậy được tinh thần tự lực, đoàn kết giúp nhau trong tổ chức Hội để cùng vươn lên. Mô hình xuất phát từ thực tế trong thời gian trước đây, địa phương tiến tới XDNTM, trong đó còn một số hội viên gặp khó khăn về nhà ở cũng như thiếu vốn trong quá trình phát triển kinh tế hộ, Hội đã tuyên truyền và vận động hội viên nông dân tham gia…
Đến nay đã xây dựng được 01 tổ có 20 thành viên ở ấp Trà Bôn, với chu kỳ 03 tháng/lần nhận vốn; mỗi thành viên sẽ đóng góp 02 triệu đồng/lần nhận vốn. Các thành viên sẽ thực hiện bốc thăm hoặc xem xét đối với những thành viên có nhu cầu cấp bách về nguồn vốn sẽ được ưu tiên nhận vốn. Qua đó, đã có 09 hộ xây mới mới nhà và 15 hộ tích lũy để mua thêm bò về nuôi. Điển hình như hộ hội viên Sơn Đường, Thạch Mịch, Sơn Thị Truyền, Thạch Phụng, Lý Tuấn Anh, Nguyễn Thanh Phong... đã xây dựng được nhà khang trang, trị giá từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng.
Hội viên Nguyễn Thanh Phong, ấp Trà Bôn, xã Châu Điền phấn khởi cho biết: thông qua nguồn vốn giúp nhau xoay vòng, gia đình vừa nhận được 40 triệu đồng cộng thêm vào đó là số vốn được Nhà nước hỗ trợ cất nhà tình thương (40 triệu đồng) và tiền tích lũy từ vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân nuôi bò (giải ngân tháng 7/2021)… gia đình đã xây dựng được 01 căn nhà khang trang, trị giá gần 300 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã Châu Điền còn tận dụng các nguồn vốn vay ủy thác từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cầu Kè; vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân; vốn khởi nghiệp để “tiếp sức” cho hội viên có nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế hộ, vươn lên cuộc sống. Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đầu tư 350 triệu đồng cho 14 hội viên vay nuôi bò sinh sản (ấp Trà Bôn) và 220 triệu đồng cho 07 hội viên vay trồng màu (ấp Ô Tưng A). Vay vốn ủy thác có 696 hội viên, với số tiền 17,5 tỷ đồng để phát triển sản xuất, cất nhà, làm hố xí…
Hội viên Lý Sô Phia, ở ấp Ô Tưng A, xã Châu Điền phấn khởi cho biết: gia đình có 0,3ha đất trồng lúa, được Hội Nông dân xã hỗ trợ cho vay nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân được 25 triệu đồng để trồng màu. Qua đó, mỗi năm gia đình sản xuất từ 03 - 04 vụ, thu vào từ 130 - 150 triệu đồng/vụ/năm/ha, đã giúp gia đình cải thiện cuộc sống và có thu nhập khấm khá hơn trước rất nhiều.
Cũng theo đồng chí Tô Hoàng Anh, với hiệu quả của mô hình trồng màu ở ấp Ô Tưng A (hiện có 07 thành viên/2,8ha) sẽ tiếp tục phát triển nhân rộng sang ấp Châu Hưng. Trong năm 2023, Hội kiến nghị với Hội Nông dân tỉnh xin tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn khởi nghiệp để đầu tư cho 10 hộ/500 triệu đồng thực hiện trồng màu trên đất lúa. Về hiệu quả của mô hình nuôi bò sinh sản được Hội Nông dân tỉnh triển khai vào tháng 7/2020 ở ấp Trà Bôn đầu tư cho 17 hộ/17 con bò, đến cuối tháng 02/2023, dự án đã có thêm 51 con bê và bình quân mỗi hộ có thu nhập khoảng 40 - 50 triệu đồng/chu kỳ vay vốn (03 năm) từ con bò sinh sản ban đầu.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Chiều ngày 19/11, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023 - 2027” (Dự án) tổ chức hội thảo báo cáo kết quả khảo sát và đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP có chủ thể là nữ.