23/02/2023 07:52
Ông Nguyễn Văn Danh (phải) giới thiệu sản phẩm chanh không hạt với cán bộ Hội Nông dân xã Huyền Hội.
Đến thăm vườn chanh không hạt 4.000m² của gia đình ông Danh, ấp Sóc, xã Huyền Hội, vườn chanh xanh tốt, trĩu quả. Theo ông Danh, chanh không hạt trồng trong điều kiện bình thường, chăm sóc tốt sau 18 tháng có thể cho trái, từ 02 - 03 tuần là thu hoạch một lần. Mỗi đợt thu hoạch từ 500 - 700kg, với giá bán khoảng 20.000 đồng/kg, ông Danh thu nhập mỗi tháng trên 10 triệu đồng.
Kể về quá trình chuyển đổi từ trồng dừa sang trồng chanh không hạt, ông Danh cho biết: “một lần được tham quan mô hình trồng chanh ở tỉnh Long An, thấy được hiệu quả kinh tế cây chanh mang lại và các biện pháp chăm sóc cũng không quá phức tạp, tôi quyết định chuyển đổi từ trồng dừa sang trồng chanh. Ban đầu khi tôi quyết định trồng chanh không hạt có nhiều ý kiến phản đối từ gia đình, người thân nhưng tôi vẫn quyết tâm chuyển đổi. Sau hơn 03 năm, vườn chanh phát triển tốt và cho thu nhập khá, tôi có thể xoay sở được kinh tế gia đình và nuôi các con ăn học”.
Theo ông Danh, để vườn chanh phát triển tốt, ngoài cung cấp đủ nước, phòng trừ sâu bệnh cần phải thường xuyên cắt tỉa tạo tán cho cây. Điều quan trọng nhất vẫn là siêng năng chăm sóc cho cây phát triển tốt sẽ cho chất lượng quả tốt. Lợi thế của cây chanh không hạt là kỹ thuật chăm sóc đơn giản, cây phát triển được trên hầu hết các loại đất lại cho thu nhập thường xuyên, giá cả ổn định. Thấy được hiệu quả từ cây chanh không hạt, ông Danh mạnh dạn chuyển đổi thêm 1,1ha đất trồng lúa của gia đình sang đầu tư trồng chanh không hạt. Hiện nay, vườn chanh 1,1h của ông Danh trồng được gần 03 tháng và đang phát triển tốt. Tận dụng những khoảng đất trống xung quanh, ông Danh trồng các loại rau màu để lấy ngắn nuôi dài, tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Mỗi đợt thu hoạch trái vườn chanh của ông Danh cũng giải quyết việc làm từ 05-07 lao động tại địa phương. Ngoài ra, ông Danh còn tận dụng diện tích đất trong vườn trồng xen cỏ nuôi bò sinh sản. Với 04 con bò sinh sản giúp gia đình ông Danh có thêm thu nhập.
Ông Nguyễn Văn Hoàng Nam, ấp Bình Hội, xã Huyền Hội, một nông dân dám nghĩ dám làm. Từ 2.000m² đất, ông Nam mạnh dạn chuyển đổi sản xuất và đã thu được “trái ngọt”. Với 2.000m² đất trồng lúa thu nhập không đủ trang trải cuộc sống gia đình, ông Nam chăm chỉ làm thuê, dần tiết kiệm xây chuồng trại nuôi heo sinh sản, heo thịt phát triển kinh tế gia đình.
Ông Nguyễn Văn Hoàng Nam, chăm sóc rau màu của gia đình.
Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, với tính cần cù, chịu khó, sau nhiều năm lao động, trồng trọt, chăn nuôi kinh tế gia đình dần phát triển. Đàn heo của gia đình ông Nam giờ có trên trăm con, cho thu nhập ổn định. Nhờ tiết kiệm trong chi tiêu, giờ đây kinh tế gia đình ông Nam đã ổn định, xây được nhà cơ bản, các con đều được học hành. Với niềm đam mê trồng trọt, chăn nuôi, ông Nam đã tích lũy được thêm đất để trồng các loại rau màu. Hiện, gia đình ông Nam tích lũy được trên 02ha đất sản xuất.
Ông Nam chia sẻ, “để trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, cần phải có niềm đam mê, cần cù, chịu khó. Quan trọng là phải hiểu về các loại giống cây trồng, các giai đoạn phát triển của cây để có biện pháp chăm sóc tốt. Điều quan trọng là phải chọn thời điểm canh tác để cây màu khi thu hoạch bán được giá cao”.
Đồng chí Phạm Văn Sử, Chủ tịch Hội Nông dân xã Huyền Hội cho biết: thời gian qua, mặc dù các điều kiện khó khăn như thời tiết, dịch bệnh, giá vật tư nông nghiệp tăng cao gây ảnh hưởng đến đời sống người dân nói chung và đến sản xuất nông nghiệp nói riêng nhưng ở xã Huyền Hội nhiều nông dân đã có những cách làm hay để duy trì và sản xuất đạt hiệu quả. Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững trên địa bàn xã phát triển mạnh, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hội viên sản xuất, kinh doanh hiệu quả, góp phần ổn định kinh tế gia đình, góp phần cùng địa phương phát triển.
Nhiệm kỳ 2018 - 2023, Hội Nông dân xã Huyền Hội vận động hội viên chuyển đổi, cải tạo vườn tạp, đất lúa sang trồng cây ăn trái phát triển mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Diện tích trồng cây ăn trái của xã 195ha, diện tích trồng dừa 697ha, cây màu 1.757ha. Hiện nay, tổng đàn bò trên địa bàn xã 6.905 con, đàn heo 18.760 con, đàn gia cầm 249.612 con. Bên cạnh, Hội Nông dân xã phối hợp với các ngành tổ chức 1.375 cuộc tuyên truyền, có 49.697 lượt cán bộ, hội viên nông dân về các chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các kỹ thuật, biện pháp trồng trọt, chăn nuôi. Trong nhiệm kỳ, thành lập mới 05 tổ kinh tế hợp tác trên cơ sở tổ hội nghề nghiệp, với 63 thành viên tham gia, nâng tổng số 07 tổ kinh tế hợp tác, 99 tổ hội nghề nghiệp, với 1.606 hội viên; 04 tổ hội nghề nghiệp kiểu mẫu, có 42 hội viên. Hoạt động ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, sử dụng giống mới, giống lúa chất lượng cao tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất lúa, năng suất lúa bình quân 6,55 tấn/ha. Hội Nông dân đã phát động phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi được 330 cuộc, có 11.215 lượt người dự, có 7.108 lượt hộ đăng ký danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; qua bình xét, có 4.009 lượt hộ đạt gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
|
Bài, ảnh: THANH NHÃ
Chiều ngày 19/11, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023 - 2027” (Dự án) tổ chức hội thảo báo cáo kết quả khảo sát và đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP có chủ thể là nữ.