13/03/2023 13:02
Hội viên nông dân Lâm Văn Lia (trái) bên trà lúa được doanh nghiệp liên kết bao tiêu, dự kiến mang lại lợi nhuận trên 35 triệu đồng/ha.
Trong 02 năm 2022 và 2023, Hội Nông dân xã Phong Thạnh đã vận động hội viên và nông dân cùng với Hợp tác xã nông nghiệp Phong Thạnh thực hiện chuỗi sản xuất lúa theo hướng an toàn với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời. Trong đó, phía Công ty bao tiêu sản phẩm (lúa) với người sản xuất (vụ lúa đông - xuân 2022 - 2023, giá 6.900 đồng/kg và cộng thêm 200 đồng/kg nếu lúa đạt tiêu chuẩn về không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật). Vụ lúa đông - xuân năm 2022 - 2023, diện tích được doanh nghiệp bao tiêu 175ha tại các ấp Cả Chương, Cây Gòn và Ấp III.
Ông Lâm Văn Lia, hội viên Chi hội Nông dân ấp Cả Chương chia sẻ: nông dân tham gia vào kinh tế tập thể mà cụ thể là từ các tổ hợp tác và phát triển nâng lên hợp tác xã sẽ giúp cho nông dân có lợi ích trong sản xuất. Điển hình là sản xuất lúa, trung bình lúa trong mô hình có năng suất 08 tấn/ha, thì lợi nhuận mang lại khoảng 18 triệu đồng/ha.
Bên cạnh đó, nông dân tham gia vào mô hình liên kết của hợp tác xã còn tăng thêm lợi nhuận khoảng 12,5 triệu đồng/ha (giá lúa mua cao hơn 300 đồng/kg; tiết kiệm từ 09-10 triệu đồng/ha nhờ cán bộ kỹ thuật của công ty giám sát đồng ruộng hỗ trợ cùng nông dân thực hiện sản xuất hữu cơ theo hướng giảm chi phí thuốc, phân bón và ít sâu bệnh…). Riêng gia đình có hơn 3,5ha sản xuất lúa, mỗi vụ cho lợi nhuận tăng thêm gần 50 triệu đồng.
Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, Hội Nông dân xã Phong Thạnh đã Thành lập 01 Chi hội Nông dân nghề nghiệp trồng rau nhút tại Ấp I có 48 thành viên tham gia, diện tích 21,8ha; 44 Tổ hội nghề nghiệp với 1.064 hội viên (24 Tổ hội nghề nghiệp kiểu mẫu có 514 thành viên) tham gia sinh hoạt cùng ngành nghề, cùng sở thích ở lĩnh vực sản xuất lúa, chăn nuôi, vườn cây ăn trái… Thành lập 01 hợp tác xã, với 316 thành viên, diện tích sản xuất 379,2ha.
Đồng chí Nguyễn Văn Nhớ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Thạnh chia sẻ: Hội được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo từ cấp ủy Đảng và sự đồng hành của các ngành trong triển khai thực hiện nhiệm vụ và công tác Hội. Trong nhiệm kỳ đã phát triển 1.487 hội viên, nâng tổng số đến nay có 2.009 hội viên. Trong sản xuất, Hội luôn đồng hành với nông dân như hỗ trợ nguồn vốn sản xuất, tập huấn kỹ thuật, nhân rộng và phổ biến các mô hình sản xuất mới… nhìn chung, hội viên và nông dân rất phấn khởi với những kết quả đạt được của Hội trong nhiệm kỳ qua. Qua đó, có nhiều mô hình kinh tế nổi bậc như: trồng rau nhút dưới chân ruộng ở Ấp I, nuôi lươn, trồng thơm ở Ấp II và ấp Cây Gòn, lúa cấy ấp Cả Chương, nuôi ếch ở ấp Cây Gòn…
Đồng chí Trương Thanh Đệ cho biết thêm, thời gian tới, Đảng ủy xã sẽ tập trung định hướng, chỉ đạo Hội Nông dân tiếp tục phát huy vai trò kinh tế tập thể trong vận động, tuyên truyền hội viên, nông dân thực hiện tốt và có hiệu quả về mô hình liên kết trong sản xuất lúa. Đối với các diện tích đất triền giồng, giồng tạp, lúa kém hiệu quả sẽ nhân rộng các mô hình sản xuất kết hợp với du lịch dã ngoại thông qua Công ty Eco Viet Nam Group (mô hình trồng thơm); đồng thời, tận dụng các nguồn vốn XDNTM để tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông vào các vùng sản xuất lúa, màu để thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng có đông đồng bào khmer…
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Chiều ngày 19/11, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023 - 2027” (Dự án) tổ chức hội thảo báo cáo kết quả khảo sát và đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP có chủ thể là nữ.