19/07/2022 07:30
Anh Đặng Huỳnh Tâm, Bí thư Huyện Đoàn Càng Long cho biết: nhiệm kỳ 2017 - 2022, với nhiều cách làm sáng tạo và hiệu quả, công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trên địa bàn huyện đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Qua đó, khẳng định được vai trò, trách nhiệm của ĐVTN trên các mặt công tác góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Chương trình “Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm phát huy vai trò của tổ chức Đoàn và toàn xã hội tạo điều kiện cho ĐVTN được học tập, lao động, sáng tạo, định hướng nghề nghiệp vươn lên làm giàu chính đáng.
Nhiệm kỳ qua, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn huyện Càng Long đã tập trung tổ chức sâu rộng các hoạt động để ĐVTN thi đua học tập, tiếp cận các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, từ đó giúp ĐVTN phát huy sức trẻ, trí tuệ, ra sức phấn đấu làm giàu cho gia đình và xã hội.
Thanh niên Phạm Văn Duy, ấp Số 6, xã Mỹ Cẩm cho biết: khoảng 10 năm trước, trong một lần đi lấy mật ong tự nhiên anh phát hiện có ong chúa, thế là anh đem cả đàn về nuôi thử, qua 01 tháng nuôi thu hoạch được khoảng 250ml mật. Thấy việc nuôi ong có thể mang lại hiệu quả kinh tế nên anh nghiên cứu, tìm hiểu về nghề nuôi ong lấy mật và chọn nghề nuôi ong để phát triển kinh tế gia đình.
Anh Phạm Văn Duy phát triển kinh tế nhờ mô hình “nuôi ong lấy mật”. Ảnh: H.NH
Anh Duy chia sẻ: ở địa phương, có nhiều hộ trồng cây ăn trái nên thích hợp cho việc nuôi ong lấy mật, nghề nuôi ong cũng ít tốn chi phí, công lao động nhưng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Ban đầu tôi đi tìm những đàn ong ngoài tự nhiên để bắt ong chúa về nuôi. Tuy nhiên, thời gian đầu gặp nhiều khó khăn, một phần do non kinh nghiệm, một phần do số lượng ong chúa bắt được không nhiều. Quyết tâm thực hiện mô hình này, không nản chí, tôi tự tìm tòi, học hỏi tích lũy kinh nghiệm, đến nay có thể nói mô hình đạt hiệu quả cao.
Từ 01 - 02 tổ ong vào năm 2012, đến năm 2015 anh phát triển được 25 tổ, sản lượng mật thu được trong 03 năm đầu là 72 lít, giá thị trường thời điểm đó 200.000 đồng/lít, thu nhập trên 14 triệu đồng. Nhờ tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong nghề nuôi ong nên anh Duy đã mạnh dạn tăng số lượng tổ ong lên 40 tổ, sản lượng mật thu hoạch cũng tăng lên 120 lít (giá bán 250.000 đồng/lít) nhưng không đủ để cung cấp cho thị trường. Từ đó, anh Duy quyết định mở rộng mô hình, anh tìm đến một số nhà vườn trong ấp để gửi những thùng (tổ) ong.
Đến nay, anh Duy có trên 250 tổ ong, sản lượng thu hoạch bình quân khoảng 40 lít mật/tháng, giá bán 400.000 đồng/lít, thu nhập 16 triệu đồng/tháng, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình. Anh Duy cho biết thêm, tuy số lượng tổ ong tăng nhưng có những thời điểm không đủ mật ong để bán cho khách, nhất là vào mùa mưa.
Anh Nguyễn Khắc Huy, Phó Bí thư Xã Đoàn Mỹ Cẩm nhận định: mô hình nuôi ong lấy mật mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, phù hợp với mọi độ tuổi, chi phí đầu tư ban đầu không nhiều, thích hợp với những ĐVTN mới lập nghiệp, khởi nghiệp. Thời gian qua, có nhiều người dân trong ấp và các ấp lân cận đến tìm hiểu, học hỏi mô hình “Nuôi ong lấy mật” của anh Duy, hiện mô hình đã được nhân rộng, nhiều hộ tham gia làm theo trong đó có ĐVTN, bước đầu đã có hiệu quả.
Anh Đặng Huỳnh Tâm, Bí thư Huyện Đoàn Càng Long cho biết thêm: nhiệm kỳ qua, các hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đã được các cấp bộ Đoàn toàn huyện tổ chức sôi nổi, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong thanh niên như: tư vấn, hỗ trợ, kết nối các ý tưởng thanh niên làm kinh tế... Bên cạnh đó, Huyện Đoàn còn quan tâm đến các nguồn vốn ưu đãi, tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay, nhờ đó, nhiều ĐVTN địa phương có cơ hội khởi nghiệp, lập nghiệp làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.
Từ năm 2017 - 2022, Huyện Đoàn phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện triển khai vay vốn giúp ĐVTN có nguồn vốn phát triển kinh tế. Hiện tại, các cơ sở Đoàn quản lý 46 tổ tiết kiệm và vay vốn với 1.915 lượt hộ vay vốn, dư nợ trrên 47 tỷ đồng. Huyện có 30 mô hình phát triển kinh tế với 147 thành viên, 05 hợp tác xã, tổ hợp tác theo Nghị định số 151/2007/NĐ-CP, ngày 10/10/2007 của Chính phủ với 26 thành viên và 03 dự án do Đoàn quản lý với 28 thành viên.
Một số mô hình tiêu biểu như: nuôi bò sinh sản ở ấp Ngã Hậu, nuôi gà thịt ấp An Bình, mô hình nuôi ếch tại ấp Thanh Bình (xã Tân Bình), mô hình ươn giống lươn ở thị trấn Càng Long, mô hình nuôi lươn thương phẩm ở xã Nhị Long, mô hình trồng nấm bào ngư tại xã An Trường, mô hình nuôi ong lấy mật xã Mỹ Cẩm và 03 mô hình phát triển kinh tế của đoàn viên từ nguồn vốn Quỹ Lập thân, lập nghiệp tại 03 xã: Mỹ Cẩm, Huyền Hội, Đại Phước. Phong trào tiết kiệm, góp vốn xoay vòng của các Đoàn cơ sở được duy trì, 05 năm qua góp trên 635 triệu đồng, giúp trên 157 lượt ĐVTN mượn phát triển kinh tế.
Ngoài ra, các cấp bộ Đoàn còn chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ĐVTN về nghề nghiệp, việc làm. Đoàn đã phối hợp tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho 1.200 lượt ĐVTN, học sinh, giới thiệu việc làm cho 2.611 ĐVTN, qua đó giúp 669 người lao động có việc làm trong và ngoài tỉnh (35 thanh niên xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài, đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra).
Từ hiệu quả của các mô hình cho thấy ý chí quyết tâm, sáng tạo của ĐVTN với tinh thần vượt khó, trong lập thân, lập nghiệp đã góp phần tuyên truyền, cổ vũ mạnh mẽ phong trào thanh niên ra sức thi đua lao động, sản xuất, làm giàu chính đáng.
ĐVTN huyện Càng Long tham gia làm đường nông thôn. Ảnh: HĐCL
Thời gian tới, để thực hiện tốt chương trình “Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” và phát huy vai trò của ĐVTN trong việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, Huyện Đoàn Càng Long tiếp tục chỉ đạo các cơ sở Đoàn, Hội đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ cho ĐVTN phát triển rộng rãi các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao; duy trì, phát triển và nhân rộng các mô hình, tổ hợp tác thanh niên làm ăn có hiệu quả; đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp, giải quyết việc làm cho thanh thiếu niên ổn định cuộc sống;
Kịp thời biểu dương, khen thưởng những mô hình, cách làm hay, các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào lập thân, lập nghiệp. Ðồng thời, chủ động làm tốt vai trò cầu nối thanh niên với các doanh nghiệp, các công ty tuyển dụng để tăng cơ hội việc làm, cơ hội lập thân, lập nghiệp cho ĐVTN.
Kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua Các cấp bộ Đoàn trong huyện đã phát triển mới 8.092 đoàn viên, nâng tổng số toàn huyện có 5.749 đoàn viên. Tổ chức 336 cuộc có 10.740 lượt đoàn viên và hội viên tham gia thực hiện đắp taly đường đal, sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường nông thôn dài 57,5km, trị giá trên 1,84 tỷ đồng; Phát quang bụi rậm, dọn vệ sinh ven các tuyến hương lộ, khơi thông dòng chảy dài trên 59km có trên 3.470 lực lượng tham gia thu gom 122 tấn rác thải tại các điểm chợ, khu vui chơi, điểm tập kết rác thải nguy hại tự phát; 1.500 lượt ĐVTN tham gia dọn vệ sinh các khu di tích lịch sử, địa chỉ đỏ, vệ sinh khuôn viên nghĩa trang liệt sĩ huyện Càng Long. Tổ chức ươm hơn 150.000 cây xanh, hoa kiểng trồng mới trên các tuyến đường hoa tại các xã, thị trấn. Xây dựng 29 tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp dài trên 37,3km, trị giá trên 900 triệu đồng; Xây dựng 02 tuyến phố văn minh; vận động các đơn vị tổ chức xã hội, mạnh thường quân xây dựng mới 76 cầu bê-tông, trị giá trên 6,2 tỷ đồng; Xây dựng và đưa vào sử dụng một số công trình “thắp sáng đường quê” dài trên 58km, trị giá gần 02 tỷ đồng; vận động xây dựng mới 68 căn nhà nhân ái trị giá trên 3,1 tỷ đồng... |
HỒNG NHUNG
Chiều ngày 19/11, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023 - 2027” (Dự án) tổ chức hội thảo báo cáo kết quả khảo sát và đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP có chủ thể là nữ.