26/03/2022 08:34
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn đối thoại với đoàn viên, thanh niên, thiếu nhi cả nước.
Chiều 25/3, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam đã chủ trì buổi đối thoại với đoàn viên, thanh niên, thiếu nhi cả nước.
Đây là diễn đàn để đoàn viên, thanh-thiếu nhi cả nước trao đổi, đối thoại với thủ lĩnh thanh niên Việt Nam. Chương trình đối thoại được tổ chức định kỳ hằng năm, luôn được đông đảo đoàn viên, thanh niên quan tâm và trở thành hoạt động ý nghĩa, có dấu ấn đậm nét trong Tháng Thanh niên.
Chương trình đối thoại được phát video trực tiếp qua Facebook trên trang "Thông tin Chính phủ", các fanpage của các đơn vị trực thuộc Trung ương Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam...
3.000 câu hỏi từ người trẻ gửi đến đối thoại
Theo tổng hợp của Ban Tổ chức, có hơn 3.000 câu hỏi từ ĐVTN gửi tới Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn. Các vấn đề được bạn trẻ quan tâm là những giải pháp để hỗ trợ ĐVTN trong các nhà trường tham gia nghiên cứu khoa học, xây dựng mô hình không gian sáng tạo trẻ trong nhà trường để tạo ra nhiều sản phẩm mang tính trí tuệ, công nghệ cao của thanh niên, sinh viên. Làm thế nào để có thể cổ vũ tinh thần và khát vọng cống hiến của thanh niên Việt Nam đang công tác, học tập tại nước ngoài một cách mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả, thực chất hơn nữa, ngày càng có nhiều bạn thanh niên, sinh viên về nước làm việc để cống hiến trực tiếp nhiều hơn cho Tổ quốc.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, trong năm 2022 và những năm tiếp theo Trung ương Đoàn và các tổ chức của thanh niên Việt Nam đã và đang có những chương trình, đề án, giải pháp gì để tiếp tục khơi dậy, cổ vũ và hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, tham gia phát triển kinh tế ở nước ta.
Bên cạnh đó, các bạn trẻ còn quan tâm Trung ương Đoàn sẽ có những hỗ trợ như thế nào để ý tưởng sáng tạo của thanh niên được triển khai, thực hiện đi vào thực tế. Trung ương Đoàn sẽ có những phương án, định hướng như thế nào để phát huy vai trò của thanh niên trong việc đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, nhất là việc chuyển đổi số trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của ĐVTN nông thôn. Tổ chức Đoàn sẽ có những giải pháp như thế nào để giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ gen Z (sinh từ năm 1997 đến 2010) để họ cống hiến tài năng, làm giàu cho bản thân và cho Tổ quốc.
Khát vọng chiếm lĩnh đỉnh cao tri thức
Chương trình đối thoại mở đầu với chủ đề về "Khát vọng": Khát vọng chiếm lĩnh đỉnh cao tri thức và khoa học công nghệ, khát vọng lập thân lập nghiệp...
"Trong thời gian tới Trung ương Đoàn có những giải pháp gì để hỗ trợ ĐVTN trong các nhà trường tham gia nghiên cứu khoa học, xây dựng mô hình không gian sáng tạo trẻ trong nhà trường, để tạo ra nhiều sản phẩm mang tính trí tuệ, công nghệ cao của thanh niên, sinh viên?", anh Nguyễn Thành Trung, Bí thư Đoàn trường THPT Lương Phú, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, đặt câu hỏi:
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn trả lời: Đoàn TNCS Hồ Chí Minh luôn phối hợp với ngành giáo dục, ngành lao động – thương binh và xã hội (LĐ-TB-XH) để có đồng hành, hỗ trợ trong giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học cho các bạn trẻ. Đến nay, sự phối hợp đó ngày càng hiệu quả hơn.
Năm 2021, Trung ương Đoàn có chương trình phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ LĐ-TB-XH với 5 nhóm vấn đề tập trung triển khai. Đó là, tuyên truyền vận động để thanh thiếu nhi nhận thức được vai trò của việc học, nhất là trong giai đoạn khoa học công nghệ hiện nay. Không chỉ các bạn, chúng tôi - những người đang đối thoại các bạn, cũng phải học hàng ngày.
Tạo môi trường thuận lợi, đủ đầy hơn để đoàn viên, thanh-thiếu nhi về điều kiện học tập, cơ hội tiếp cận giáo dục. Như thời gian qua chúng tôi đã triển khai nhiều chương trình giúp các bạn trẻ tiếp cận việc học tập như chương trình "Sóng, máy tính cho em", trang bị không gian đọc, không gian sáng tạo, hỗ trợ các gói học bổng, thư viện cho em...
Chúng tôi có kiến nghị trên cơ sở đề xuất của thanh-thiếu nhi đến ngành giáo dục để đổi mới phương pháp giáo dục học tập để theo hướng người học là trung tâm. Trong 3 năm vừa qua, nhiều không gian sáng tạo được thành lập trong trường học.
Tổ chức những giải thưởng tôn vinh, sân chơi khoa học sáng tạo để phát huy sức sáng tạo, kết nối biến ý tưởng sáng tạo thành hiện thực, cũng như cổ vũ niềm đam mê sáng tạo của các bạn trẻ.
Tổ chức Đoàn phải tạo được cơ chế đồng hành với các bạn để đưa kết quả nghiên cứu, ý tưởng sáng tạo được phô diễn trên không gian số như app Thanh niên Việt Nam.
Hãy nói lên tiếng nói của mình
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn.
Chương trình đối thoại nhận được câu hỏi từ thanh niên Việt Nam ở nước ngoài.
Bạn Nguyễn Thảo Nhi, đại diện Hội Sinh viên Việt Nam tại Singapore, đã đặt câu hỏi cho Bí thư qua hình thức trực tuyến: "Làm thế nào để có thể cổ vũ tinh thần và khát vọng cống hiến của thanh niên Việt Nam đang công tác, học tập tại nước ngoài một cách mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả, thực chất hơn nữa. Ngoài ra Trung ương Đoàn làm cách nào để ngày càng có nhiều thanh niên, sinh viên về nước làm việc để cống hiến trực tiếp nhiều hơn cho Tổ quốc?
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Cách đây 12 năm trong chương trình đối thoại của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có một câu hỏi tương tự như thế này. Khi đó đồng chí Nguyễn Minh Triết cho biết, Đảng, Nhà nước cũng có rất nhiều chính sách để tạo điều kiện cho các bạn thanh niên, sinh viên về nước làm việc để cống hiến trực tiếp nhiều hơn cho Tổ quốc.
"Theo tôi, khi bạn đã có tinh thần và khát vọng cống hiến, thì dù bạn ở đâu cũng có thể cống hiến. Hiện Trung ương Đoàn có tới 21 tổ chức đoàn tại nước ngoài, mạng lưới tri thức trẻ sinh viên toàn cầu lên tới 10.000 người. Đây là những cơ chế quan trọng để chúng tôi chia sẻ tình hình thanh niên trong nước với nước ngoài, đồng thời tiếp nhận những đóng góp của các bạn trẻ nước ngoài cho tổ chức đoàn trong nước".
Đặc biệt, từ năm 2018, Trung ương Đoàn cùng các đơn vị liên quan đã tổ chức thường niên diễn đàn "Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu", với mong muốn để các trí thức trẻ đang học tập, sinh sống và làm việc ở trong và ngoài nước thảo luận về tầm nhìn, sứ mệnh, vai trò và khả năng đóng góp của đội ngũ trí thức trẻ Việt Nam trong công cuộc kiến thiết và phát triển đất nước, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam với khu vực và toàn cầu.
Diễn đàn "Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu" là nơi các bạn có thể đóng góp, kết nối chuyển giao các đề án, đề tài, ý tưởng của các bạn trẻ nước ngoài cho các cơ quan trong nước.
Hiện việc quản lý diễn đàn "Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu" đã được giao cho các bạn trẻ và đạt được rất nhiều thành tựu. Nhiều bạn trẻ ở nước ngoài đã có thể cống hiến, đề xuất ý kiến cho Trung ương Đoàn tạo nên nhiều thành tựu.
Quan điểm chung của Đảng, Nhà nước luôn khuyến khích các bạn đóng góp cho quốc gia, dù là ở trong và ngoài nước, không chỉ những bạn du học sinh, nghiên cứu sinh Việt Nam.
"Tôi cũng đã từng du học. Tôi thấy rằng không nên ngồi chờ thay đổi cơ chế, thay đổi chính sách mới về nước làm việc, mà hãy lên nói lên tiếng nói của mình để đóng góp, để xây dựng cơ chế mới phù hợp với nhu cầu của bạn thân, hay có thể ở nước ngoài mà vẫn đóng góp cho các cơ quan trong nước".
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn lưu ý, hiện nay, không nên giáo dục các bạn trẻ theo phương pháp dạy dỗ, 1 chiều, đẩy thông tin từ trên xuống, lôi các bạn đến hội trường đóng cửa nói từ sáng đến chiều sẽ không hiệu quả, thậm chí còn phản cảm.
Trong thời gian tới, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với các bộ ngành có liên quan như Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Ngoại giao tham mưu với Chính phủ về các chính sách thu hút nguồn nhân lực trẻ Việt Nam ở nước ngoài, cụ thể hóa các quy định trong Luật Thanh niên năm 2020 về chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài, chính sách đối với thanh niên có tài năng ở trong và ngoài nước; nghiên cứu đề xuất cổng thông tin dữ liệu về việc làm dành cho thanh niên Việt Nam ở ngoài nước có nhu cầu trở về nước công tác, làm việc; đồng thời hỗ trợ các bạn trong việc kết nối, cung cấp các thông tin cần thiết cho các bạn sinh viên ngoài nước có nhu cầu được trở về nước và cống hiến, đóng góp sức trẻ, trí tuệ của mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Khát vọng lập thân, lập nghiệp
Trước câu hỏi của bạn Nguyễn Thị Thương, Bí thư Đoàn thị trấn Ba Sao (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam), Phạm Thanh Sơn, Trường Trung cấp Kinh tế-kỹ thuật và du lịch tỉnh Ninh Bình về giải pháp giúp học sinh hướng nghiệp, có thể chọn đúng ngành nghề mình đã chọn và có việc làm đúng ngành được đào tạo, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho biết, năm 2008, khi phối hợp với Bộ LĐ-TB-XH để xây dựng đề án về hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm, thì có nhiều bạn học sinh tốt nghiệp THPT chưa định hình được tương lai nghề nghiệp, đôi khi chọn nghề ngẫu nhiên hoặc theo lời khuyên bố mẹ hoặc truyền thông gia đình... Đặc biệt, giai đoạn này, việc phân luồng giữa đi học đại học với cao đẳng, trung cấp nghề còn chưa cao.
Tuy nhiên, sau khi có Luật Giáo dục nghề nghiệp, hiện tượng trên đã thay đổi nhiều. Hiện tỉ lệ phân luồng nghề nghiệp đã hơn 90%, lựa chọn nghề nghiệp của học sinh THPT tốt hơn rất nhiều. Hàng năm, ngoài Bộ LĐ-TB-XH, Bộ GD-ĐT, Trung ương Đoàn, còn có nhiều đơn vị của Trung ương Đoàn như Báo Tiền phong, Báo Thanh niên, Báo Tuổi trẻ và chính các nhà trường đã có nhiều hoạt động định hướng và giáo dục nghề nghiệp từ sớm cho học sinh.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai thêm nhiều giải pháp, trong đó, có sử dụng và hoàn thiện phần mềm trợ lý ảo để kiểm tra xu hướng nghề nghiệp, sự phù hợp nghề nghiệp với học sinh cuối cấp THCS, THPT", Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn nói. "Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp học sinh THPT và học sinh THCS cuối cấp. Hoạt động này có phần thuận lợi hơn khi có sự ứng dụng công nghệ số, trên cơ sở dự báo nhân lực của đất nước. Bên cạnh đó là làm tốt hơn việc giới thiệu việc làm, trang bị kỹ năng nghề, kỹ năng cuộc sống cho các bạn trẻ".
Điều quan trọng nhất định hình nghề nghiệp cho thanh niên không chỉ là nhà trường, Đoàn thanh niên, mà còn có vai trò của gia đình, người thân và bản thân người thanh niên.
"Nhân diễn đàn hôm nay, tôi kêu gọi các bạn, bây giờ là kỷ nguyên mới, ngoài kiến thức, kỹ năng, chuyên môn, thì phải chọn được con đường đi đúng phù hợp với đam mê, mong muốn đóng góp của mình. Không có đam mê, không có mong muốn khẳng định mình trong từng công việc nhỏ thì các bạn sẽ không có lựa chọn đúng đắn, phù hợp", Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn bày tỏ.
Muốn đi xa thì đi cùng nhau
Bạn Nguyễn Văn An (đồng sáng lập và Chủ tịch Công ty cổ phần Sách và hành động, đơn vị chuyên thực hiện các dự án thư viện sách vì cộng đồng tại trường học, đồng thời là người sáng lập Ibna - trang thông tin hữu ích dành cho học sinh, sinh viên) chia sẻ: "Là người trẻ với khát khao chinh phục đỉnh cao tri thức, năm 2013 em đã lập ra dự án Sách và hành động, mang trí thức sách đến các bạn trẻ và đến nay đã gặt hái được một số thành quả". Bạn An cũng chia sẻ, trong quá trình phát triển đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhưng cũng may mắn khi được Trung ương Đoàn kết nối về các tỉnh đoàn, từ đó phát triển được mô hình rộng rãi như ngày nay. "Trung ương Đoàn có chương trình hỗ trợ gì cho các bạn trẻ trên con đường chinh phục trí thức, học tập và sáng tạo?", bạn Nguyễn Văn An đặt câu hỏi.
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn chúc mừng bạn Nguyễn Văn An vì những kết quả đã đạt được thời gian qua. "Chúng tôi đã và hứa sẽ tiếp tục đồng hành với chương trình Sách và hành động".
Trước tiên, để sáng tạo chúng ta phải có tri thức, hiểu biết về lĩnh vực đó, luôn đau đáu trăn trở, tìm ra giải pháp tối ưu hơn so với hiện tại. Nếu không đọc, không tiếp cận với tri thức nhân loại sẽ rất khó để sáng tạo. Nên đầu tiên chúng ta cần quan tâm là xây dựng, hình thành và phát triển văn hóa đọc hiện nay, để tiếp cận tri thức thông qua sách với nhiều hình thức khác nhau. Thứ hai, chúng ta cần phải có cơ chế, phương thức kết nối với nhau và với các tổ chức liên quan.
Trung ương Đoàn đặt chỉ tiêu 5 triệu ý tưởng sáng tạo đăng tải trên cổng thông tin, mục tiêu hàng năm là 10% ý tưởng sáng tạo đó được kết nối. Tuy nhiên, với chỉ tiêu thứ nhất dự kiến cuối nhiệm kỳ đạt được, nhưng mục tiêu thứ hai chỉ đạt được ước lượng 70-80%, là hạn chế và Đoàn sẽ cố gắng hơn trong thời gian tới.
Theo Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, với cơ chế gọi vốn cộng đồng, việc xây dựng quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm cho hoạt động khởi nghiệp đang bị vướng. Hiện đang sửa đổi Nghị định 39 liên quan đến Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trung ương Đoàn cũng đang "nợ", chưa ra mắt quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Nhưng điểm mừng là các tỉnh, thành phố đã làm việc này rất tốt, các cuộc thi, cơ chế gọi vốn cộng đồng, quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp đã tổ chức tốt. Do đó, cần có những thiết chế để đồng bộ về mặt tài chính, mặt bằng, không gian sáng tạo trí tuệ cho các bạn để tiếp sức cho các bạn khởi nghiệp.
Đoàn cũng đang xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển thanh niên 2021-2030 và trình Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2021-2030, trong đó có nội dung hỗ trợ thanh niên đổi mới sáng tạo. Trong khởi nghiệp "muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau", Đoàn cũng đang kêu gọi kết nối cộng đồng khởi nghiệp cùng chia sẻ tri thức, hỗ trợ lẫn nhau, đặc biệt trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo.
Lẽ sống
Trả lời câu hỏi của bạn Hồng Trường Trinh, sinh năm 1989, Đoàn cơ sở xã Ninh Hòa (tỉnh Bạc Liêu) về những đổi mới trong phương thức tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao lý tưởng cách mạng cho thế hệ Gen Z để họ cống hiến tài năng, làm giàu cho bản thân và cho Tổ quốc, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn nói: Đoàn cần có trách nhiệm lớn hơn để mỗi bạn Gen Z như giọt nước phải đi vào dòng chảy tạo thành dòng sông chảy ra biển lớn. Do đó, thiết kế phong trào hành động cách mạng cho thanh niên hiện nay thế nào, là việc tổ chức Đoàn đang suy nghĩ để xây dựng dự thảo văn kiện trình Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII vào cuối năm nay.
"Quan điểm hiện nay, Trung ương Đoàn sẽ triển khai 3 phong trào hành động cách mạng lớn là tình nguyện, sáng tạo và xung kích bảo vệ Tổ quốc. Tôi tin rằng cách thiết kế thời gian vừa qua, cách đổi mới phương thức và ứng dụng chuyển đổi số trong thời gian tới, sẽ phát huy được nhiệt huyết của Gen Z".
"Chúng ta cũng đừng giáo dục các bạn theo phương pháp dạy dỗ, hay phương pháp thông tin một chiều. Điều này không hiệu quả nữa, thậm chí phản cảm. Quá trình tương tác, quá trình chuyển tải thông tin đến các bạn phải hai chiều. Chúng tôi cố gắng thiết kế các công việc, các hoạt động giáo dục của Đoàn theo hướng đặt các bạn trẻ là chủ thể từ lúc hình thành ý tưởng đến thiết kế, tổ chức hoạt động, chứ không phải cán bộ Đoàn, Hội tổ chức thay và các bạn đến thụ hưởng. Chúng tôi đã thử nghiệm đổi mới trong hai năm qua, các hoạt động thiết kế theo phương thức đó đều hấp dẫn hơn, thu hút hơn, từ đó các bạn trẻ trưởng thành hơn".
Dân tộc luôn chảy trong dòng máu mỗi người
Bạn Nguyễn Phúc Bình, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Australia, chia sẻ về cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, cũng như tấm lòng hỗ trợ của người trẻ tại châu Âu giúp đồng bào di tản khỏi Ukraine trên các website, các trang mạng xã hội. Qua đây, mỗi thanh niên cũng thấy bản thân cần phải nâng cao tinh thần đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, "lá lành đùm lá rách", không chỉ ở những nơi khó khăn mà còn ở chính cộng đồng người Việt nơi mình đang sinh sống và học tập, nhằm xây dựng một cộng đồng người Việt Nam yêu thương, đoàn kết, cùng nhau phát triển.
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Trung ương Đoàn đã theo dõi rất kỹ, trực tiếp phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan chỉ đạo hoạt động hỗ trợ người Việt. "Chúng ta rất xúc động với tấm lòng người Việt, thanh-thiếu nhi thế hệ thứ hai với đất nước, không chỉ trong việc hỗ trợ di tản đồng bào, mà còn cả cuộc chiến COVID-19 mới đây. Dù bị ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống, thu nhập, nhưng kiều bào quyên góp ủng hộ trang thiết bị vật tư y tế về quê hương".
"Tôi cũng đánh giá rất cao nỗ lực cố gắng của sinh viên Việt Nam tại Nga, Ba Lan, Ukraine... hỗ trợ các thủ tục hải quan, xuất nhập cảnh, hàng không để người Việt được về nước sớm nhất, với tinh thần của Đảng và Nhà nước là không để ai bị bỏ lại phía sau".
"Ai cũng có dân tộc, đất nước - những điều này luôn chảy trong dòng máu của mỗi người. Tôi có niềm tin không bao giờ các bạn sinh viên hay Việt kiều ở nước ngoài quên đi nguồn gốc của mình. Nhiệm vụ của chúng tôi là kết nối hoạt động để các bạn đóng góp được nhiều hơn cho quê hương, đất nước, cũng như tìm thấy cơ hội để phát triển. Rất nhiều sinh viên quốc tịch nước ngoài đến Việt Nam khởi nghiệp, tìm kiếm cơ hội làm bác sĩ, kỹ sư".
Một trong những youtuber nổi tiếng - bạn Đồng Văn Hùng, chủ kênh fanpage, youtube "Ẩm thực mẹ làm" (gần 01 triệu lượt follow trên Facebook) cho biết, mong muốn được quảng bá văn hóa đất nước Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Hùng cũng nêu câu hỏi về việc Đoàn đang triển khai những nội dung gì nhằm phát huy vai trò của thanh niên trong xây dựng, quảng bá giá trị văn hóa, tâm hồn, bản sắc của người Việt Nam đối với quốc tế, nhất là trong kỷ nguyên số?
Theo Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn, thực tế 30 năm qua sự phát triển của văn hóa chưa tương xứng với kinh tế. Nghị quyết XIII của Đảng đã xác định văn hóa là nền tảng, là động lực phát triển thời gian tới. Nhiều quan điểm, yêu cầu mới đặt ra trong việc phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, nhưng cũng du nhập được tinh hoa nhân loại để xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và hội nhập quốc tế. Đây không phải là việc riêng của cá nhân ai mà của tất cả mọi người.
Khi tất cả mọi thứ mất đi, cái còn lại là văn hóa. Một quốc gia không chỉ đo đếm bằng GDP, hay số tỷ phú. Một quốc gia hùng cường được đo đếm bằng nền tảng văn hóa, sức mạnh văn hóa.
Trung ương Đoàn đã tham mưu Ban Bí thư Trung ương Đảng xây dựng đạo đức lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi. Bộ GD-ĐT cũng đã xây dựng và trình Chính phủ về giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên. Có một số việc mà Trung ương Đoàn sẽ phải làm tốt hơn thời gian tới:
Thứ nhất là xây dựng văn hóa trong Đoàn từ tác phong lề lối làm việc khi tiếp xúc với thanh niên, những tố chất cần có với một cán bộ Đoàn. Tổ chức Đoàn phải là tổ chức văn hóa. Cũng có lúc có người vi phạm, nhưng không phải là việc phổ biến.
Thứ hai, tới đây Đoàn sẽ xây dựng talk show trên VTV về xây dựng văn hóa truyền thống. Lâu nay nghĩ ngân sách bỏ tiền cho văn hóa, mà chưa nghĩ đến chiều ngược lại là văn hóa phát triển tạo giá trị để đầu tư trở lại. Trung ương Đoàn sẽ có cuộc thi khởi nghiệp liên quan đến phát triển công nghiệp văn hóa về phim ảnh, thời trang, kênh youtube...
Thứ ba, Trung ương Đoàn sẽ phối hợp các doanh nghiệp truyền thông, các tấm gương khởi nghiệp văn hóa... kết nối thành cộng đồng, tạo ra sản phẩm cung cấp cho giới trẻ, định hình về lối sống văn hóa, giúp quảng bá ra thế giới.
"Chúng ta cũng thấy buồn khi một số bạn trẻ ra sân bay hôn ghế ngồi của thần tượng, hay ăn mặc phản cảm... đây cũng là trào lưu không lành mạnh của nhiều quốc gia. Nhưng các em cũng còn trẻ, đừng trách các em vội, mà hãy trách chính mình. Phải tự vấn chính mình vì sao các em rơi vào trạng thái như vậy, ngành giáo dục, cha mẹ các em cũng phải tự vấn. Khi môi trường giáo dục, xã hội tốt, cơ hội tiếp cận văn hóa lành mạnh, kiểm duyệt tốt hơn trên mạng xã hội không để các em bị lôi kéo, ảnh hưởng", anh Nguyễn Anh Tuấn nói.
Khép lại buổi đối thoại, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn khẳng định: Khát vọng ở từng độ tuổi có thể khác nhau, nhưng đã là con dân của đất Việt ai cũng có Tổ quốc, ai cũng có khát vọng đóng góp, cống hiến cho đất nước. Đây cũng là định hướng cao đẹp để mỗi bạn trẻ qua công việc, qua nghiên cứu khoa học, rèn luyện chiến đấu... đóng góp cho đất nước.
"Các bạn sẽ tìm ra cách để mình lớn hơn, khoẻ mạnh, thú vị hơn, đóng góp, chia sẻ cho cộng đồng nhiều hơn. Chính sự lớn mạnh của mỗi cá nhân thông qua sự chia sẻ cho cộng đồng, đóng góp cho đất nước, tạo những giọt nhỏ cho dòng chảy chung để đất nước Việt Nam hùng cường vào năm 2045".
Theo báo điện tử Chính phủ
Chiều ngày 19/11, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023 - 2027” (Dự án) tổ chức hội thảo báo cáo kết quả khảo sát và đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP có chủ thể là nữ.