01/03/2021 07:49
Anh Trần Hoài Thương kiểm tra tăng trưởng của đàn heo. |
Ấp Rạch Dừa có diện tích tự nhiên gần 2.000ha, với 536 hộ và trên 2.020 nhân khẩu. Dù có tuyến lộ 915B vừa được nâng cấp thông thoáng đi ngang qua địa bàn, nhưng đa số người dân ấp Rạch Dừa vẫn có thói quen theo truyền thống với nghề nông, thế mạnh là cây lác thay cho những cánh đồng lúa trước đây.
Từ thực tế đó, với mong muốn sớm vượt ra khỏi mảnh vườn, thửa ruộng truyền thống, nhiều thanh niên thế hệ “9X” ở Rạch Dừa đã mạnh dạn khởi nghiệp bằng các mô hình làm ăn mới để vươn lên. Anh Trần Hoài Thương, sinh năm 1990 người mà chúng tôi được chính quyền địa phương giới thiệu là một trường hợp như thế.
Xuất thân từ gia đình có 04 chị em, đời sống của cha mẹ trước đây luôn gặp nhiều khó khăn, nên từ nhỏ anh Trần Hoài Thương được cha mẹ cho ở với bà nội. Khi bà nội qua đời để lại cho Hoài Thương khoảng 1.000m² đất vườn tạp, huê lợi gần như chẳng có gì. Giữa năm 2016 Trần Hoài Thương lập gia đình và đến nay 02 vợ chồng anh đã có với nhau đứa con gái hơn 02 tuổi. Vì không có đất sản xuất, nên cả 02 vợ chồng tiếp tục đi làm thuê. Trong đó, vợ anh hàng ngày làm công nhân cho 01 công ty tại Khu Công nghiệp Long Đức, thành phố Trà Vinh; còn anh Trần Hoài Thương vẫn duy trì nghề đóng đàn gia công cho 01 cơ sở tại ấp Hạ cùng xã Đại Phước. Đây là cái nghề anh Thương học được là làm công lãnh lương từ năm 2008.
Dù hàng ngày cô con gái nhỏ được vợ chồng anh Thương gửi cho bà ngoại nuôi dưỡng, để vợ chồng yên tâm đi làm, nhưng khoản thu nhập trên dưới 10 triệu đồng mỗi tháng của 02 vợ chồng cũng chỉ đủ trang trải cho cuộc sống cá nhân. Thấy vậy, từ giữa năm 2018 qua hướng dẫn, vận động của tổ chức Đoàn thanh niên, anh Trần Hoài Thương bắt tay vào khởi nghiệp ở lĩnh vực chăn nuôi. Các vật nuôi được anh Thương chọn để khởi nghiệp được xác định đầu ra là các quán ăn, nhà hàng, trong đó chủ lực là dê, heo rừng và gà vịt… Từ những cặp dê giống, heo rừng giống ban đầu gầy dựng qua nhiều đợt xuất bán, đến nay anh Trần Hoài Thương còn đàn heo 11 con và đàn vịt gần 100 con được nuôi xung quanh nhà. Xác định các thú nuôi này, một mặt anh Hoài Thương chuộng do ít công chăm sóc và tận dụng được các loại cỏ, lá cây sẵn có để cho ăn, giúp giảm chi phí đầu vào; một mặt vợ chồng anh vẫn duy trì được việc làm công nhân có thu nhập dù không cao nhưng ổn định.
Từ nguồn vốn khoảng 30 triệu đồng để đầu tư con giống và xây dựng chuồng trại, đến nay trung bình mỗi năm anh Thương thu về khoảng 90 triệu đồng. Kết hợp tiền lương ổn định từ nghề đóng đàn của anh và lương công nhân của chị, hiện tại thu nhập của gia đình anh Hoài Thương khá ổn định. Phát huy kết quả đạt được, cộng với nhu cầu về đầu ra cho sản phẩm luôn đạt cao, anh Trần Hoài Thương quyết định mở rộng quy mô sản xuất. Từ việc xây dựng chưa tới 10m² chuồng trại để nuôi heo rừng, anh vừa xây thêm trên 50m² để phát triển đàn heo.
Bên cạnh việc chịu khó làm ăn bước đầu đạt hiệu quả, anh Trần Hoài Thương còn là một Bí thư Chi đoàn ấp tiêu biểu trong các phong trào, một thanh niên có lối sống hòa đồng, giản dị được mọi người dân xung quanh thương yêu. Anh Trần Hoài Thương cho biết, cố gắng duy trì và mở rộng mô hình chăn nuôi thêm khoảng thời gian nữa, anh sẽ vận động, hướng dẫn ĐVTN trong ấp Rạch Dừa làm theo. Việc làm này vừa giúp các thanh niên trên địa bàn không phải đi làm ăn xa, mà có thể ở tại nhà để phát triển sản xuất, chăn nuôi. Mặt khác, khi có nhiều thanh niên cùng hưởng ứng làm theo, khi đủ điều kiện anh sẽ tiếp tục vận động thành lập hợp tác xã để cùng chung tay hợp tác, nâng cao thu nhập cho gia đình và tạo được việc làm cho nhiều người.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Hoàng Anh, Bí thư Chi bộ ấp Rạch Dừa, xã Đại Phước cho biết, mô hình chăn nuôi của Bí thư Chi đoàn Trần Hoài Thương bước đầu là hướng đi đúng cho thanh niên nói riêng và người dân trong ấp Rạch Dừa nói chung. Theo nhận xét của ông Phạm Hoàng Anh, anh Trần Hoài Thương là thanh niên chí thú làm ăn, luôn vươn lên trong cuộc sống. Dù có nghề làm đàn với thu nhập ổn định hàng tháng trên dưới 05 triệu đồng, kết hợp lương công nhân của vợ, nhưng anh Thương vẫn tranh thủ thời gian rảnh để xây dựng mô hình chăn nuôi. Bí thư Chi đoàn Trần Hoài Thương là tấm gương sáng giúp ĐVTN và người dân trong ấp noi theo.
Bài, ảnh: BÁ THI
Chiều ngày 19/11, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023 - 2027” (Dự án) tổ chức hội thảo báo cáo kết quả khảo sát và đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP có chủ thể là nữ.