12/12/2020 07:37
Thông qua các mô hình, không chỉ làm phong phú thêm các hoạt động của thanh niên, mà còn góp phần cùng cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ở từng địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giữ vững an ninh - trật tự và phát triển kinh tế… Hội nghị giao ban Đoàn khối khu vực miền Nam do Đoàn khối CCQ-DN tỉnh Trà Vinh đăng cai đã khép lại, nhưng các mô hình ấy đã để lại dấu ấn khó phai trong mỗi đại biểu tham gia hội nghị.
Mô hình “Phiên tòa giả định”
Những năm gần đây, cùng với cả nước, tỉnh Bạc Liêu đã và đang huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai và thực hiện các luật của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, các đề án của Thủ tướng Chính phủ về tuyên truyền giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên. Qua quá trình triển khai, bước đầu đã thu được những kết quả nhất định; các cơ quan chuyên môn, các phòng, ban và các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực, chủ động triển khai đồng bộ đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho thanh niên.
“Phiên tòa giả định” là một trong những hình thức tuyên truyền pháp luật đạt hiệu quả cao do Đoàn Khối các cơ quan tỉnh Bạc Liêu thực hiện. “Phiên tòa giả định” giống như một vỡ diễn sân khấu. Do đó để thu hút được nhiều người quan tâm cần phải có kịch bản hay, “diễn viên” giỏi. Phiên tòa được tiến hành dưới sự phối hợp của nhiều tổ chức Đoàn trong khối như: Chi đoàn Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh... khi thực hiện gồm các bước như lựa chọn nội dung pháp luật để tuyên truyền; xây dựng kịch bản; tổ chức diễn và lồng ghép các nội dung phổ biến pháp luật tại “Phiên tòa giả định”.
Mục đích của “Phiên tòa giả định” là để tuyên truyền pháp luật. Do đó, khi tổ chức phải tận dụng tối đa mọi yếu tố có thể để chuyển tải một cách hợp lý những quy định của pháp luật cho thanh thiếu niên và người xem hiểu. Qua thời gian thực hiện, cho thấy việc tổ chức các “Phiên tòa giả định” không chỉ giáo dục mà còn giúp học sinh, thanh thiếu niên nhận thức sâu sắc hơn về hậu quả của việc không chấp hành pháp luật. Đây thật sự là hình thức phổ biến mang tính trực quan, sinh động là kênh phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả có tác động mạnh tới nhận thức pháp luật, ý thức tôn trọng, ứng xử và chấp hành pháp luật của thanh thiếu niên.
Mô hình “Trang bị bình thủy tinh đựng nước, hạn chế rác thải nhựa” của Đoàn khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh
Chai thủy tinh đựng nước có thể tái sử dụng nhiều lần, dễ vệ sinh và không bám mùi. Mang theo bên mình, ĐVTN sẽ hạn chế được việc sử dụng ly nhựa khi trang bị thức uống. Trung bình, với một chai thủy tinh, mỗi ĐVTN có thể hạn chế được vài chục ly nhựa trong một tháng. Cơ số này sẽ tăng gấp nhiều lần nếu các bạn trẻ nghiêm túc thực hiện và cùng nhau chia sẻ cho bạn bè, những người xung quanh mình làm theo. Từ khi ra mắt, mô hình này được đông đảo ĐVTN ở Tây Ninh hưởng ứng nhiệt tình.
Chai thủy tinh sử dụng trong mô hình có dung tích 500ml, giá bán chỉ 10.000 đồng/chai, đi kèm là một ống hút bằng tre có giá 2.000 đồng. Trên mỗi chai đều được dán logo của Đoàn khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh. Mô hình còn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chai thủy tinh đựng nước đã trở thành vật dụng quen thuộc trên bàn làm việc, phòng họp tại các cơ quan.
Anh Trần Đăng Tiến, Phó Bí thư Đoàn khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh cho biết, qua thời gian mô hình được triển khai đã có sự lan tỏa mạnh mẽ trong Đoàn khối nói riêng và cộng đồng nói chung. Để đạt được kết quả này là nhờ vào sự tuyên truyền, vận động tích cực của các ĐVTN trong việc tham mưu các cấp lãnh đạo tại cơ quan cũng như người thân, bạn bè tham gia. Bên cạnh đó là nhờ vào sự sáng tạo của ĐVTN khi có những ý tưởng hay góp phần phát triển và nhân rộng mô hình.
Mô hình “Khu dân cư không có thanh thiếu niên mắc tệ nạn xã hội”
Với ý nghĩa phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ Đoàn khối trong thực hiện các phong trào “Xung kích phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ tổ quốc”. Đoàn khối CCQ-DN tỉnh Trà Vinh phối hợp Thành Đoàn thành phố Trà Vinh xây dựng kế hoạch và triển khai mô hình “Khu dân cư không có thanh thiếu niên mắc tệ nạn xã hội”.
Mô hình được triển khai từ tháng 5/2020 với mục tiêu duy trì đến những năm tiếp theo. Trong thực hiện, 02 đơn vị phối hợp thống nhất chọn Phường 7, thành phố Trà Vinh làm đơn vị điểm triển khai mô hình. Định kỳ, 02 đơn vị phối hợp với Đoàn thanh niên Công an tổ chức các hoạt động tuyên truyền trong đoàn viên, thanh thiếu niên về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó tập trung tuyên truyền luật, nghị định và các văn bản có liên quan về an toàn giao thông; tác hại của rượu, bia, thuốc lá; chất kích thích và ma túy trong đoàn viên, thanh thiếu niên... nhằm nâng cao nhận thức cho ĐVTN không mắc các tệ nạn xã hội.
Cụ thể, vào ngày 11/7/2020, tại hội trường UBND Phường 5, 02 đơn vị tổ chức hội nghị triển khai, tuyên truyền khu dân cư không có thanh niên mắc tệ nạn xã hội cho hơn 50 lượt thanh niên và người dân trên địa bàn thuộc tuyến đường D5, Phường 5, thành phố Trà Vinh. Ngoài ra, 02 đơn vị còn phối hợp triển khai đến các Chi đoàn, Đoàn phường trực thuộc vận động ĐVTN và Nhân dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, xây dựng lối sống lành mạnh, góp phần đảm bảo tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn dân cư. Phối hợp với địa phương tuyên truyền, cảm hóa, giúp đỡ thanh niên chậm tiến tái hòa nhập cộng đồng; Tổ chức cho ĐVTN đăng ký tham gia phong trào 03 không (không thử, không giữ, không dùng ma túy).
Qua thời gian triển khai, mô hình đã mang lại nhiều kết quả tích cực, từ đó nâng cao tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, thanh niên và các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Góp phần đảm bảo tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn dân cư.
Mô hình “Khám, chẩn đoán điều trị bệnh ban đầu cho người già neo đơn, người cao tuổi tại gia đình”
Các y, bác sĩ trẻ Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh khám bệnh cho người già neo đơn trên địa bàn Phường 6, thành phố Trà Vinh.
Xuất phát từ phong trào khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân tại các địa phương từ những năm 2013 - 2014, nhận thấy có nhiều cụ già đi lại khó khăn. Tháng 3/2015, Ban Thường vụ Đoàn khối (nay là Đoàn Khối CCQ-DN tỉnh Trà Vinh) đã phát động và tổ chức triển khai mô hình “Khám, chẩn đoán điều trị bệnh ban đầu cho người già neo đơn, người cao tuổi tại gia đình”. Với ý nghĩa nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, đem chuyên môn phục vụ cộng đồng của đoàn viên thanh niên y, bác sĩ; đồng thời góp phần chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, những người già neo đơn trong cuộc sống không đủ điều kiện để tầm soát sức khỏe định kỳ.
Ban đầu chỉ thực hiện tại một số địa bàn của thành phố Trà Vinh, sau đó mô hình có sức lan tỏa, thu hút được đông đảo y, bác sĩ trẻ tham gia. Từ đó, việc thực hiện khám, chữa bệnh cho cụ già neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn được lan tỏa đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Tháng 10/2018 Đoàn khối CCQ-DN tỉnh Trà Vinh tiến hành nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh và đạt hiệu quả đến nay.
Thực hiện mô hình này, Đoàn cơ sở Bệnh viện Đa khoa tỉnh được chỉ đạo trực tiếp thực hiện, với sự tham gia của 05 bác sĩ và 06 điều dưỡng trẻ do Thạc sĩ - Bác sĩ Lê Hoàng Nhã, Bí thư Đoàn cơ sở Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh, làm Trưởng đoàn. Hàng tuần nhóm y bác sĩ đến từng nhà khám trực tiếp và phát quà cho “Người già neo đơn, người cao tuổi” thuộc diện hộ nghèo, gia đình chính sách, danh sách bệnh nhân được UBND các phường trên địa bàn thành phố Trà Vinh lựa chọn và giới thiệu.
Đến tháng 3/2019 mô hình được nhân rộng bằng cách phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức thăm khám bệnh cho người già neo đơn, trẻ mồ côi, trẻ em lang thang, cơ nhỡ, khuyết tật tại Trung tâm Bảo trợ xã hội của tỉnh. Mỗi tháng 01 lần, đoàn y, bác sĩ trực tiếp đến khám cho các đối tượng tại Trung tâm được các cấp lãnh đạo và đối tượng đánh giá cao.
Kết quả từ khi thành lập mô hình đến nay đã tổ chức khám bệnh, điều trị được 67 đợt tại nhà cho 248 bệnh nhân; khám tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh được 46 đợt, cho 1.127 bệnh nhân (trong đó 458 lượt trẻ mồ côi và người khuyết tật), với tổng kinh phí trên 130 triệu đồng. Đặc biệt, đây còn là mô hình được Ban Chỉ đạo “Dân vận khéo” tỉnh Trà Vinh khen thưởng vào năm 2018; được Tỉnh Đoàn Trà Vinh khen thưởng là mô hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019.
Bài, ảnh: BÁ THI
Chiều ngày 19/11, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023 - 2027” (Dự án) tổ chức hội thảo báo cáo kết quả khảo sát và đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP có chủ thể là nữ.