20/04/2023 07:52
Nông dân Hồng Thanh khá nhờ nuôi bò “tuần hoàn”
Nông dân Hồng Thanh bên đàn bò sinh sản, hàng năm cho thu nhập 100 - 120 triệu đồng.
Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, nhưng với quyết tâm và nghị lực vượt khó, ông Hồng Thanh, ấp Phú Mỹ, xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành không ngừng học hỏi, vươn lên tạo lập kinh tế gia đình. Sau nhiều năm lập nghiệp, ông Thanh có trong tay một cơ ngơi khang trang, với mô hình nuôi bò “tuần hoàn” đạt hiệu quả cao, cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Ông Hồng Thanh chia sẻ: gia đình trước đây chỉ có sản xuất lúa (1,5ha), sau khi thấy nuôi bò cho hiệu quả cao và hàng năm đều có nguồn vốn tích lũy khi bò sinh sản. Từ năm 2018 đến nay, gia đình tập trung phát triển đàn bò từ 04 con bò sinh sản, đến nay đã có hơn 10 con bò sinh sản; hàng năm, đàn bò sinh sản cho từ 07 - 08 con bò con.
Với đàn bò tăng hàng năm, gia đình xây dựng mô hình “tuần hoàn” (nuôi - trồng cỏ - cung cấp phân bón lại cho cây trồng). Qua đó, ông dành hơn 0,4ha đất lúa để chuyên trồng cỏ và tận dụng nguồn phân bò để bón lại cho cỏ. Cũng theo ông Hồng Thanh, để phát triển đàn bò nuôi theo hướng tập trung, gia đình còn đầu tư gần 100 triệu đồng để xây dựng hệ thống chuồng nuôi khang trang, đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường và thu gom, xử lý phân bò… hiện hệ thống chuồng nuôi có thể đáp ứng cho khoảng 20 con bò.
Nông dân Thạch Sa Phia: sản xuất nông nghiệp phải kết hợp “lấy ngắn nuôi dài”
Nông dân Thạch Sa Phia thu hoạch chanh trong vườn dừa theo mô hình “lấy ngắn nuôi dài”.
Là một trong những hộ thuộc diện hộ nghèo và ít đất canh tác (khoảng 0,75ha), nhưng nông dân Thạch Sô Phia ở ấp Đồng Khoen, xã Phong Phú, huyện Cầu Kè đã thoát nghèo (năm 2019) và hiện nay, với mô hình xen canh “lấy ngắn nuôi dài” đã đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Chia sẻ với chúng tôi về kinh nghiệm sản xuất của gia đình, ông Thạch Sô Phia cho biết: trước đây, chỉ biết bám vào diện tích 0,75ha đất trồng lúa, sau mỗi vụ sản xuất lúa, gia đình chỉ vừa đủ ăn và thường thiếu trước hụt sau. Năm 2018, được Nhà nước hỗ trợ cho vay 40 triệu đồng, tôi thuê cơ giới lên liếp làm vườn trồng 350 cây dừa xiêm xanh. Trong giai đoạn dừa còn nhỏ, tôi trồng xen kết hợp 1.000 cây chanh và ớt sừng vàng châu Phi. Với mô hình sản xuất “lấy ngắn nuôi dài”, liên tiếp trong 03 năm (2020 - 2022), mỗi năm gia đình thu nhập gần 100 triệu đồng từ cây chanh và ớt, rau màu các loại.
Đến năm 2023, vườn dừa của gia đình ông Thạch Sô Phia đã có trên 70% cây dừa bắt đầu cho trái và tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, đây là nguồn thu chính của gia đình ông. Ông Phia cho biết thêm là trong sản xuất nông nghiệp, nông dân phải biết tính toán và lập kế hoạch sản xuất (đối tượng cây trồng; hình thức sản xuất…) phù hợp với hoàn cảnh của gia đình, khi đó, nông dân sẽ có nguồn thu ổn định từ sản xuất mang lại.
Đối với gia đình ít đất sản xuất, trong giai đoạn đầu, việc “lấy ngắn nuôi dài” sẽ tạo nguồn thu hàng ngày để phục vụ sinh hoạt gia đình rất quan trọng. Với giá dừa tươi hiện nay khoảng 5.000 - 6.000 đồng/trái, mỗi năm, vườn dừa 350 gốc sẽ cho khoảng 2.000 - 2.200 trái và thu vào trên 110 triệu đồng/năm.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Chiều ngày 19/11, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023 - 2027” (Dự án) tổ chức hội thảo báo cáo kết quả khảo sát và đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP có chủ thể là nữ.