19/07/2020 09:13
Tại Đại hội, nhiều ý kiến tham luận của đại biểu nhằm chia sẻ về kết quả thực hiện Quyết định số 281/QĐ-TTg, ngày 20/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị đến năm 2020”.
Bà Nguyễn Thị Khá, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh tặng giấy khen cho ông Nguyễn Hữu Bảo Long, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Càng Long.
Trong 05 năm qua, huyện Càng Long xuất hiện ngày càng nhiều mô hình của các tổ chức, cá nhân đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”; ấp, khóm đạt “Cộng đồng học tập”, trường học, cơ quan và cơ sở thờ tự “Đơn vị học tập”.
Nhằm đẩy mạnh các hoạt động học tập thường xuyên, học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng thông qua xây dựng và triển khai các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập”, thời gian qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên (Trung tâm) huyện Càng Long, đã triển khai đồng bộ, chặt chẽ, tạo hiệu quả tích cực trong toàn xã hội. Trong đó, với hình thức đào tạo ngắn hạn, sơ cấp nghề, nhằm chuyển giao khoa học- kỹ thuật, trang bị vốn kiến thức cho người dân áp dụng trong lao động sản xuất, phát triến kinh tế gia đình, giảm nghèo ở địa phương.
Theo ông Nguyễn Hữu Bảo Long, Giám đốc Trung tâm: dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2019 quyết định về phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ là một trong những nhiệm vụ mà Trung tâm đã và đang thực hiện.
Từ khi hoạt động (năm 2006) đến cuối tháng 6/2020 Trung tâm đã tổ chức 206 lớp, có 4.552 học viên theo học với các ngành, nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp. Qua đó, giúp lao động nâng cao kiến thức, tạo điều kiện tăng thu nhập, phát triển kinh tế hộ, góp phần cùng địa phương giảm nghèo bền vững, tùng bước xây dựng gia đình học tập và gia đình văn hóa - nông thôn mới. Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn lao động tại địa phương, nhất là khu vực nông thôn, tạo việc làm thường xuyên và ổn định cho lao động sau khi đào tạo nghề hoặc bổ sung kiến thức.
Đối với lĩnh vực “Dòng họ học tập”, trên địa bàn huyện Càng Long đã xuất hiện nhiều dòng họ phấn đấu vươn lên. Trong đó, có dòng họ Huỳnh ở xã Đại Phúc. Thực tế cho thấy, muốn Dòng họ học tập phát triển bền vững, cần có quy chế, đồng thuận cao trong họ tộc.
Ông Huỳnh Văn Triều (đại diện dòng họ Huỳnh) chia sẻ: sau khi tiếp thu Quyết định số 281, trong họ Huỳnh thống nhất đăng ký Dòng họ Huỳnh học tập (dòng họ Huỳnh có 08 hộ, 36 thành viên). Đồng thời, giáo dục trong dòng họ Huỳnh nhận thức: gia đình là cái nôi của mỗi người từ khi cất tiếng khóc chào đời; gia đình đảm nhiệm vai trò to lớn trong giáo dưỡng con em, góp phần quan trọng vào thành công của giáo dục trong nhà trường; xây dựng “dòng họ học tập” chính là để người dân tham gia “làm giáo dục”. Dòng họ Huỳnh ý thức: muốn có cuộc sống no ấm phải có kiến thức, muốn có sự nghiệp phải học, kiến thức là tài sản vô giá, cùng với nghị lực thì chắc chắn sẽ thành đạt trong cuộc sống.
Từ đó, dòng họ Huỳnh xây dựng quy chế: đối với trẻ trong dòng họ đến tuổi đi học phải đến trường; phải tốt nghiệp THPT, học lực từ trung bình trở lên, đạo đức xếp loại tốt, lễ phép, ngoan hiền và có đạo đức tốt; không vi phạm pháp luật, nội quy trường học và các tệ nạn xã hội. Đối với người lớn, tích cực tham gia các hoạt động học tập thường xuyên, học tập suốt đời… tham gia các phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và các phong trào khác ở địa phương. Tham gia các lớp tập huấn ngắn hạn của Trung tâm học tập cộng đồng và các chương trình khác.
Xây dựng gia đình học tập và phấn đấu đạt gia đình văn hóa - nông thôn mới, gia đình học tập hàng năm. Tất cả các thành viên đang làm công tác trong các cơ quan đoàn thể, phải tích cực phấn đấu đạt danh hiệu thi đua từ lao động tiên tiến trở lên. Mọi thành viên trong dòng họ phải giúp nhau trong học tập, làm kinh tế, cuộc sống phát triển ổn định.
Song song đó, tổ chức gây quỹ khuyến học, khuyến tài, có định mức khen thưởng hợp lý đối với thành tích, cấp học. Đến nay, quỹ của dòng họ Huỳnh có 48 triệu đồng. Với quyết tâm cao, Dòng họ Huỳnh hiện có 01 thạc sĩ, 10 đại học, 03 cao đẳng và trung học... dòng họ Huỳnh tích cực giữ vững “Dòng họ học tập” và tham gia tích cực các phong trào cách mạng địa phương.
Bài, ảnh: TRƯỜNG HIẾU
Chiều ngày 19/11, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023 - 2027” (Dự án) tổ chức hội thảo báo cáo kết quả khảo sát và đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP có chủ thể là nữ.