14/10/2021 09:29
Những năm qua, phong trào nông dân (ND) sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG) gắn với XDNTM được Hội ND Trà Vinh chú trọng triển khai sâu rộng và tạo sức lan tỏa trong hội viên và ND. Từ đó, đã phát huy tính năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất của ND trong tỉnh cùng góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, thông qua đó, nhiều mô hình, cách làm mới và sáng tạo của ND đã phát huy các lợi thế của từng vùng đất, từng cây trồng, vật nuôi của địa phương… để chuyển giao, nhân rộng trong hội viên.
Bà Lê Bích Chi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội ND tỉnh cho biết: phong trào ND SXKDG là 01 phong trào lớn được Trung ương Hội ND phát động; đối với hội viên ND và cán bộ Hội ND tỉnh cũng xác định đây là một trong những phong trào gắn liền với các hoạt động của tổ chức Hội, do đó ngay từ đầu nhiệm kỳ đã xậy dựng kế hoạch cụ thể để phát động, nâng cao ý thức, nhận thức của hội viên ND. Qua đó, hội viên ND tự đăng ký tham gia phong trào này, từ phong trào ND SXKDG đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho chính cuộc sống của gia đình hội viên ND, thông qua đó, tạo sự liên kết để sản xuất (giữa ND - doanh nghiệp; hợp tác xã, tổ hợp tác - doanh nghiệp…); đồng thời, hỗ trợ giúp ND tiếp cận khoa học - kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất…
Giai đoạn 2017-2021: Có 291.377 lượt hộ ND đăng ký; các cấp Hội đã tổ chức bình xét và công nhận 146.934 lượt hộ ND đạt danh hiệu ND SXKDG các cấp. Riêng năm 2020, toàn tỉnh có 40.370 hộ đạt danh hiệu ND SXKDG các cấp (có 62 hộ đạt cấp Trung ương, 1.387 hộ đạt cấp tỉnh, 5.851 hộ đạt cấp huyện và 33.069 hộ đạt cấp cơ sở). |
Để thúc đẩy phong trào ND SXKDG, hàng năm các cấp Hội ND trong tỉnh đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng mở lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật và xây dựng nhiều mô hình trình diễn hỗ trợ ND, tạo mọi điều kiện để ND đẩy mạnh phát triển sản xuất. Giai đoạn 2017-2021, đã tổ chức 8.492 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho hơn 355.000 lượt ND; 514 cuộc hội thảo đầu bờ có 10.350 lượt ND dự; 540 lớp dạy nghề cho 14.630 lao động nông thôn.
Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, như mô hình trồng cam sành, bưởi da xanh, chanh, nhãn, xoài... lợi nhuận từ 200-600 triệu đồng/năm/ha; mô hình trồng lúa luân canh màu, mô hình trồng bí, bắp giống ở xã Mỹ Long Bắc, Nhị Trường (huyện Cầu Ngang), mô hình ươn cây giống kết hợp trồng màu của các hộ ND ở xã Hưng Mỹ (huyện Châu Thành), xã Ngũ Lạc, Long Hữu (huyện Duyên Hải)... lợi nhuận từ 100-500 triệu đồng/năm/ha. Mô hình nuôi gà, nuôi ba ba, nuôi lươn không bùn, nuôi ếch thịt và ếch sinh sản; mô hình nuôi bò sinh sản, nuôi vịt đẻ… lợi nhuận từ 100-450 triệu đồng/năm…
Bên cạnh đó, thông qua nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ ND, từ năm 2017 đến nay, đã đầu tư trên 38 tỷ đồng, với 361 dự án cho 4.302 hộ vay, với các mô hình sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Về vốn vay ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội, đã gíup 37.649 hộ vay (889 tổ tiết kiệm tín dụng) với tổng dư nợ trên 926,944 tỷ đồng để phát triển sản xuất. Hội ND tỉnh phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội còn đầu tư từ nguồn vốn “ND khởi nghiệp” cho 123 hộ vay 4,1 tỷ đồng (09 mô hình sản xuất) trên địa bàn 06 huyện.
Trong xây dựng tổ hội nghề nghiệp đã góp phần không nhỏ trong việc tập hợp và định hướng hội viên, ND có cùng mục tiêu, cùng ngành nghề sản xuất đến với nhau để nâng cao chất lượng sản xuất, liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao kỹ thuật… điển hình như mô hình Tổ hội nghề nghiệp Bào Ha (ấp Rọ Say, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải) với ngành nghề sản xuất, kinh doanh chuyên canh cây màu. Được thành lập và hoạt động năm 2015, lúc đầu có 07 thành viên là hội viên ND.
Anh Lâm Thành Cảnh, Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp Bào Ha cho biết: giai đoạn 2017-2020, Tổ Hội đã sản xuất, kinh doanh hàng năm đạt doanh thu từ 0,88-1,5 tỷ đồng/năm và giúp cho 05-10 hộ khó khăn/năm. Tham gia các hoạt động xã hội, vận động 05 hộ gia đình khá, giàu giúp đỡ cho 15 lượt hộ nghèo; đặc biệt năm 2019, Tổ đã vận động hội viên và ND đóng góp vật liệu đá, cát và ngày công xây dựng 02 tuyến đường nông thôn, dài 2,5km, kinh phí trên 300 triệu đồng.
Phát huy tinh thần tương thân, tương ái trong hỗ trợ giúp nhau của hội viên; các cấp Hội đã vận động hội viên, ND và các hộ sản xuất, kinh doanh đóng góp ủng hộ Quỹ Vì người nghèo, vận động tương trợ bằng tiền, ngày công lao động, cây, con giống... Giai đoạn 2017-2021, thông qua các hộ là NDSXKDG đã đảm nhận giúp cho 7.252 hộ vượt khó thoát nghèo bền vững.
Điển hình như ND Nguyễn Văn Hiện, ở ấp Đầu Giồng, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long; từ mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả (0,2ha) sang trồng thanh long từ năm 2009, đến nay, mô hình của gia đình anh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 10 lần so với sản xuất cây lúa.
Từ hiệu quả của cây thanh long mang lại hàng năm, anh đã tích lũy và thuê thêm đất để canh tác thanh long. Đến cuối năm 2020, anh đã có tổng cộng 2,5ha đất chuyên trồng thanh long. Trong đó, 1,8ha thanh long 07 năm tuổi, cho năng suất ổn định, còn lại 0,7ha mới trồng được hơn 01 năm; hàng năm, thu nhập từ cây thanh long trên 300 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Hiện, chia sẻ: quá trình sản xuất, anh cũng gặp không ít lần thất bại, nhưng nhờ phấn đấu vươn lên và được sự hỗ trợ, giúp đỡ của địa phương, nên mới có được thành quả đó... Từ sự đồng cảm trên, bản thân mong muốn góp một phần nhỏ để cùng giúp hội viên chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật canh tác thanh long. Bên cạnh đó, gia đình còn trực tiếp giải quyết việc làm từ 15 - 20 lao động, thu nhập từ 150.000 - 200.000 đồng/lao động/ngày.
Đặc biệt, xác định rõ vai trò chủ thể của cán bộ, hội viên Hội ND trong XDNTM, ngay từ khi phát động của cấp trên, Hội ND đã chỉ đạo các cơ sở Hội bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy, đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đồng thời đưa nội dung XDNTM vào phong trào thi đua trọng tâm của công tác Hội. Hội các cấp đã vận động hội viên, ND toàn tỉnh đóng góp hàng chục tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn thông qua việc hiến đất, hoa màu, cây ăn trái; sửa chữa, nâng cấp, xây mới đường nông thôn, thủy lợi nội đồng, xây dựng nhà tình thương và đóng góp xây dựng các nguồn quỹ phúc lợi, an sinh xã hội...
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Chiều ngày 19/11, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023 - 2027” (Dự án) tổ chức hội thảo báo cáo kết quả khảo sát và đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP có chủ thể là nữ.