02/07/2020 12:20
Qua 05 năm (2015-2020) triển khai phong trào nông dân thi đua điển hình tiên tiến, trên địa bàn huyện Tiểu Cần đã phát triển mạnh mẽ và lan tỏa sâu rộng, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên và nông dân tham gia. Từ đó, đã góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương thông qua nhiều chương trình, hoạt động thiết thực như: tư vấn, đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất… qua đó, khích lệ nông dân phát huy tính cần cù lao động, sáng tạo ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, cải thiện đời sống.
Nông dân Trương Văn Đạo (thứ 2 từ trái sang) trao đổi kinh nghiệm về mô hình nuôi gà thả vườn với các hội viên về tham dự hội nghị.
Theo ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tiểu Cần: qua bình xét, đến nay đã công nhận 35.215 hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG) các cấp, trong đó có nhiều hộ đạt và giữ vững danh hiệu từ 03-05 năm và đạt mức thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Đây là những nông dân có sức lan tỏa nhân rộng các mô hình sản xuất đến với các hội viên, nông dân để chia sẻ kinh nghiệm, ứng dụng tốt các mô hình tiên tiến vào canh tác. Bên cạnh đó, vai trò của các hộ nông dân SXKDG đã cùng với địa phương góp phần hỗ trợ, chia sẻ, hướng dẫn các hộ nghèo cùng vươn lên trong sản xuất; đã có 712 hộ hội viên, nông dân vươn lên đủ ăn và làm giàu…
Điển hình trong phong trào nông dân SXKDG trên các lĩnh vực như: sản xuất lúa đã thực hiện liên kết và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào canh tác lúa giống chất lượng cao, đem lại năng suất từ 7,5-08 tấn/ha với các cá nhân tiêu biểu như nông dân Lâm Văn Trúng (ấp Lò Ngò, xã Hiếu Tử), nông dân Thạch Đa Ra (ấp Sóc Dừa, xã Tân Hòa) hay mô hình tổ hợp tác sản xuất lúa chất lượng cao do ông Nguyễn Văn Nuôi (ấp Nhứt, xã Tân Hùng) làm tổ trưởng đem lại hiệu quả kinh tế từ 60-70 triệu đồng/ha/năm. Mô hình kinh tế vườn, vườn - ao - chuồng, vườn -ao - chuồng - ruộng được nông dân các xã Tân Hòa, Tân Hùng, Hiếu Trung, Hùng Hòa, thị trấn Cầu Quan… chuyển đổi từ đất ruộng lúa kém hiệu quả, vườn tạp và hiệu quả kinh tế mang lại cao gấp 04-05 lần so với độc canh cây lúa. Điển hình như nông dân Thạch Ngọc Em, Khóm IV, thị trấn Cầu Quan, nhờ trồng bưởi da xanh (0,7ha) kết hợp với nuôi gà thả vườn, hàng năm có tổng thu nhập và lợi nhuận từ 02 nguồn trên 150 triệu đồng. |
Với đặc thù là huyện nông nghiệp, có thế mạnh sản xuất lúa (trên 35.500ha) và gần 2.800ha màu các loại; về chăn nuôi, có trên 90.000 con gia súc và gần 830.000 con gia cầm… để nâng cao hiệu quả trong sản xuất cho nông dân, nhất là việc tạo điều kiện cho hội viên, hộ sản xuất tiếp cận các nguồn vốn vay, trong 05 năm, Hội Nông dân huyện Tiểu Cần đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương, tỉnh và huyện… đầu tư hơn 81 tỷ đồng cho vay phục vụ chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, Hội đã phát triển và củng cố 40 tổ hợp tác sản xuất, có 1.634 hội viên tham gia; 44 tổ hùn vốn xoay vòng có 1.250 thành viên, với số vốn 0,652 tỷ đồng, qua đó đã hỗ trợ và giúp cho 133 hộ vay vốn thoát nghèo, vươn lên.
Chia sẻ cùng chúng tôi, nông dân Trương Văn Đạo, ấp Hòa Trinh, xã Hùng Hòa cho biết: được hỗ trợ và tư vấn từ cán bộ nông nghiệp và Hội Nông dân huyện, từ năm 2015 gia đình đã phát triển mô hình nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học. Mỗi năm nuôi 02 đợt (mỗi đợt khoảng 1.000 con), với giá gà hiện nay khoảng 62.000-65.000 đồng/kg sẽ cho lợi nhuận từ 18.000-20.000 đồng/con. Trong sản xuất, nhất là lĩnh vực chăn nuôi, hội viên nông dân mong muốn cần có sự tham gia của các ngành trong việc xây dựng mô hình và kêu gọi doanh nghiệp liên kết với nông dân trong chăn nuôi hướng đến nuôi khép kín; để người nuôi an tâm khi phát triển, mở rộng quy mô chăn nuôi.
Bên cạnh phát triển kinh tế, trong phong trào nông dân SXKDG còn tích cực phát huy vai trò tham gia XDNTM; qua công tác vận động, tuyên truyền đã có hàng chục ngàn lượt hội viên, nông dân chung tay XDNTM thông qua các hoạt động làm sạch môi trường; phát quang bụi rậm; trồng hoa kiểng và cây xanh… giai đoạn 2015-2020, đã có trên 2.300 hộ hội viên, nông dân hiến đất, hoa màu, cây ăn trái để thi công các công trình dân sinh, với diện tích đất hiến hơn 64ha, ước trị giá trên 18,7 tỷ đồng.
Điển hình cho phong trào trên có ông Thạch Tư (ấp Đại Trường, xã Phú Cần) hiến 568m2 đất; bà Nguyễn Thị Hồng Vân (ấp Ô Ét, xã Phú Cần) hiến 180m2 đất… có thể nói phong trào nông dân thi đua điển hình tiên tiến ở huyện Tiểu Cần đã thật sự lan tỏa đến cộng đồng và nhận được sự hưởng ứng, đồng tình cao từ người dân trong thực hiện đóng góp xây dựng các công trình phục vụ dân sinh và các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đi vào cuộc sống.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Chiều ngày 19/11, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023 - 2027” (Dự án) tổ chức hội thảo báo cáo kết quả khảo sát và đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP có chủ thể là nữ.