30/06/2020 06:26
Nghề đan đát ở xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè góp phần tạo việc làm cho lao động nữ nông thôn.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cầu Kè, nhiệm kỳ 2015-2020, Hội LHPN huyện luôn bám sát nhiệm vụ của Hội và cụ thể hóa nhiệm vụ chính trị của địa phương bằng các nhiệm vụ trọng tâm. Đặc biệt, thông qua phong trào giảm nghèo trong hội viên đã góp phần thực hiện thắng lợi chỉ tiêu của Nghị quyết về giảm hộ nghèo. Đây là điểm sáng trong phong trào và hoạt động của Hội LHPN huyện được tập trung triển khai sâu rộng đến các chi, tổ hội và cán bộ, hội viên phụ nữ…
Theo bà Trịnh Thị Phương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cầu Kè: thông qua các phong trào, mô hình của Hội đã tác động và chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động trong các tầng lớp phụ nữ về thực hành tiết kiệm trong chi tiêu, quản lý tài chính của gia đình, nhiên vật liệu trong lao động sản xuất để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo do hội viên làm chủ hộ, như mô hình “hùn vật tư cất nhà”, “tiết kiệm giúp nhau mua bảo hiểm y tế”, tổ phụ nữ hùn vàng, tổ hợp tác nuôi gà, ống tiền tiết kiệm... từ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của huyện và đóng góp tích cực trong thực hiện thành công Nghị quyết hàng năm của Đảng bộ huyện.
Trong 05 năm (2015-2020), các cấp Hội trong huyện triển khai đồng bộ các hoạt động chăm lo lợi ích thiết thực (các chương trình vay vốn, tín dụng tiết kiệm, dạy nghề...), bước đầu đã phát huy nội lực của phụ nữ thông qua mô hình “tiết kiệm giúp nhau phát triển kinh tế”, “phụ nữ làm kinh tế giỏi”, “giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ thoát nghèo bền vững”.
Với tinh thần tương thân, tương ái, đã tạo nên nguồn nội lực lớn giúp phụ nữ sản xuất, phát triển kinh tế. Trong 05 năm, Hội huy động 42,09 tỷ đồng, đạt 100% Nghị quyết, giúp 15.215 lượt cán bộ, hội viên vay và mượn phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt, thông qua nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển và các nguồn vốn khác do Hội quản lý... các cấp Hội đã giúp 865 hộ hội viên, phụ nữ khởi nghiệp (trong đó, 173 hộ có địa chỉ được đỡ đầu) với số tiền 1,7 tỷ đồng; với các ngành nghề: cung ứng dịch vụ, vật tư nông nghiệp, gia công mặt hàng thủ công, mỹ nghệ, đan đát, dịch vụ ăn uống, mua bán các mặt hàng nông sản. Đến cuối năm 2019, phong trào hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp với các điểm sáng như thành lập Hợp tác xã Tân Qui (cung ứng các mặt hàng trái cây sạch vào siêu thị GO! Trà Vinh), cửa hàng phụ nữ khởi nghiệp, doanh nghiệp may Tuấn Ngọc và doanh nghiệp may Diễm Kiều.
Hội LHPN huyện triển khai xây dựng mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu tại Hội LHPN xã Phong Thạnh, với mô hình chuyển đổi từ lúa kém hiệu quả sang trồng màu nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu; kết quả đã thành lập được 01 tổ trồng rau nhút trên ruộng, có 11 chị tham gia với diện tích 2,3ha; 13 tổ nuôi gà đệm lót sinh học có 115 thành viên ở các xã Phong Phú, Phong Thanh, Hòa Ân, Hòa Tân, Châu Điền...
Từ những kết quả trên, bà Trịnh Thị Phương cho biết thêm: đầu nhiệm kỳ (năm 2016) toàn huyện có 3.099 hộ nghèo (trong đó có 1.339 hộ do nữ làm chủ hộ), đến cuối năm 2019, hộ nghèo toàn huyện giảm còn 1.035 hộ, thoát nghèo bền vững theo tiêu chí đa chiều có 750 hộ hội viên (trong đó có 451 hộ do phụ nữ làm chủ hộ, giảm 404 hộ).
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Chiều ngày 19/11, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023 - 2027” (Dự án) tổ chức hội thảo báo cáo kết quả khảo sát và đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP có chủ thể là nữ.