05/10/2020 07:00
Một buổi sinh hoạt của hội viên phụ nữ Khóm 2, Phường 9.
Bà Kim Thị Ngọc Mai, Phó Chủ tịch Hội LHPN Phường 9 cho biết: Hội LHPN Phường 9 hiện có 1.428 hội viên, tham gia sinh hoạt tại 10 chi, tổ hội. Xác định công tác dân vận không chỉ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Hội LHPN mà còn là yếu tố góp phần củng cố, xây dựng tổ chức Hội trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh các phong trào thi đua, chú trọng xây dựng, phát hiện điển hình tiên tiến. Do đó, để triển khai rộng rãi phong trào thi đua “Dân vận khéo”, thời gian qua, Hội LHPN Phường 9 luôn hướng về cơ sở, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm lan tỏa ý nghĩa sâu rộng của phong trào “Dân vận khéo” tới cán bộ, hội viên phụ nữ.
Hội LHPN Phường 9 đã chỉ đạo các cơ sở hội lựa chọn đăng ký thực hiện các mô hình gắn với các phong trào, các cuộc vận động của hội như: thi đua “Dận vận khéo” gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc“; “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”...Từ đó, các chi, tổ hội đã cụ thể hóa, đăng ký các mô hình cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế địa phương như: tổ tiết kiệm hùn vốn, phụ nữ trong công tác vận động quần chúng, tổ góp vốn mua bảo hiểm y tế, mô hình 5 tiết kiệm, câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật, tổ phụ nữ nuôi heo đất…
Điển hình như tổ tiết kiệm hùn vốn của Chi hội Phụ nữ Khóm 2, mô hình được thực hiện từ năm 2015 và duy trì cho đến nay. Chị Nguyễn Thị Thùy, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Khóm 2 chia sẻ: 05 năm trước, cuộc sống hội viên phụ nữ Khóm 2 còn nhiều khó khăn, hầu hết chị em đi làm thuê, buôn bán nhỏ, giúp việc nhà, một số hội viên thiếu vốn làm ăn phải đi vay vốn bên ngoài với lãi suất 15-20%/tháng, do đó cái khó, cái nghèo vẫn đeo bám chị em. Thấy vậy, Chi hội Phụ nữ Khóm 2 thành lập mô hình tổ phụ nữ hùn vốn tiết kiệm hàng tháng, ban đầu, chi hội đứng ra vận động 15 chị em hội viên vào tổ hùn vốn xoay vòng, mỗi thành viên đóng 20.000 đồng/tháng. Như vậy, mỗi tháng sẽ có 01 chị được giúp số tiền 03 triệu đồng, số vốn được xoay vòng cho đến hết số lượng thành viên trong tổ tham gia.
Nhiều chị em nhờ số tiền nhận được từ mô hình đã sử dụng mua sắm vật dụng gia đình, làm vốn mua bán nhỏ, phát triển kinh tế, như hộ gia đình chị Lâm Thị Sóc dùng nguồn vốn để mua bán cá tại chợ Bạch Đằng, chị Huỳnh Thị Nhanh dùng vốn sửa lại căn nhà. Chị Lâm Thị Sóc chia sẻ: Những năm trước gia đình tôi là hộ nghèo, không đất sản xuất, 02 đứa con còn nhỏ, còn đi học, hàng ngày tôi đi bán cá ngoài chợ để có tiền trang trải nhưng cuộc sống chật vật lắm. Lúc đó, năm 2015, tôi được chị em vận động tham gia tổ tiết kiệm hùn vốn, mỗi tháng góp 20.000 đồng, số tiền không cao lắm, tôi đồng ý tham gia. Vì cần vốn để mua bán cá nên tôi được chị em ưu tiên hốt trước, số tiền 03 triệu đồng, tôi mua thêm cá, tôm, cua về bán, nhờ vậy mà cuộc sống gia đình tôi khá giả, thoải mái hơn. Năm 2018, tôi đã thoát khỏi diện hộ nghèo. Tôi mừng lắm. Hiện nay, tôi vẫn tham gia tổ tiết kiệm hùn vốn để góp phần hỗ trợ nhiều chị em vươn lên ổn định cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Thùy cho biết thêm: tính từ khi thành lập tổ tiết kiệm hùn vốn đến nay, Chi hội Phụ nữ Khóm 2 có 02 hộ thoát nghèo bền vững, 03 hộ vươn lên cận nghèo, chi hội có 113 hội viên, hiện nay không còn hội viên phụ nữ nghèo. Do nhận thấy hiệu quả từ mô hình nên dần dần có nhiều chị em xin tham gia vào tổ tiết kiệm hùn vốn, đến nay có 58 chị em là thành viên. Đồng thời, để chị em được phát triển về mọi mặt, từ mô hình tổ tiết kiệm hùn vốn, năm 2017, chi hội đã thành lập thêm mô hình tổ hùn vốn mua bảo hiểm y tế. Mô hình có 26 chị em tham gia, hàng tháng mỗi thành viên đóng góp 200.000 đồng, để hỗ trợ cho 01 thành viên vay mua bảo hiểm y tế với lãi suất 0%.
Chị Thạch Thị Sa Bơi, thành viên tổ hùn vốn mua bảo hiểm y tế cho biết: gia đình tôi có 05 thành viên, mỗi năm mua bảo hiểm y tế cho cả nhà phải mất hơn 02 triệu đồng. Số tiền này tuy không nhiều, nhưng đối với nông dân như chúng tôi thì rất khó khăn, nhờ tham gia vào tổ hùn vốn, tôi được chi hội phụ nữ cho vay để mua bảo hiểm y tế, không lãi suất, tôi và gia đình rất cám ơn chị em, mỗi tháng gia đình tôi góp lại 200.000 đồng để cho chi em khác vay.
Bà Kim Thị Ngọc Mai cho biết thêm: tổ tiết kiệm hùn vốn, tổ hùn vốn mua bảo hiểm y tế, đây là 02 trong nhiều mô hình “Dân vận khéo” đạt hiệu quả cao và được chị em phụ nữ hưởng ứng tích cực. Mô hình đã thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, sống có nghĩa tình, vun đắp tình làng nghĩa xóm, giúp chị em có kinh phí phát triển kinh tế gia đình, giảm chi phí khám và điều trị bệnh, góp phần đáng kể cùng với chính quyền địa phương trong thực hiện chính sách an sinh xã hội và tăng cường độ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân. Thời gian tới, Hội LHPN phường và các chi hội phụ nữ khóm tiếp tục tuyên truyền, vận động, nhân rộng mô hình để hội viên và chị em phụ nữ cùng tham gia.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN
Chiều ngày 19/11, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023 - 2027” (Dự án) tổ chức hội thảo báo cáo kết quả khảo sát và đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP có chủ thể là nữ.