06/02/2024 18:32
Cán bộ Hội tham quan sản phẩm trưng bày, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm của phụ nữ khởi nghiệp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Xác định hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống là nhiệm vụ trọng tâm được các cấp Hội quan tâm thực hiện và triển khai nhiều hình thức hỗ trợ hiệu quả, nhiều mô hình được Trung ương Hội LHPN Việt Nam đánh giá cao. Trong đó, Hội huy động các nguồn lực hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, tăng nguồn vốn tín dụng chính sách hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh doanh, hỗ trợ nhiều mô hình sinh kế, tạo việc làm cho lao động nữ, góp phần thực hiện chương trình giảm nghèo hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân vốn cho hàng ngàn hộ vay, nâng đến nay, có khoảng 57.400 hộ vay, tổng dư nợ trên 1.820 tỷ đồng.
Thực hiện kế hoạch chuyên đề hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo bền vững năm 2023, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp Hội rà soát hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, có giải pháp phối hợp hỗ trợ thoát nghèo bằng nhiều hình thức; chỉ đạo cơ sở Hội tiếp tục thực hiện mô hình sinh kế “Người có giúp người khó”, vận động gần 01 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện 63 mô hình sinh kế tập thể, 92 cá nhân. Ngoài ra, vận động từ nguồn xã hội hóa, năm 2023, Hội đã giúp 508 hộ nghèo, hộ cận nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, số tiền trên 18 tỷ đồng, giúp chị em phát triển kinh tế gia đình, có 318 hộ thoát nghèo.
Đặc biệt, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh được Hội tập trung thực hiện, cùng với sự chung tay tiếp sức của các ngành, các cấp, trong đó có Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” đã giúp nhiều chị mạnh dạn khởi nghiệp và đã thành công, khẳng định được vị thế trong gia đình và xã hội, lan tỏa phong trào phụ nữ khởi nghiệp. Thực hiện chương trình mỗi xã 01 sản phẩm OCOP, đến nay, có 71 sản phẩm OCOP do phụ nữ làm chủ...
Các sản phẩm của phụ nữ khởi nghiệp, sản phẩm OCOP của phụ nữ được trưng bày, quảng bá tại các buổi hội nghị, hội thảo do Hội LHPN tỉnh tổ chức.
Tập trung hoạt động khởi nghiệp, Hội tổ chức phát động ngày phụ nữ khởi nghiệp, phát động hội viên phụ nữ tham gia hội thi ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2023, có 78 ý tưởng dự thi cấp tỉnh và 05 ý tưởng tham dự thi cấp Trung ương. Thực hiện trưng bày sản phẩm, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm của phụ nữ khởi nghiệp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp và đối thoại chính sách cho doanh nghiệp nữ, phụ nữ khởi nghiệp, hội thảo tư vấn kết nối sản phẩm phụ nữ khởi nghiệp đạt chứng nhận sản phẩm OCOP tham gia sàn thương mại điện tử… Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp nữ tiêu thụ nông sản, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt đưa các mặt hàng nông sản, các sản phẩm khởi nghiệp điển hình của phụ nữ, các sản phẩm OCOP và các sản phẩm tiềm năng OCOP của tỉnh Trà Vinh lên sàn thương mại điện tử.
Bà Đào Thị Hồng Vân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ doanh nhân (thuộc Hội LHPN tỉnh) chia sẻ: Câu lạc bộ hiện có 31 thành viên, vừa sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương vừa liên kết kinh doanh, chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ địa phương, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc. Ngoài ra, Câu lạc bộ phối hợp với Hội LHPN tỉnh tham gia các phong trào hỗ trợ phụ nữ nghèo, phụ nữ hoàn cảnh khó khăn, tham gia các hoạt động bình đẳng giới, nâng cao vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Mô hình nuôi ếch kết hợp cá rô của chị Nguyễn Thị Cẩm Dung, ấp La Bang Chợ, xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải là một trong những mô hình sinh kế hiệu quả giúp phụ nữ thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình.
Đồng chí Kiên Thị Minh Nguyệt, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: từ những kết quả đạt được trong những năm qua, Hội tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội thực hiện tốt các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp; đặc biệt, tiếp tục phát huy và chỉ đạo nhân rộng các mô hình hiệu quả. Tập trung một số hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cụ thể trong thời gian tới, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ hội, hội viên phụ nữ về khởi nghiệp.
Tiếp tục phối hợp với các sở, ngành tổ chức nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ kết nối chuỗi cung ứng sản phẩm tiềm năng, sản phẩm OCOP của địa phương, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nữ, phụ nữ khởi nghiệp kịp thời chủ động với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đưa các sản phẩm ra thị trường. Tăng cường phối hợp hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, kinh tế hợp tác, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xây dựng gia đình hạnh phúc. Thực hiện hiệu quả các hoạt động chăm lo đời sống, vật chất tinh thần cho phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Tiếp tục khơi nguồn sáng tạo cho phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh, thời gian tới, các cấp Hội trong tỉnh tiếp tục tranh thủ nguồn lực từ nhiều chương trình, dự án hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, vận động hộ kinh doanh tham gia hợp tác xã kiểu mới, tiếp thêm niềm tin, động lực giúp phụ nữ vươn lên, phát huy được năng lực, khẳng định vai trò, vị trí của phụ nữ trong giai đoạn mới, gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
Chiều ngày 19/11, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023 - 2027” (Dự án) tổ chức hội thảo báo cáo kết quả khảo sát và đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP có chủ thể là nữ.