21/07/2021 16:12
Cơ sở ấp nở gia cầm Nhựt Thiên, ấp An Thạnh, xã Tân Bình, huyện Càng Long của chị Nguyễn Trúc Linh được Quỹ HTPTPN hỗ trợ vốn vay 70 triệu đồng đầu tư mua 02 máy ấp nở gia cầm. Chị Linh cho biết: trước đây, gia đình không ruộng đất sản xuất, kinh tế chủ yếu dựa vào nghề làm thuê. Khoảng 06 năm nay, chồng chị Linh là anh Nguyễn Chí Linh tìm tòi học hỏi, nghiên cứu phương pháp ấp nở gia cầm để cải thiện kinh tế gia đình. Nhờ học hỏi và áp dụng thành công phương pháp ấp nở gia cầm bằng máy công nghiệp, nên 06 năm qua, gia đình chị Linh từ hộ khó khăn đã trở thành hộ khá, nhà cửa khang trang, bình quân cơ sở ấp nở khoảng 5.000 trứng gia cầm/tháng. Từ con giống này, gia đình chị Linh đầu tư từ 04 - 05 hộ dân trên địa bàn và các hộ dân trong và ngoài huyện, chu kỳ ấp nở gia cầm khoảng 20 ngày.
Cùng với đó, đầu năm 2021, nhờ Quỹ HTPTPN hỗ trợ vốn vay kịp thời giúp cơ sở đầu tư mua thêm máy ấp nở xoay vòng, nên khoảng 04 - 05 ngày, cơ sở cho ra mẻ khoảng 1.000 con giống giao cho khách hàng, lợi nhuận từ 02 - 03 triệu đồng/1.000 con gà giống. Đây là tín hiệu vui tích cực trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, hơn 01 tháng nay, tình hình hoạt động của cơ sở gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh nên đã tạm ngưng hoạt động, vì đầu ra con gia cầm giống không ổn định, giá thịt gia cầm sụt giảm mạnh. Thời gian tạm nghỉ, cơ sở tận dụng nhà xưởng ấp nở gia cầm và xe tải của gia đình để tự tạo việc làm với mong kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình trong mùa dịch bệnh Covid-19 bằng cách thu mua cám, gạo về dự trữ bán cho người dân trong xóm, bước đầu đạt kết quả khả quan, bình quân xuất bán 01 tấn cám, gạo/tuần, lợi nhuận 800.000 đồng/tấn.
Chị Linh cho biết thêm: tuy bước đầu chuyển đổi kinh doanh gặp thuận lợi, nhưng do thiếu vốn đầu tư nên nguồn nguyên liệu không đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng. Bởi cơ sở còn tồn đọng vốn trong dân trên 100 triệu đồng con giống gia cầm chưa thu hồi được do dịch bệnh, người nuôi thua lỗ, không khả năng tái đàn và chậm chi trả cho cơ sở. Với khó khăn chung hiện nay, cơ sở mong các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ vốn vay thêm để cơ sở chủ động nguồn nguyên liệu vừa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, vừa góp phần tăng thu nhập, vượt qua khó khăn trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay.
Công ty TNHH may mặc Minh Lực, ấp Ô Răng, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang của chị Mai Thị Vũ cũng được tiếp nhận vốn vay từ Quỹ HTPTPN Trà Vinh 200 triệu đồng đầu tư sản xuất, kinh doanh. Theo chị Vũ, Công ty thành lập từ tháng 8/2018, trong quá trình hoạt động đến nay đã gặp không ít khó khăn. 03 năm đầu lập nghiệp, do Công ty chưa tìm được đối tác lớn, trong khi đó, người lao động thiếu tay nghề, nên nguồn hàng sản xuất thường xuyên bị đối tác trả hàng hoặc bồi thường hàng. Cùng với đó, dịch bệnh Covid-19 xảy ra và diễn biến phức tạp, Công ty gặp nhiều khó khăn. Để duy trì nguồn lao động và thu hút người lao động, chị Vũ đã thế chấp tài sản của gia đình chi trả tiền lương cho công nhân, tiền thuê kỹ thuật đào tạo nghề, tiền thuê 03 mặt bằng làm nhà xưởng may, tiền nhập nguyên liệu duy trì các đơn đặt hàng của đối tác. Không chỉ vậy, công ty còn chịu áp lực về thuế, lãi suất ngân hàng và những đơn hàng bị trả về buộc chỉnh sửa hoặc bồi hoàn tiền hợp đồng do hàng hóa bị lỗi nên dẫn đến không đúng thời gian cam kết hợp đồng…
Chị Vũ cho biết: khó khăn là vậy, thời điểm này, Công ty được Quỹ HTPTPN hỗ trợ vốn vay 200 triệu đồng với lãi suất 1,2%/tháng. Tuy lãi suất cao, nhưng có được số vốn kịp thời giúp công ty giải quyết tiền lương công nhân, tiền thu mua nguyên liệu và các thiết bị khác… trong 06 tháng đầu năm 2021, tuy dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng tình hình hoạt động kinh doanh tại Công ty có nhiều khởi sắc, nhiều đơn đặt hàng của các đối tác lớn, trung bình hàng tháng công ty sản xuất 15.000 cái (áo đầm, áo khoác và một số trang phục thời trang khác). Hiện công ty đang giải quyết việc làm khoảng 150 lao động địa phương, thu nhập từ 05 - 11 triệu đồng/tháng/lao động kể cả tiền lương cơ bản và tăng ca…
Theo chị Vũ, nếu tình hình công ty duy trì các đơn đặt hàng hiện có, công ty lợi nhuận bình quân 100 triệu đồng/tháng. Với kết quả bước đầu thuận lợi, chị Vũ đã tặng 25 phần học bổng cho con em công nhân có thành tích học tập khá trở lên nhân dịp kết thúc năm học 2020 - 2021, nhằm động viên tinh thần của công nhân. Có thể nói, từ khi thành lập đến nay, 06 tháng đầu năm 2021 là bước ngoặt gặt hái được thành tích đáng khích lệ, tuy nhiên vẫn còn khó khăn do Công ty chưa có mặt bằng kinh doanh ổn định, lợi nhuận 06 tháng đầu năm chỉ đủ xoay vòng nguồn nguyên liệu và chi trả lương công nhân và tiền mặt bằng, lãi suất ngân hàng. Để Công ty phát triển tốt hơn và giải quyết việc làm nhiều lao động địa phương, mong các ngành, các cấp quan tâm tạo điều kiện cho Công ty tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, giảm áp lực tiền vay thế chấp của các ngân hàng hiện tại.
Ông Võ Phan Khánh Thuận, Phó Giám đốc Quỹ HTPTPN cho biết: từ đầu năm đến nay, Quỹ HTPTPN đã giải ngân 57,685 tỷ đồng giúp 4.120 thành viên vay vốn, đạt 56,5% kế hoạch. Nâng tổng số từ khi triển khai đến nay toàn Quỹ HTPTPN đã giải ngân 411,407 tỷ đồng giúp 43.953 lượt thành viên vay vốn. Để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, thời gian tới, Quỹ HTPTPN tham mưu lãnh đạo Hội LHPN tỉnh về phương án gia hạn, khoanh nợ đối với những DN, hộ kinh doanh, hợp tác xã dừng hoạt động do bị ảnh hưởng dịch bệnh; khuyến khích, hỗ trợ DN, hộ kinh doanh, hợp tác xã nghiên cứu tìm nguồn cung và thị trường mới để lưu thông hàng hóa, nguồn nguyên liệu; khuyến khích cơ sở kinh doanh đang tạm dừng hoạt động chuyển đổi ngành nghề để có nguồn thu nhập; đồng thời xem xét hỗ trợ nguồn vốn vay bổ sung, cho vay tái cơ cấu sản xuất, chuyển đổi.
MỸ NHÂN
Chiều ngày 19/11, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023 - 2027” (Dự án) tổ chức hội thảo báo cáo kết quả khảo sát và đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP có chủ thể là nữ.