23/11/2021 08:08
Chị Kiên Thị Oanh Na thu hoạch khổ qua.
Bà Võ Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cầu Ngang cho biết: thời gian qua, nhờ thực hiện tốt phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần đáng kể trong chương trình giảm nghèo. Với đặc thù huyện nông nghiệp, nên phần đông hội viên phụ nữ đều tham gia sản xuất. Chính vì vậy, Hội LHPN luôn bám sát sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và nguồn lực XDNTM để lồng ghép triển khai thực hiện ở từng cơ sở Hội.
Đến nay, các cơ sở Hội LHPN duy trì hoạt động 22 mô hình kinh tế với 1.361 thành viên như: tổ phụ nữ nuôi bò, may khẩu trang, làm muối rang, liên kết trồng rau an toàn, dịch vụ nấu ăn, trồng ớt chỉ thiên, may gia công vành nón, trồng năng, trồng đậu phộng, đan giỏ lục bình...
Trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với XDNTM, Hội LHPN huyện chỉ đạo các cơ sở Hội phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và có kế hoạch phát triển sản xuất phù hợp với từng tiểu vùng, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh sẵn có để phát triển sản xuất nông, ngư nghiệp góp phần gia tăng giá trị sản xuất và bù đắp lại thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh. Theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản; chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm, nhất là bệnh viêm da nổi cục trên bò… để hạn chế thiệt hại trong sản xuất.
Nổi bật trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải kể đến chị Kiên Thị Oanh Na, ấp Lạc Hòa, xã Thạnh Hòa Sơn, với lợi nhuận đạt 80 - 100 triệu đồng/ha/năm. Chị Na cho biết: với 0,7ha đất thâm canh 03 vụ màu/năm chủ yếu trồng khổ qua, bầu, ớt chỉ thiên. Riêng vụ màu năm 2021, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên vụ màu đầu tiên cùng thời gian giãn cách xã hội giá bán sụt giảm. Liên tiếp vụ kế, chị tiếp tục trồng 3.000m2 khổ qua, giá bán từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, lợi nhuận ước đạt 25 triệu đồng. Trong thời gian thu hoạch khổ qua, chị lên liếp trồng 4.000m2 ớt chỉ thiên với hy vọng được giá vào dịp cuối năm. Với kế hoạch sản xuất cụ thể, gia đình chị có nguồn thu nhập khá vào dịp Tết.
Gia đình chị Sơn Thị Xuân, ấp Sóc Mới, xã Long Sơn chuyển 1.000m2 đất kém hiệu quả sang trồng cỏ để nuôi bò sinh sản. Theo chị Xuân, khi mới làm, vợ chồng chị gặp nhiều khó khăn, nhất là về vốn, nhưng được Hội tạo điều kiện tiếp cận khoa học - kỹ thuật, vốn, gia đình chị đã có thêm nghị lực để vươn lên. Ngoài nuôi 04 con bò sinh sản, bình quân xuất bán 02 con/năm, thu nhập từ 30 - 50 triệu đồng, gia đình chị thuê 3.000m2 đất để trồng lúa, màu vừa góp phần tăng thêm thu nhập vừa có nguyên liệu phụ phẩm sau thu hoạch phục vụ chăn nuôi nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận.
Đi đôi với việc hỗ trợ phát triển kinh tế, tăng giàu, giảm nghèo, thực hiện XDNTM, đô thị văn minh luôn được các cấp Hội LHPN xem là khâu đột phá trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Hội với các phong trào thi đua như: xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” gắn với XDNTM, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế…
Theo bà Võ Thị Thúy Hằng, sự đóng góp của chị em trong lĩnh vực phát triển kinh tế đã góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế của huyện bình quân đạt 12,01%/năm trong giai đoạn 2015 - 2020, thu nhập bình quân đạt 52 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 xuống còn 1,3%. Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Hội LHPN huyện tiếp tục tập trung tuyên truyền, vận động và xem đây là giải pháp trọng tâm, thực hiện thường xuyên nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, đặc biệt là huy động được sự chung tay, góp sức của cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện trong công cuộc XDNTM.
Phát động các phong trào thi đua XDNTM, đô thị văn minh bằng nhiều hình thức thiết thực để cán bộ, hội viên phụ nữ hiểu rõ vai trò chủ thể của mình. Đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho chị em, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả để nâng cao giá trị trên diện tích đất canh tác.
Tin rằng với giải pháp thiết thực trên, Hội LHPN tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy hoạt động mạnh mẽ của Hội, đồng thời nâng cao vai trò vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Chiều ngày 19/11, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023 - 2027” (Dự án) tổ chức hội thảo báo cáo kết quả khảo sát và đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP có chủ thể là nữ.